• Không có kết quả nào được tìm thấy

Từ khóa: văn hóa, văn hóa truyền thống, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "Từ khóa: văn hóa, văn hóa truyền thống, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống"

Copied!
7
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

NGUYÊN TẮC KHOA HỌC TRONG VIỆC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG HIỆN NAY1

BÙI MINH* NGUYỄN THỊ TRÀ VINH **

Tóm tắt: Xã hội nông thôn đang đi vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trong quá trình này, vai trò của văn hóa, đặc biệt là các giá trị văn hóa truyền thống, hết sức quan trọng. Việc xây dựng xã hội “nông thôn mới” hiện nay, đặt trong khung cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không thể tách rời việc xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa các nhân tố kinh tế, chính trị và văn hóa. Bài viết cung cấp một tổng quan nghiên cứu về những đặc trưng của văn hóa truyền thống và các cơ chế bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Từ khóa: văn hóa, văn hóa truyền thống, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

1. Những nội dung của văn hóa truyền thống Việt Nam

Dân tộc Việt Nam hình thành và phát triển trong những điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử cụ thể, chịu sự chi phối của cả ba yếu tố này, trong đó những điều kiện lịch sử và xã hội là có tính quyết định. Một nhà sử học đã nhận định rằng “hằng số văn hóa Việt Nam cổ truyền về mặt chủ thể là người nông dân với tất cả những tính chất tích cực và hạn chế” (Trần Quốc Vượng, 2012).

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nét nổi bật của bản sắc văn hóa Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước. Ý chí dựng nước và giữ nước nảy sinh và phát triển trong cái khung xã hội Việt Nam cổ truyền (làng - nước), trên nền tảng kinh tế xã hội nông thôn. Lòng yêu nước được thể hiện trong cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Diễn trình lịch sử của văn hóa Việt Nam là quyết tâm giành giữ chủ quyền và kiên cường, bất khuất, mưu trí, sáng tạo trong bảo vệ chủ quyền (Vũ Khiêu, 2000). Tình yêu quê hương đất nước còn được thể hiện trong nhiều công trình văn hóa nghệ thuật, thậm chí còn là đề tài chính khơi nguồn cho các hoạt động sáng tạo của văn hóa nghệ thuật truyền thống. Nếu điểm qua các loại hình nghệ thuật dân gian tiêu biểu như thơ nôm, ca

1 Bài viết cho đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới” (Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới).

* Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

**Viện Nghiên cứu và hỗ trợ phát triển, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

(2)

dao, hò, hát trống quân, hát xoan ghẹo…và cả nghệ thuật đương đại, ta đều thấy tình yêu quê hương đất nước là nét quán xuyến về nội dung cũng như hình tượng nghệ thuật (Nguyễn Từ Chi, 1996; Nguyễn Hồng Phong, 2005; Hà Văn Tấn, 1994).

Làng Việt ở châu thổ Bắc bộ là hình thức công xã nông thôn với những đặc thù riêng, thể hiện ở chế độ ruộng công, các loại hình và tổ chức xã hội, tín ngưỡng, tục lệ của làng. Để chống lại sự xâm lăng, chống đồng hóa, người Việt Nam phải cố kết lại và trong lịch sử thì phương thức chủ yếu là duy trì các yếu tố cộng đồng có nguồn gốc nguyên thủy. Chỉ có sự cố kết cộng đồng mới tạo ra sức mạnh chống xâm lược. Từ đó, tính cộng đồng cao là một nét tâm lý, tính cách (văn hóa) Việt Nam. Khi nói về “văn hóa làng và làng văn hóa”, nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đồng tình với quan điểm này, nhấn mạnh tới đặc trưng của làng Việt là ý thức cộng đồng, ý thức tự quản thể hiện trong vai trò của các bản hương ước, bộ luật thành văn của làng (Nguyễn Duy Quý và đồng nghiệp, dẫn lại Trần Quốc Vượng, 2012).

