• Không có kết quả nào được tìm thấy

Từ khóa: Bố cục chùa Huế, mặt bằng chùa Huế, kiến trúc chùa Huế, chùa Huế thời Nguyễn 1

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "Từ khóa: Bố cục chùa Huế, mặt bằng chùa Huế, kiến trúc chùa Huế, chùa Huế thời Nguyễn 1"

Copied!
17
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 20, Số 1 (2022)

PHÂN LOẠI BỐ CỤC MẶT BẰNG CHÙA HUẾ THỜI NGUYỄN THEO CHỮ TƯỢNG HÌNH

Nguyễn Thị Minh Xuân*, Trần Thành Nhân,Nguyễn Phong Cảnh Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

*Email: minhxuan@husc.edu.vn Ngày nhận bài: 22/9/2021; ngày hoàn thành phản biện: 25/10/2021; ngày duyệt đăng: 4/4/2022 TÓM TẮT

Kiến trúc chùa Huế mang nét đặc trưng riêng của vùng miền và phong cách của triều đại nhất là dưới thời Nguyễn khi Huế được biết đến là thủ đô Phật giáo Việt Nam. Với nhiều chính sách và nhiều cuộc trùng hưng lớn đã tạo nên diện mạo ngôi chùa Huế đặc trưng về kiến trúc và cảnh quan. Khi nhìn nhận kiến trúc ngôi chùa Huế, bố cục tổng thể chính là mô hình biểu đạt quan trọng và tổng quan nhất về kiến trúc, về không gian và môi trường sinh thái đặc sắc xứ Huế.

Nghiên cứu này tập trung nghiên cứu phân loại và xác định đặc điểm các loại hình bố cục mặt bằng chùa Huế thời Nguyễn theo tiêu chí chữ tượng hình. Dựa trên quá trình khảo sát đo vẽ bố cục 24 ngôi chùa điển hình xây dựng vào thời Nguyễn, từ đó xác định được bố cục nào là dạng đặc trưng của chùa Huế và nhìn nhận được những giá trị truyền thống của các dạng đó. Có những định hướng để giữ gìn và phát huy nâng cao những giá trị truyền thống. Điều này thật sự cần thiết trong bối cảnh hiện đại đã và đang có những tác động làm thay đổi, mất dần giá trị truyền thống của một số ngôi chùa cổ ở Huế.

Từ khóa: Bố cục chùa Huế, mặt bằng chùa Huế, kiến trúc chùa Huế, chùa Huế thời Nguyễn

1. MỞ ĐẦU

Huế là vùng đất mang những dấu ấn lịch sử quan trọng, vùng đất này có sơn thủy địa linh là những nhân duyên cho đạo Phật xuất hiện và phát triển. Khó tìm thấy nơi nào trên đất nước ta có mật độ chùa chiền và niệm phật đường, am tự lớn như vậy.

Nhất là vào giai đoạn chúa Nguyễn và vua Nguyễn, Phật giáo phát triển nở rộ về văn hóa và kiến trúc, mỹ thuật và được sự đồng tâm ủng hộ lớn từ triều đình và thường dân, chùa Huế giai đoạn này phát triển cả số lượng và chất lượng.

(2)

Phân loại bố cục mặt bằng chùa Huế thời Nguyễn theo chữ tượng hình

Từ sau phong kiến đến nay, quá trình hiện đại hóa và những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm tạo nên sự mâu thuẫn trong trùng tu, tôn tạo khiến bố cục truyền thống ngôi chùa bị biến đổi, một số chùa bị mất hẳn bố cục gốc, cái chất chùa Huế bị biến đổi bởi tính lấn át của kiến trúc, ở sự thu hẹp cảnh quan vườn chùa… Chính vì vậy việc nghiên cứu các dạng bố cục truyền thống của chùa Huế trong giai đoạn thời Nguyễn nở rộ về kiến trúc Phật giáo là một vấn đề cấp thiết hiện nay. Với mong muốn tổng hợp phân loại, so sánh, phân tích các đặc điểm của mỗi loại bố cục và nhận diện được các giá trị truyền thống nếu có của bố cục. Từ đó có định hướng về giải pháp giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống.

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu là 24 ngôi chùa thuộc phái Bắc tông1 (tông phái Phật giáo chủ đạo thời Nguyễn) được hình thành vào thời Nguyễn (1558 - 1945) thuộc địa phận tỉnh Thùa Thiên Huế. Các ngôi chùa khảo sát được chọn lọc, có giá trị về nguồn gốc lịch sử phật giáo và kiến trúc. Chùa Thiên Mụ là di tích cấp quốc gia, chùa Thiện Khánh, La Chữ là di tích cấp tỉnh và còn lại đa số là các ngôi tổ đình nổi tiếng có giá trị lịch sử.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phương pháp khảo sát thực địa qua quan sát, chụp ảnh hiện trạng, định vị ngôi chùa trên bản đồ, đo vẽ mặt bằng tổng thể 24 ngôi chùa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phương pháp thống kê và phân tích so sánh, tổng hợp số liệu thu thập: sử dụng các phần mềm để lập các bảng biểu thống kê số lượng, bıểu đồ tỷ lệ phần trăm sau đó phân tích và tổng hợp để rút ra các kết luận. Kết hợp tổng hợp các tài liệu thứ cấp như bài báo, tạp chí, đề tài nghiên cứu về chùa Huế…và điều tra phỏng vấn một số chuyên gia về chùa Huế và các sư tăng trụ trì ở các chùa khảo sát.

3. PHÂN LOẠI BỐ CỤC MẶT BẰNG CHÙA HUẾ THỜI NGUYỄN THEO CHỮ TƯỢNG HÌNH

3.1 Vài nét về lịch sử phát triển chùa Huế

Vùng đất Thuận Hóa từ thời Chăm pa trở về trước, Phật giáo đã xuất hiện và tương đối ổn định. Giai đoạn “Sau khi hai châu Ô, Rí thuộc về Đại Việt dưới đời nhà Trần,

1 Bắc tông: Là tông phái phật giáo Đại Thừa xuất phát từ Trung Hoa du nhập vào nước ta khoảng thế kỉ IV-V phát triển mạnh mẽ và được xem là phật giáo truyền thống và là tông phái chủ đạo ở Huế thời Nguyễn. Sau này ở Huế xuất hiện thêm phái phật giáo Nam Tông (1954), và phái Khất Sĩ.

