• Không có kết quả nào được tìm thấy

Chương 4: BÀN LUẬN

4.2.3. Sự thay đổi về hiệu quả can thiệp

Chúng tôi thấy rằng việc thay đổi thái độ của phụ nữ tuổi sinh đẻ đối với việc tiêm phòng vắc xin cúm gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì lý do đó mà ngay từ mục tiêu ban đầu, chúng tôi lựa chọn điểm nhấn chính là thay đổi kiến thức của phụ nữ tuổi sinh đẻ từ đó làm nâng cao tỷ lệ thực hành tiêm vắc xin cúm mùa cho đối tượng nghiên cứu.

Với thời gian can thiệp 12 tháng, chúng tôi thấy các giải pháp can thiệp của nghiên cứu đã có hiệu quả trong việc tăng tỷ lệ tiêm vắc xin cúm mùa tại quận Đống Đa cũng như huyện Ba Vì.

Tại quận Đống Đa, địa bàn nội thành, hiệu quả can thiệp làm tỷ lệ đối tượng nghiên cứu tiêm vắc xin cúm mùa tại phường Trung Tự tăng từ 28,5% lên 37,8%

(p<0,05, Biểu đồ 3.14), nghĩa là tăng lên 32,6% tại địa bàn can thiệp, cùng thời gian đó nhóm chứng tăng lên 10,3% theo thời gian (Bảng 3.27). Chỉ số hiệu

quả can thiệp là 22,3% hay nói cách khác, can thiệp làm cho số đối tượng tiêm vắc xin cúm mùa tăng 22,3%. Tại huyện Ba Vì, cũng cho kết quả tốt, điều này được thể hiện qua các con số cụ thể như sau: tỷ lệ tiêm vắc xin cúm mùa tại xã can thiệp Thụy An tăng lên đáng kể từ 9,5% lên 22,8% (p<0,05, test χ2). Con số này tại xã chứng Phú Sơn có mức tăng thấp hơn, từ 9,2% lên 20,3% (Biểu đồ 3.15). Hiệu quả làm tỷ lệ đối tượng nghiên cứu tiêm vắc xin cúm mùa tăng lên 140% tại địa bàn can thiệp, cùng thời gian đó nhóm chứng tăng lên 120,7% theo thời gian. Chỉ số hiệu quả can thiệp là 19,3% hay nói cách khác, can thiệp làm cho số đối tượng tiêm vắc xin cúm mùa tăng 19,3%

(Bảng 3.28). Kết quả này có được theo chúng tôi là do thông điệp truyền thông can thiệp đã nêu cụ thể địa điểm tiêm vắc xin cúm mùa là Trạm y tế xã Thụy An (Hình 3.2), so với trước can thiệp có tới 1/3 số phụ nữ trả lời lý do không tiêm vắc xin cúm là vì không biết tiêm ở đâu (Bảng 3.6). Từ đó có thể thấy rằng các địa bàn tương tự hoàn toàn có thể mở rộng mô hình can thiệp này nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cúm mùa cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Kết quả định tính sau can thiệp của chúng tôi còn bổ sung yếu tố ảnh hưởng tới thực hành tiêm vắc xin phòng cúm mùa của nữ tuổi sinh đẻ bao gồm giá vắc xin phù hợp, sự sẵn có của dịch vụ tiêm vắc xin và công tác truyền thông. Công tác truyền thông quan trọng nhất vẫn chính là tư vấn của cán bộ y tế. Các phụ nữ cũng gợi ý rằng nên lồng ghép nội dung tư vấn tiêm phòng vắc xin cúm mùa cho các chị em nếu đến trạm y tế, nhất là giai đoạn trước khi có thai. Điều này cần lồng ghép trong các hướng dẫn của Bộ Y tế về chăm sóc trước sinh cho phụ nữ mang thai tại Việt Nam.

Kết quả của chúng tôi cũng tương tự như nghiên cứu của Zimmerman và cộng sự thực hiện giải pháp can thiệp bao gồm: Giảm giá vắc xin, poster, truyền thông trực tiếp qua nhân viên y tế nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin cúm cho thấy tỷ lệ tiêm vắc xin cúm đã tăng lên từ 24% lên 30%

[83]. So với giải pháp can thiệp bác sĩ gia đình tổ chức buổi thuyết trình

cho người dân đến khám tại phòng khám (tại Israel), hiệu quả can thiệp của chúng tôi đạt hiệu quả tương tự [84].

Chúng tôi thấy rằng trong những nghiên cứu can thiệp trong tương lai có thể kết hợp thêm các biện pháp can thiệp như nhắc tiêm thông qua các hình thức gọi điện trực tiếp, gọi điện tự động, gửi thư, nhắn tin, kết hợp gửi thư điện tử (Email) [86].

Mặc dù hiệu quả can thiệp là rất rõ ràng: tỷ lệ phụ nữ tiêm phòng cúm mùa sau can thiệp đã tăng nhưng có thể nói so với mặt bằng chung trên thế giới và các quốc gia Đông Nam Á đây vẫn là một con số thấp. Kết quả cũng cho thấy một thực tế đáng lo ngại là vẫn còn một bộ phận phụ nữ, vì một hay nhiều lý do nào đó mà không đi tiêm cúm. Trong bối cảnh dịch bệnh cúm đang lưu hành phức tạp trên thế giới cũng như tại Việt Nam thì đây chính là trong những mối nguy trực tiếp dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn tiếp tục ảnh hưởng lớn đến phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Mặt khác cũng cần đánh giá thêm về sự sẵn có và dễ tiếp cận của dịch vụ y tế. Với điều kiện mỗi huyện chỉ có ít điểm tiêm dịch vụ và giá thành vắc xin ở mức tương đối cao như hiện nay thì đó chắc chắn đang là những rào cản đáng kể cho người dân tiếp cận với vắc xin phòng cúm. Một số nghiên cứu trên thế giới về gánh nặng bệnh tật và tử vong do bệnh cúm cũng đưa ra những nhận định tương tự [68]. Một yếu tố khác cần được xem xét tới đó là chính sách chung của Bộ Y tế. Tính đến nay, Việt Nam chưa có được khuyến cáo chính thức cũng như thiếu các văn bản quy định hướng dẫn cụ thể riêng về tiêm phòng vắc xin cúm mùa cho phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ có thai.

Theo quyết định số 2078/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 23/6/2011 về việc hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm. Văn bản chỉ đưa nội dung rất chung cho các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng cúm là: nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính,

bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…) [1]. Trong văn bản chưa đề cập tới đối tượng phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Điều này cho thấy có khoảng trống nhất định về dự phòng cúm mùa cho phụ nữ mang thai. Theo chúng tôi, hoạt động dự phòng bệnh cúm mùa cho phụ nữ mang thai và độ tuổi sinh đẻ có thể được lồng ghép vào chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản tại từng xã/phường trong tương lai.