(3)

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 20, Số 1 (2022)

người dân Việt vào khai hoang mang theo tín ngưỡng dân gian truyền thống kết hợp với văn hóa Chăm pa tạo thành một tín ngưỡng đa thần giáo. Trong đó, đạo Phật đã nổi bật lên là một tôn giáo đàng hoàng” [3 tr.12]. Như vậy chứng tỏ đạo Phật đã có gốc rễ sâu bền ở xứ Thuận Hóa. Sự phát triển rõ nét của Phật giáo cũng như hệ thống chùa chiền ở vùng đất này gắn liền với lịch sử phát triển kinh thành Phú Xuân - Huế, kể từ khi vùng đất này trở thành thủ phủ của xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1788).

Với chính sách “cư Nho mộ Thích”2 đã đưa đến sự phổ biến của tổ đình và quốc tự.

Giai đoạn nhà Nguyễn (1802-1945), “đặc biệt từ năm 1802 đến 1885 Phật giáo Huế phát triển theo bề mặt và hình thành phong cách, một hệ thống chùa chiền rộng lớn đã hình thành từ việc trùng kiến trùng hưng và xây dựng chùa tháp, đúc chuông, tô tượng” [1, tr.326]. Các chúa Nguyễn, vua Nguyễn dùng Phật giáo để thu phục niềm tin của dân chúng vào dòng họ Nguyễn, đồng thời Phật giáo cũng là chỗ dựa tinh thần người dân khi sống giữa cảnh còn hoang sơ lạ lẫm lúc ấy. Do vậy ở Đàng Trong, hàng loạt chùa tháp được xây dựng khắp nơi với sự bảo hộ của triều đình, các bà phi và quan lại, dân chúng.

Chùa Huế thời Nguyễn có 5 dạng sau: chùa vua, chùa quan, chùa tổ 3, chùa làng, chùa dân lập.

3.2 Vị trí chùa Huế và các thành phần trong bố cục một ngôi chùa Huế

Vị trí chùa Huế: thường phân bố tập trung ở phía Nam sông Hương gần hệ thống lăng tẩm các vua Nguyễn. 24 ngôi chùa khảo sát gồm 20 chùa ở thành phố Huế, 4 chùa thuộc huyện gồm: chùa La Chữ ở huyện Hương Trà, chùa Diệu Ngộ ở huyện Phú Lộc và chùa Thiện Khánh ở huyện Quảng Điền, chùa Diệu Viên ở xã Hương Thủy.

Bố cục một ngôi chùa: là tổ hợp các hình chiếu bằng của phần mái che các công trình trên khu đất xây chùa, với đầy đủ các hạng mục kiến trúc, sân vườn, đường đi, lối dạo, hồ nước… với vị trí và tỉ lệ tương đương ngoài thực tế.

Các thành phần trong bố cục chùa Huế: gồm các khối kiến trúc chính và phụ, sân chùa và vườn chùa. Kiến trúc có khoảng 15 - 16 khối lớn nhỏ. Các khối chính là cổng Tam Quan, chánh điện, nhà hậu4, nhà tăng, nhà khách. Các khối phụ là bếp ăn, tháp tổ5, lầu chuông, lầu trống, nhà bia, đài Quan Âm6, điện Quan Âm7, điện thờ

2 “Cư Nho mộ Thích” có nghĩa là ăn ở, tố chức cuộc sống, điều hành đất nước theo Nho giáo nhưng tâm linh thì một lòng theo Thích Ca (Phật giáo)

3 Còn gọi là “tổ đình”, là ngôi chùa mà tại đó vị sư tổ khai sinh ra một tông phái Phật giáo sinh sống và tu tập tại đó.

4 Nhà hậu: vị trí sau chính điện, có chức năng đa dạng: thờ thánh, thờ hương linh quy y, thực hiện các nghi lễ, họp tăng chúng hoặc tiếp đãi khách

5 Là hệ thống mộ tháp an táng nhục thân các vị tổ sư khai sơn chùa xuất hiện từ cuối thế kỷ 17

(4)

Phân loại bố cục mặt bằng chùa Huế thời Nguyễn theo chữ tượng hình

Thánh Mẫu8, tháp thờ Phật, nhà thiền… ít xuất hiện hơn. Tùy điều kiện của mỗi chùa mà bố trí đầy đủ các thành phần trên để tạo nên một bố cục hoàn chỉnh. Trong đó, chánh điện còn gọi là điện Đại Hùng là thành phần quan trọng nhất của ngôi chùa là nơi thờ Phật và thờ Tổ. Với ý nghĩa, đây là nơi đức Phật ngự trị, biểu thị sự linh thiêng của Phật pháp.

Trong 24 ngôi chùa khảo sát, 17 chùa có đầy đủ tất cả các thành phần chính nói trên. Tam quan, chánh điện xuất hiện hầu hết các chùa. Nếu chùa không có nhà hậu một số trường hợp thay thế bằng nhà thiền, “điện Quan Âm”. Các tăng xá là chỗ ở của tăng chúng, nhà khách dùng để tiếp khách tùy trường hợp có chùa có hoặc sẽ kết hợp chung ở một khối khác. Các khối phụ: lầu chuông, lầu trống, nhà bia, đài Quan Âm…

chiếm số lượng ít để tạo cảnh và mang tính tưởng niệm bố trí kiểu đăng đối. Đặc biệt có điện thờ Thánh Mẫu nằm riêng biệt ở chùa Viên Thông nói lên sự giao thoa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian trong ngôi chùa. Các tháp Phật (như tháp Phước Duyên- chùa Thiên Mụ) rất ít xuất hiện trong chùa Huế. Điều này là điểm khác biệt so với chùa miền Bắc mà thay vào đó là hệ thống tháp tổ có độ cao tầm 3-5m, là nơi an nghỉ của các vị sư tổ. Điều này chứng tỏ chùa Huế muốn giữ bố cục kiến trúc ở một độ cao vừa phải, hạn chế cao độ, kiến trúc thấp hài hòa cùng cảnh quan thiên nhiên, chú trọng cảnh quan.

Hình 1. Biểu đồ số lượng các thành phần trong bố cục 24 chùa khảo sát

3.3 Phân loại bố cục chùa Huế theo chữ tượng hình Trung Quốc

8 Điện thờ Thánh Mẫu: thờ riêng Thánh Mẫu, vị nữ thần của tín ngưỡng Chămpa được Việt hóa thành Thiên Y A Na. Đây cũng chính là sự hiện diện tín ngưỡng dân gian trong ngôi chùa Huế

(5)

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 20, Số 1 (2022)

Chữ tượng hình Trung Quốc là chữ Hán của tiếng Trung Quốc, căn cứ trên hình tượng của sự vật mà hình thành nên chữ viết. Chữ có nguồn gốc bản địa và du nhập vào các nước Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam tạo vùng văn hóa chữ Hán. Chữ du nhập vào Việt Nam khi Trung Quốc xâm lược và suốt thời gian Bắc thuộc, với chính sách Hán hóa tiếng Hán được sử dụng và phát triển ở Việt Nam song song với tiếng Việt là tiếng nói truyền miệng. Theo Đào Duy Anh, thì nước Việt bắt đầu có chữ Hán khi thái thú Sĩ Nhiếp (137 - 226) đã dạy dân Việt chữ Hán và trong hơn một ngàn năm, ngôn ngữ khắc trên các tấm bia đều bằng chữ Hán.

Sự phân loại theo chữ tượng hình là cách trực quan và dễ nhận biết. Theo Hà Văn Tấn [4] cho biết các kiểu chùa truyền thống miền Bắc đặt tên thông qua hình dạng các chữ Trung Quốc, tên các kiểu chùa chỉ dựa vào cụm kiến trúc chính. Đó là kiểu chữ Đinh, Công, Tam và Nội công ngoại quốc (NCNQ). Chùa Huế cũng kế thừa cách phân loại và gọi tên như trên và phát triển lên để phù hợp. Các nghiên cứu trước chỉ ra chùa Huế có các dạng: kiểu chữ khẩu (囗), chữ nhất (一), chữ Tam (三), chữ liễu (了), chữ Môn theo Hà Xuân Liêm [3]. Tuy nhiên qua tìm hiểu và khảo sát thì hiện nay không có bố cục chữ Môn, chữ Liễu. Chữ Môn ở chùa Hải Đức hiện nay không còn nữa. Khảo sát thực tế còn 5 dạng sau: chữ Nhất (I), chữ Đinh (丁), chữ Khẩu (口), Nội Công Ngoại Quốc (NCNQ) và dạng bố cục không theo chữ tượng hình.

Bảng 1. Phân loại bố cục các chùa khảo sát theo chữ tượng hình Phân loại bố cục theo chữ tượng hình Bố cục Nhất (一) Đinh

(丁) Khẩu (囗) NCNQ BC không theo

chữ tượng hình Hình

ảnh

Chùa khảo sát

Thiên Mụ Từ Đàm

Đông Thuyền, Quốc Ân, Từ Hiếu, Tây Thiên, Thiền Tôn, Từ Lâm, Quảng Tế , Trúc Lâm, Viên Thông Trà Am, Diệu Viên, Tra Am

Tường Vân (đập đi xây mới)

Thiền Lâm Diệu Đế, Từ Ân, Linh Quang Kim Quang Ba La Mật, Thiện Khánh La Chữ, Diệu Ngộ

SL 1 1 12 1 9

Thể loại Quốc tự

Chùa Hội Quán

Chùa tổ Chùa tổ

Chùa quan, chùa dân lập, chùa

làng

(6)

Phân loại bố cục mặt bằng chùa Huế thời Nguyễn theo chữ tượng hình

Hình 2. Tỷ lệ % số lượng các kiểu bố cục theo chữ tượng hình ở các chùa khảo sát

Kết quả: bố cục chữ Khẩu chiếm nhiều nhất 50% (12/24), chứng tỏ kiểu chữ này phổ biến rộng rãi ở thời Nguyễn như một xu thế kiến trúc thời kì đó với nhiều giá trị đặc trưng hơn so với các dạng bố cục còn lại. Các bố cục chữ Nhất, chữ Đinh, Nội Công Ngoại Quốc chiếm số lượng ít (4%). Dạng bố cục tự do (không theo chữ) chiếm tỉ lệ khá lớn (38%) chứng tỏ kiến trúc chùa Huế bên cạnh yếu tố theo truyền thống theo mẫu chữ quy củ đã có sự linh hoạt và tinh giản hơn trong cách bố trí.

3.3.1 Bố cục chữ Nhất

Chữ Nhất có hình dạng giống hình chữ nhật gồm các khối nhà được xây dàn hàng ngang thành một dãy song song nhau, xuất phát từ kiến trúc chùa miền Bắc.

Chữ Nhất hiện diện ở chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, một địa thế phong thủy rất đẹp ‘’có mục đích trấn yểm long mạch cho dòng họ nhà Nguyễn’’[1]. Tiêu chí xác định bố cục chữ Nhất dựa trên nhiều thành phần chính (tam quan, chính điện, điện Địa Tạng, điện Quan Âm, tháp Thích Đôn Hậu), có thể xem chữ Nhất được tạo nên bởi tổng thể bố cục chùa. Do tính chất là quốc tự nên từ đầu quy mô ngôi chùa đã to lớn, gồm nhiều thành phần, các khối phơi bày ra một cách bề thế, quy củ chứ không bố trí kiểu khép kín và ẩn mình giữa thiên nhiên như một số chùa tổ. Yếu tố nổi trội tạo điểm nhấn là trục thần đạo9 ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo, thể hiện sự nghiêm minh mạnh mẽ của triều đại nhà Nguyễn. Trục được hình thành từ điểm đầu đến điểm cuối khu đất qua các công trình chính: cổng Tam Quan, chính điện, điện Địa Tạng, điện Quan Âm, tháp Thích Đôn Hậu bố trí song song với nhau. Tháp Phước Duyên như một điểm nhấn tổng thể về độ cao và là biểu tượng của ngôi chùa. Tất nhiên, điện Đại Hùng vẫn là công trình chủ đạo ở vị trí trung tâm có quy mô lớn nhất 5 gian 2 chái.

Cách thiết lập khoảng cách giữa các khối chính khá đồng đều và hợp lý. Nếu qui ước a là khoảng cách từ cổng vào đến tháp Phước Duyên thì có khoảng cách từ chính điện đến điện Địa Tạng và đến điện Quan Âm là 1.6a và 1.2a, đến tháp Thích

9 Trục thần đạo là tuyến không gian thẳng nằm ở giữa các công trình chính nhằm thể hiện sự chính trực, ngay thẳng của người quân tử theo Nho giáo.

(7)

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 20, Số 1 (2022)

Đôn Hậu là 2.7a (hình 3). So với bố cục các chùa Huế khác, những khoảng cách này khá lớn khiến không gian giữa các khối kiến trúc hơi rời rạc nhưng xét chung về tổng thể lại tương thích tỷ lệ với toàn khu đất rộng lớn của ngôi chùa. Đó chính là điểm khác biệt, kiến thiết kiến trúc ưu tiên tạo giá trị hài hòa tổng thể cảnh quan của ngôi chùa hơn là sự hài hòa đơn thuần giữa các khối.

Hình 3. Khoảng cách giữa các khối trong bố cục chùa Thiên Mụ (nguồn: tác giả)

3.3.2 Bố cục chữ Đinh

Bố cục có hình dạng như chữ Đinh (丁) trong Hán tự. Gồm có 2 khối kết hợp, khối trên sẽ nằm ngang và một khối khác sẽ nằm dọc, vuông góc với nhau tạo thành chữ Đinh cũng giống như chùa miền Bắc.

Chữ Đinh chùa Huế dựa vào sự sắp xếp chủ yếu của khối chính điện và 2 khối lầu chuông và lầu trống. Phần tiền đường nằm trước chính điện tạo thành “kiểu nhà kép”, sát hai bên khối tiền đường thì phía tả có lầu chuông, phía hữu có lầu trống.

Chính 2 đơn nguyên đó kết nối tạo thành hình dạng chữ Đinh (丁), đây là một điểm nhận dạng riêng của chữ Đinh ở chùa Huế (hình 4). Các khối phụ (nhà tăng, bếp, nhà thiền…) bố trí xung quanh chữ Đinh. Thường nhà hậu nằm sau chính điện, nhà bếp và tăng xá ở phía Đông.

Khảo sát có chùa Từ Đàm (1669) là trụ sở hội quán của An Nam Phật học vào năm 1932. Từ đó mô hình này phát triển thành kiến trúc các Niệm Phật Đường ở Huế.

Nếu nói về bố cục đặc trưng thời Nguyễn thì chữ Đinh không phải dạng đặc trưng vì ít phổ biến thời kì này, nó chỉ phổ biến ở dạng Niệm Phật Đường xuất hiện sau giai đoạn thời Nguyễn.

(8)

Phân loại bố cục mặt bằng chùa Huế thời Nguyễn theo chữ tượng hình

Hình 4. Mô hình chữ Đinh và mặt bằng tổng thể chùa Từ Đàm (nguồn: tác giả)

3.3.3 Bố cục chữ Khẩu

Chữ Khẩu (囗) có nghĩa là “miệng” hay “cửa”có hình giống hình vuông. Cách nhận diện chữ Khẩu dựa vào tạo hình sắp xếp của 4 kiến trúc chính: chính điện, nhà hậu, nhà tăng, nhà khách khép kín với nhau tạo một sân trong ở giữa.

Theo tác giả Nguyễn Đăng Duy trong Phật giáo với văn hóa Việt Nam (Nxb Hà Nội, 1999) điểm khác biệt với chùa miền Bắc là sự xuất hiện chùa chữ Khẩu ở khu vực miền Trung, vào thế kỉ 17, ở các thời trước chưa có. Chùa chữ Khẩu cổ nhất hiện nay ở Huế là chùa Báo Quốc (1674) trên núi Hàm Long.

Khảo sát có 12/24 chùa chữ Khẩu chiếm 50%. Trong đó, dạng gốc ban đầu là chữ Khẩu kín (còn 8 chùa dạng này). Thời gian sau xuất hiện chữ “Khẩu mở” là 1 dạng biến đổi của chữ Khẩu (khảo sát có 4 chùa). Chữ Khẩu thường xuất hiện ở chùa tổ (10 chùa tổ khảo sát đều là chữ Khẩu). Nguyên nhân do các chùa tổ vốn lúc đầu là ngôi thảo am mái tranh vách liếp, trãi qua nhiều lần trùng tu trở thành ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau có ngôi chánh điện, tăng xá, trai đường, nhà hậu thành chữ Khẩu. Như

“thảo am của Giác Phong lão tổ sau này thành chùa Báo Quốc, thảo am của ngài Từ Lâm sau này trở thành chùa Từ Lâm, thảo am của ngài Nguyên Thiều sau trở thành chùa Quốc Ân” [3, tr.13].

*Nguyên nhân xuất hiện bố cục chữ Khẩu: hầu hết các chùa lúc đầu chưa đủ nguồn lực, sơ khai là một ngôi thảo am. Về sau do nhu cầu phát triển muốn tăng không gian nên chùa phải xây thêm các khối xung quanh. Nhưng tại sao lại 4 khối khép kín với nhau? đó là do điều kiện thời bấy giờ các chùa ở chốn rừng núi hoang sơ nguy hiểm, xa dân cư không đảm bảo an ninh, xung quanh rình rập thú dữ, cướp bóc…Tổ hợp 4 khối khép kín so với kiểu phân tán sẽ khống chế được điểm bất lợi trên:

dễ quan sát, phát hiện, chống chọi với các thế lực cướp bóc, thú dữ, trộm cắp, đảm bảo an toàn, và cũng dễ quản lý pháp khí, của cải, đệ tử… trong chùa. Bốn khối nhà có kết cấu Rường cơ động dễ tháo lắp, độ cao thấp cũng thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt xứ miền Trung.

(9)

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 20, Số 1 (2022)

*Đặc điểm bố cục chữ Khẩu: được hình thành bởi bốn khối: phía trước là ngôi chính điện, từ ngoài cổng vào nhìn về phía Tây là tăng xá (nơi ở của chư tăng), phía Đông là nhà khách và sau cùng là nhà hậu (hoặc nhà linh, nhà Thiền…). Bốn khối khép kín tạo nên một sân trong ở giữa. Yếu tố trục thần đạo vẫn hiện diện trong chữ Khẩu đi xuyên qua cổng, chính điện và nhà hậu. Chính điện là khối lớn nhất, ba khối còn lại nhỏ hơn và có sự tương xứng về kích thước, tỷ lệ và không gian giữa các khối (hình 5).

Khoảng sân trong ở giữa chữ Khẩu thường trồng hoa, chậu cảnh bố trí hòn non bộ… có dạng hình chữ nhật nằm ngang. Tỉ lệ kích thước hai cạnh (a/b) dao động trong khoảng 1-1.8, hay gặp nhất là tỉ lệ 1.6 cũng gần với tỷ lệ vàng ở phương Tây.

Hình 5. Mô hình 4 khối chữ Khẩu và bố cục chữ Khẩu ở chùa Bảo Quốc (nguồn: tác giả)

* Cách phân bố kiến trúc phụ: các khối có chức năng sử dụng học tập tiếp khách, sinh hoạt như nhà bếp, nhà ăn, tăng xá, trường học… thường nằm tập trung ở phía Đông hoặc Tây một bên trục chính. Kết quả cho thấy thường ở phía Đông trục chính nhiều hơn. Còn lại phía Tây là hệ tháp tổ, tháp mộ kết hợp sân vườn chùa. Nhận thấy có ý đồ tách biệt 2 khu vực 2 chức năng khác nhau: một bên phục vụ cuộc sống sinh hoạt chư tăng, nên tập trung các khối chức năng giống nhau dễ bề sử dụng. Bên kia là chức năng tạo cảnh kết hợp làm nơi an nghỉ các vị sư đã tịch.

- Từ ngoài vào trong chùa theo thứ tự: cổng chùa, sân chùa, các khối nhỏ như nhà chuông, lầu bia…sau đó đến các kiến trúc chính. Ở vườn cổng có các yếu tố phong thủy: bình phong, hồ bán nguyệt (ở chùa Từ Hiếu), hồ sen… Các kiến trúc nhỏ tưởng niệm và tạo cảnh thường bố trí kết hợp đối xứng với nhau như: đài Quan Âm - lầu chuông đăng đối qua trục (ở chùa Trúc Lâm), đài Quan Âm - nhà bia đăng đối qua trục (ở chùa Thuyền Tôn), 2 nhà bia đăng đối qua trục (ở chùa Quốc Ân, Từ Hiếu).

(10)

Phân loại bố cục mặt bằng chùa Huế thời Nguyễn theo chữ tượng hình

Chữ Khẩu thể hiện rõ nét đặc trưng sắc thái chùa Huế trong các loại hình bố cục. Sắc thái đặc biệt chính là vị trí ngôi chùa tọa lạc ở các địa thế đẹp mà các vị tổ đã chọn. Tinh thần chùa Huế toát lên ở sự hài hòa kiến trúc với cảnh quan xung quanh theo tinh thần “thiên nhân tương dữ”10. Đó là mối quan hệ gắn bó giữa kiến trúc - thiên nhiên - con người. Kiến trúc chùa quy mô vừa phải chứ không to lớn như chùa Bắc phù hợp tỉ lệ con người, cao độ chùa khiêm tốn tôn lên vai trò của cây xanh cảnh quan.

Mật độ xây dựng ở các chùa này thấp hơn các bố cục khác, diện tích mảng xanh bao phủ khá lớn. Vậy nên bố cục chữ Khẩu không có tháp thờ Phật cao như ở quốc tự, mà chỉ có hệ thống tháp tổ tháp mộ cao độ vừa phải. Cách bố trí tượng, chậu cây, bồn hoa, các tượng trang trí… trong cảnh quan cũng đăng đối nhẹ nhàng u tịnh toát lên chất

“thiền”của nhà Phật. Đặc biệt, triết lý nhân sinh quan Phật giáo biểu hiện thông qua các biểu tượng bài trí ở vườn chùa. Đó là các tượng Phật, bánh xe pháp luân (con đường giác ngộ giải thoát), dấu tích bàn chân Phật ( biểu trưng cho sự hiện diện của đức Phật), cây bồ đề ở sân chùa (tượng trưng sự giác ngộ), hồ sen trước cổng chùa (sự cao quý thanh cao).

* Bố cục chữ Khẩu mở

Trong 12 chùa chữ Khẩu có 4 chùa chữ Khẩu mở: Thiền Tôn, Tây Thiên, Từ Lâm, Tra Am. Theo thời gian nhiều yếu tố tác động chữ Khẩu biến thiên thành chữ Khẩu mở. Liên kết bốn khối khép kín không còn nữa, thay vào đó chính điện có nhu cầu mở rộng diện tích và vị trí cố định trên trục chính. Ba khối nhà hậu, nhà tăng và nhà khách thay đổi vị trí cũ tạo ra các khoảng mở (2 khoảng - chùa Từ Lâm, 3 khoảng - chùa Thiền Tôn). Khảo sát có 3 kiểu liên kết mở như hình 6 sau:

- Chính điện nối kín nhà khách, chính điện - tăng xá và nhà hậu liên kết mở - Cả 4 khối chính điện nhà khách, tăng xá và nhà hậu liên kết mở

- Chính điện - nhà khách - tăng xá nối kín, nhà hậu liên kết mở.

Hình 6. Ba dạng bố cục chữ Khẩu mở qua khảo sát (nguồn: tác giả)

10 “Thiên nhân tương dữ” là một học thuyết của Đổng Trọng Thư, thuộc hệ tư tưởng Nho giáo.

Nói về tính thống nhất và mối liên hệ khăng khít của thiên nhiên và con người bổ trợ lẫn nhau.

(11)

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 20, Số 1 (2022)

Nguyên nhân: hầu hết các chùa chữ Khẩu mở lúc đầu là chữ Khẩu kín. Dần theo thời gian các chùa bị biến đổi sau những lần trùng tu cải tạo. Thường do nhu cầu tăng diện tích khối chánh điện lên to lớn hơn lúc đầu dẫn đến 3 khối còn lại của chữ Khẩu phải tạo khoảng cách với chánh điện để có sự tương quan tỉ lệ, khối tích. Khi khối chánh điện biến đổi to lớn hơn, không thể giữ lại liên kết khép kín của 4 khối, điều đó sẽ làm không gian giữa các khối bị bó hẹp, sân trong bí bách so với lúc đầu, cảm giác bị tức khó chịu… tác động xấu đến cảm giác người sử dụng và cả thẩm mỹ kiến trúc. Dẫn đến buộc phải hình thành các khoảng mở trong bố cục.

Các chùa hình thành kiểu chữ Khẩu mở vào giai đoạn cuối thời Nguyễn và sau phong kiến (1940 - nay) qua các lần trùng tu. Do đó nó không phải là bố cục truyền thống thời Nguyễn, mà chính là dạng biến đổi của chữ Khẩu truyền thống.

Hình 7. Bố cục chữ Khẩu (chùa Đông Thuyền) và chữ Khẩu mở (chùa Thiền Tôn) (nguồn: tác giả)

3.3.4 Bố cục Nội Công Ngoại Quốc – trường hợp biến đổi bố cục chùa Huế

Nội Công Ngoại Quốc là dạng bố cục gồm phía trong là hình chữ Công (工) là khối chánh điện nối với tiền đường. Phía ngoài là chữ Quốc (國) gồm hai hành lang dài hai bên nối liền nhà tiền đường với nhà hậu làm thành một khung hình chữ nhật bao bọc xung quanh chữ Công. Đây vốn là bố cục điển hình chùa Việt miền Bắc hoàn thiện vào thế kỉ 17 và rất nhiều chùa lớn nổi tiếng thời Lý, Trần theo dạng này (chùa Phổ Minh, chùa Bối Khê - Hà Tây…)

Kết quả khảo sát chùa Huế có 1 chùa Tường Vân (1850) theo dạng này, khác hẳn các ngôi chùa Huế khác. Chùa Tường Vân gốc lúc đầu là chữ Khẩu, do nhiều

(12)

Phân loại bố cục mặt bằng chùa Huế thời Nguyễn theo chữ tượng hình

năm 1972, giai đoạn sau thời Nguyễn. Quy mô chùa làm lại to lớn hơn từ cổng tam quan đến chính điện to lớn xây trên hệ thống bậc cấp cao, vật liệu cũng thay đổi theo chiều hướng hiện đại….. Đây chính là trường hợp điển hình của trùng tu không đúng gốc ngôi chùa ban đầu, là sự biến đổi bố cục truyền thống chùa Huế theo hướng Bắc hóa. Nên bố cục này không được xếp vào các dạng bố cục truyền thống chùa Huế thời Nguyễn.

Hình 8. Bố cục chùa Tường Vân (nguồn: tác giả)

3.3.5 Bố cục không theo chữ tượng hình

Dạng này bố trí tự do không sắp xếp theo chữ tượng hình nào, khảo sát có 9/24 chùa (chiếm 38%). Tuy không có sự đồng nhất về hình dạng chung, không đặc thù và dễ nhận thấy như các dạng bố cục theo chữ nhưng bố cục này vẫn kế thừa tính truyền thống chùa Việt là tuân theo trục thần đạo. Chín chùa đều có tam quan và chính điện bố trí trên trục chính. Vị trí nhà hậu có thể trên trục hoặc bị lệch trục tùy vào không gian mỗi khu đất. Trong 9 chùa trên chỉ có 1 chùa không theo trục, tổ hợp tự do hoàn toàn (chùa Thiền Lâm). Dạng này gặp ở loại chùa quan, chùa dân lập, chùa làng…

Điểm dễ nhận thấy là bố cục này thường gặp ở những khu đất không vuông vức, hình dáng hẹp và diện tích nhỏ hơn so với khu đất các chùa tổ. Tất nhiên với thế đất như vậy rất khó để bố trí dạng chữ Khẩu khép kín thường có mảng xanh phủ lớn xung quanh. Bên cạnh đó, tính thẩm mỹ đặc thù và cân bằng không bằng chữ Khẩu nhưng nó có tính linh hoạt và thích nghi cao hơn. Bố cục linh hoạt theo địa hình và hình dáng nhỏ hẹp của khu đất để thuận lợi sử dụng.

Các khối phụ nhà tăng, nhà khách, bếp…thường bố trí về một phía so với trục, tránh các góc vát, góc hẹp hoặc đường giao thông sát bên cạnh… Bên còn lại của trục ưu tiên cảnh quan sân vườn là chính (chùa Kim Quang, Linh Quang). Một số ít chùa lại phân bố các khối phụ đều hai bên của trục (chùa Từ Ân, Diệu Đế). Giaỉ pháp chủ yếu là phân tán các khối nhưng không quá xa nhau và sắp xếp theo từng cụm công trình tùy vào diện tích lớn nhỏ của khu đất.

(13)

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 20, Số 1 (2022)

Hai ngôi chùa trong dạng này có sự phá cách truyền thống: thường bao giờ ngôi chính điện và cổng Tam quan luôn cùng một hướng nhìn nhưng có trường hợp chính điện không cùng hướng mà xoay vuông góc lại với hướng cổng. Đó là chùa Thiền Lâm (Điện Biên Phủ) do ưu tiên hướng tốt nên chính điện nhìn về phía Đông Nam. Trường hợp khác là chùa Thiện Khánh ở làng Bác Vọng Tây- huyện Quảng Điền, trước chùa chính là thủ phủ Bác Vọng xưa của chúa Nguyễn Phúc Chu. Đặc biệt ngôi chính điện khá nhỏ chỉ có hai gian hai chái, (thường theo truyền thống số gian là lẻ 3 hoặc 5 gian). Hướng đặt ngôi chính điện lại xoay vuông góc lại so với các ngôi chùa khác, đưa phía đầu hồi nhìn ra cổng chùa. Dẫn đến 3 cửa chính ra vào lại trổ ở phía đầu chái của khối nhà nhìn về hướng Nam, đó là điều khác biệt và phá vỡ quy cách truyền thống thường thấy ở chùa Huế.

Hình 9. Bố cục chùa Thiện Khánh (trái) và chùa Linh Quang (phải) - (nguồn: tác giả)

3.3.6 Giá trị truyền thống của các dạng bố cục chùa Huế thời Nguyễn

Phân loại chùa Huế theo chữ tượng hình khá đa dạng, tuy nhiên không phải loại nào cũng đặc trưng và mang giá trị truyền thống thời Nguyễn. Nhận thấy nổi bật có bố cục chữ Khẩu xuất hiện khá nhiều ở khu vực đàng Trong, đánh dấu phong cách kiến trúc đặc trưng vùng miền riêng biệt và khác hẳn kiến trúc ở đàng Ngoài. Điều này do yếu tố chính trị tư tưởng tác động một phần. Gía trị truyền thống ngôi chùa mang lại về lịch sử, văn hóa, tính biểu tượng và thẩm mỹ…Trong khuôn khổ bài viết chỉ đề cập đến giá trị về mảng tạo hình kiến trúc:

- Kiến trúc chùa Huế chịu ảnh hưởng văn hóa phương Đông, coi trọng mối quan hệ khăng khít giữa kiến trúc với thiên nhiên thể hiện sâu sắc tinh thần “thiên nhân tương dữ”. Điều này biểu hiện rõ rệt trong chùa chữ Khẩu có kiến trúc nép mình dưới cây xanh, mật độ không gian xanh khá lớn ở một vị trí u tịch vắng lặng.

(14)

Phân loại bố cục mặt bằng chùa Huế thời Nguyễn theo chữ tượng hình

- Bố cục chùa Huế tuân theo nguyên tắc phong thủy trong việc chọn vị trí, chọn đất, chọn hướng ưu tiên của ngôi chùa, thường gặp là hướng Đông Nam, Tây Nam. Vị trí tọa lạc ở vùng đồi, sườn núi hoặc có sông ngòi chảy qua phía trước. Bố cục được thiết lập dựa trên tác động của địa hình khu vực xây dựng.

- Chùa Huế mang dấu ấn hòa quyện tư tưởng Phật giáo và Nho giáo, đó chính là những giá trị nền tảng. Trong bố cục chùa, dấu ấn Nho giáo biểu hiện qua sự chỉn chu đăng đối của trục thần đạo, thể hiện sự chính trực trung dung của người quân tử.

Trục là cơ sở định hướng thiết lập tổ hợp các mặt bằng các ngôi chùa Huế. Dấu ấn Phật giáo thể hiện qua chất “thiền” của vị trí xây chùa, bố cục thiết trí cảnh quan thuận theo tự nhiên hạn chế can thiệp, thể hiện triết lý nhân sinh quan của Phật giáo qua các biểu tượng Phật giáo trong bố cục cảnh quan…

- Bố cục kế thừa tính truyền thống của chùa miền Bắc thời trước: tổ hợp theo trục và luôn tuân theo quy tắc: có hướng quy tụ về 1 điểm trung tâm và linh thiêng nhất là ngôi chánh điện thờ Phật. Song song đó, cách tư duy kiến tạo chịu ảnh hưởng lớn bởi phong cách kiến trúc triều Nguyễn: bố cục đơn giản, nhỏ gọn, không đồ sộ rườm rà như chùa miền Bắc…không phát triển độ cao, bố cục kiểu lan tỏa và chú trọng tạo cảnh trong từng không gian, sử dụng kiểu kết cấu nhà ghép trùng thiềm điệp ốc của cung điện triều Nguyễn.

- Không gian đặc trưng của kiến trúc chùa Huế và tinh thần phật giáo Huế thể hiện rõ nét ở bố cục chữ Khẩu: 4 khối cân bằng, ổn định, kết nối hòa nhập giữa không gian thờ phụng và sinh hoạt của chư tăng, hòa nhập giữa các khu vườn chùa và các khối cả trong và ngoài chữ Khẩu, giữa đạo Phật và đời sống thường nhật. Chất chùa Huế thể hiện rõ nhất trong bố cục này ở tính khiêm tốn nép mình, hài hòa lan tỏa giữa thiên nhiên, phảng phất nét thiền vị.

Kiến trúc chùa Huế thể hiện sự đa dạng phong phú trong từng loại hình nguồn gốc ngôi chùa sẽ có sự tương ứng bố cục phù hợp. Với quốc tự là bố cục chữ Nhất nhằm nhấn mạnh trục, các khối phô bày uy nghi và mạnh mẽ như sức mạnh của triều đại. Trong khi chùa Tổ, nơi lưu truyền phật pháp thuần túy qua các đời nên kiến trúc thể hiện tinh thần phật giáo Huế. Phong cách chùa Huế nên đa số là bố cục chữ Khẩu khép kín, ẩn mình hài hòa cùng thiên nhiên. Riêng chùa dân lập và chùa làng thường có quy mô nhỏ nên bố cục không theo chữ tượng hình mà đơn giản và linh động.

4. KẾT LUẬN

Tóm lại, phân loại bố cục chùa Huế theo chữ tượng hình Trung Quốc có 4 loại:

chữ Nhất, chữ Khẩu, chữ Đinh, và bố cục không theo chữ tượng hình. Các loại trên đều chứa đựng giá trị truyền thống và tạo hình kiến trúc. Trong đó, chữ Khẩu chiếm số lượng lớn mang tính phổ biến vào thời Nguyễn và nó ấn định nhiều giá trị đặc trưng

(15)

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 20, Số 1 (2022)

về không gian kiến trúc, thể hiện rõ nét tinh thần văn hóa Phật giáo Huế và khác hẳn phong cách chùa Bắc. Dạng chữ Nhất là dạng đặc biệt ở loại hình quốc tự có quy mô to lớn và quy củ. Dạng không theo chữ tượng hình chiếm tỉ lệ khá lớn, thể hiện ngoài dạng đặc trưng là chữ Khẩu chùa Huế thời Nguyễn còn phát triển theo hướng tinh giản bố cục và có sự linh hoạt cao hơn so với chùa miền Bắc.

Dù trong hoàn cảnh nào, vấn đề giữ gìn nguyên vẹn và phát huy các giá trị truyền thống ngôi chùa là cực kì quan trọng và cấp thiết. Nhất là hiện nay khi công tác trùng tu bảo tồn chùa cổ hay xây ngôi chùa mới ở Huế vẫn còn nhiều bất cập và bị tác động bởi xu hướng hiện đại hóa. Cần nghiên cứu, phổ biến các giá trị truyền thống, thành lập các tiêu chí quy định cụ thể về kiến trúc chùa Huế của cơ quan riêng chuyên trách cụ thể về chùa Huế. Cụ thể kiến trúc chùa Huế phải giữ cho được cái “thần”, cái

“chất” riêng của nó ở bố cục đơn giản và lan tỏa, hạn chế phát triển chiều cao, kiến trúc hài hòa cùng thiên nhiên. Không gian nhỏ gọn, bố trí đậm chất thiền bình dị và gần gũi Phật tử….

Trong trường hợp buộc phải cải tạo, biến đổi khối tích ngôi chùa theo nhu cầu phát triển thì có thể biến đổi một phần nào đó phù hợp yêu cầu thời đại nhưng phải đảm bảo không tổn hại giá trị gốc rễ của ngôi chùa. Đối với những ngôi chùa Huế xây mới sau này, nên dựa trên cơ sở kế thừa những giá trị truyền thống và cốt lõi, còn các yếu tố có thể thay đổi được thì sáng tạo thêm, đưa vào đó dấu ấn tính chất của thời đại mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm (2001). Lịch sử phật giáo xứ Huế, Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh.

[2]. Nguyễn Phước Bảo Đàn (2010). Kiến trúc chùa Huế: giá trị của một di sản giữa lòng thành phố di sản, Tài liệu hội thảo “Di sản văn hóa phật giáo và vấn đề phát triển du lịch ở Huế”, Phân viện nghiên cứu văn hóa thông tin tại Huế, 7/5/2010.

[3]. Hà Xuân Liêm (2000). Những ngôi chùa Huế, Nhà xuất bản Thuận Hóa.

[4]. Hà Văn Tấn (2013). Chùa Việt Nam, Nhà xuất bản thế Giới.

[5]. Phạm Đăng Nhật Thái (2017). “Các đặc trưng của chùa truyền thống với loại hình chữ Khẩu ở thành phố Huế”, Đề tài nghiên cứu cấp cơ sở trường Đại học Khoa học, Huế.

[6]. Lê Anh Tuấn (2010). Kiến trúc chùa Huế: hệ giá trị về mặt cảnh quan, Tài liệu hội thảo “Di sản văn hóa phật giáo và vấn đề phát triển du lịch ở Huế”, Phân viện nghiên cứu văn hóa thông tin tại Huế, 7/5/2010.

[7]. Nguyễn Đức Mạnh Tường (2014). Chùa Thiên Mụ dưới góc nhìn của tư duy và quy hoạch, Liễu Quán, số 2, Nhà xuất bản Thuận Hóa, tr. 48 - 52.

(16)

Phân loại bố cục mặt bằng chùa Huế thời Nguyễn theo chữ tượng hình

CLASSIFICATION OF LAYOUTS OF PAGODAS IN HUE UNDER THE NGUYEN DYNASTY BY HIEROGLYPH

Nguyen Thi Minh Xuan*, Tran Thanh Nhan,Nguyen Phong Canh Faculty of Architecture, University of Sciences, Hue University

*Email: minhxuan@husc.edu.vn ABSTRACT

The architecture of pagodas in Hue has its own characteristics of the region and the style of the dynasties, especially under the Nguyen Dynasty when Hue was known as the Buddhist capital of Vietnam. With numerous policies and major restorations, the pagodas' appearance in terms of architecture and landscape has been created.

When looking at the architecture of pagodas in Hue, the overall layouts mostly include the important expression model of the architecture, the space and the ecological landscape of pagodas in Hue.

This study focuses on classifying and defining the characteristics of layout types of pagodas in Hue under the Nguyen Dynasty according to the hieroglyphic criteria.

Based on the process of surveying and drawing the layout of 24 typical pagodas in the Nguyen Dynasty, layouts of typical pagodas in Hue are identified and the traditional values of those layouts are recognized. Hence, results will be the directions to preserve and promote those values. This is essential in the modern context that has been producing the effects of changing and losing the traditional layout of a number of ancient pagodas in Hue.

Keywords:layout of pagodas in Hue, floor plan of pagodas in Hue, architecture of pagodas in Hue, pagodas in Hue under the Nguyen Dynasty.

(17)

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 20, Số 1 (2022)

Nguyễn Thị Minh Xuân sinh ngày 4/2/1986 tại Huế. Năm 2008, bà tốt nghiệp Kiến trúc sư và năm 2018 bà tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Kiến trúc tại trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Hiện bà đang giảng dạy tại khoa Kiến trúc, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

Lĩnh vực nghiên cứu: lịch sử kiến trúc Việt Nam, kiến trúc cảnh quan.

Trần Thành Nhân sinh ngày 23/12/1984 tại thành phố Huế. Năm 2007, ông tốt nghiệp kỹ sư ngành xây dựng cầu đường tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Năm 2016, ông tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông tại Đại học Đà Nẵng. Hiện nay, ông giảng dạy tại trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

Nguyễn Phong Cảnh sinh ngày 08/11/1986 tại Thành phố Huế. Ông tốt nghiệp Đại học ngành Kiến trúc công trình tại trường Đại học Khoa học, Đại học Huế năm 2009; tốt nghiệp cao học ngành Kiến trúc tại trường Đại học Khoa học, Đại học Huế năm 2019. Hiện nay, ông là giảng viên Khoa Kiến trúc, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

Lĩnh vực nghiên cứu: Kiến trúc bảo tồn

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

- Döôùi thôøi Lyù, ñaïo Phaät raát phaùt trieån vaø ñöôïc xem laø quoác giaùo.. - Döôùi thôøi Lyù, ñaïo Phaät raát phaùt trieån vaø ñöôïc xem laø

Kiến thức: HS nêu được một số đặc điểm chủ yếu của thành phố Huế: Từng là kinh đô của nước ta thời Nguyễn; thiên nhiên đẹp với nhiều công trình kiến trúc

1.6. Khái quát về Sport Aerobic. Lịch sử phát triển môn Sport Aaerobic. Năm 1970, Jackie Sorensen đã viết cuốn sách mang tên “chƣơng trình vũ điệu

3/ Vai trò và tác dụng của nhà chùa dưới thời Lý : Chùa là nơi tu hành của các nhà sư. Chùa là nơi tổ chức tế lễ của

Khoanh troøn vaøo chöõ caùi tröôùc caâu traû lôøi ñuùng : Khoanh troøn vaøo chöõ caùi tröôùc caâu traû lôøi ñuùng :3. Chuøa laø nôi tu haønh cuûa caùc

Chuøa laø nôi tu haønh cuûa caùc nhaø sö , laø nôi sinh hoaït vaên hoùa cuûa coäng ñoàng vaø laø coâng trình kieán truùc ñeïp ... Chaøo taïm bieät caùc em hoïc sinh

☐ Dạy người ta phải tranh giành, không nhường nhịn đồng loại. ☐ Dạy người ta phải giúp đỡ người gặp khó khăn, không được đối xử tàn ác với loài vật. ☐ Dạy người ta thờ

*GV kết luận: Để Huế mãi mãi là một di sản văn hóa của thế giới và của dân tộc, chúng ta đã làm hết sức mình để trùng tu, tôn tạo và bảo vệ các công trình kiến trúc ở