Con người của xã hội nông nghiệp tổ chức xã hội theo nguyên tắc trọng tình làng xóm: sống với nhau trong một không gian cố định nên phải tạo ra một cuộc sống hòa thuận, lấy tình nghĩa làm đầu. Các học giả nhấn mạnh tới đặc điểm duy tình, duy nghĩa, duy cảm của con người Việt Nam (Trần Quốc Vượng, 2012). Lối sống linh hoạt, luôn ứng biến cho thích hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Nguyên tắc trọng tình cảm cũng là cơ sở của tâm lý hiếu hòa, tôn trọng và cư xử bình đẳng. Học giả Pháp Condominas cho rằng nền “dân chủ làng mạc” Việt Nam xuất hiện sớm là một điểm độc đáo của văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam (Condominas, dẫn lại Nguyễn Từ Chi, 1996; Trần Quốc Vượng, 2012). Gourou trong công trình khảo cứu về người nông dân châu thổ sông Hồng cũng phát hiện rằng một trong những điểm độc đáo của xã hội nông thôn là xu hướng người nông dân thích tham gia vào các nhóm xã hội tự nguyện (Gourou, 1936). Liên quan tới vấn đề này, nhà nghiên cứu Insun Yu cho rằng các quan hệ cộng đồng (Làng và gia đình) đóng vai trò tích cực trong cuộc sống Việt Nam. Học giả này cũng nhấn mạnh tới vai trò của người phụ nữ và tính chất “dân chủ” của gia đình Việt. Đây có thể nói là một đặc điểm văn hóa quan trọng của xã hội Việt Nam truyền thống (Insun Yu, 1994).

Lối sống văn hóa trọng tình cảm gắn liền với thái độ trọng đạo đức, hiếu học và tôn trọng phụ nữ. Những lễ giáo Trung Hoa đưa vào Việt Nam có một ảnh hưởng nhất định tới văn hóa dân tộc và người Việt có khả năng tiếp thu một cách chọn lọc các ảnh hưởng văn hóa ngoại nhập (Trần Quốc Vượng, 1996). Nếu một mặt lễ giáo Trung Hoa ít nhiều đã tăng cường chế độ phụ quyền trong gia đình, thì nền văn hóa Việt với truyền thống tôn trọng phụ nữ, vẫn tạo nên một tính cách mềm dẻo cho các quan hệ gia đình. Tương tự như Insun Yu (1994), nhiều học giả Việt Nam nhấn mạnh tới vai trò không hề lép vế của người phụ nữ Việt trong gia đình, khác với hình thái gia đình Trung Hoa (Nguyễn Từ Chi, 1996; Trần Quốc Vượng, 1996).

Điều kiện tự nhiên sinh tồn khắc nghiệt đã hun đúc ở người Việt một truyền thống lao động bền bỉ và sáng tạo. Tinh thần này được phản ánh sinh động trong ngôn ngữ văn học dân gian (“tay làm hàm nhai”). Tinh thần cần cù và sáng tạo là nét căn bản của “đạo đức lao động” của truyền thống văn hóa Việt Nam (Nguyễn Hồng Phong, 2005). So sánh

(3)

trên bối cảnh khu vực, tinh thần yêu lao động cũng là đặc trưng văn hóa của một số dân tộc khác. Park Jin-Hwan (2006), trong cuốn sách “The Saemaul Movement” trình bày sự thành công của phong trào Làng mới ở Hàn Quốc, đã nhấn mạnh tới điểm này. Điều kiện sinh tồn khắc nghiệt đã rèn giũa cho người nông dân bán đảo Triều Tiên một hệ giá trị về

“đạo đức lao động” (work ethic) tiếp nối qua nhiều thế hệ. Park cho rằng tình yêu lao động, sự đoàn kết và tinh thần dân chủ là nhân tố chính cấu thành nên tinh thần Saemau Undong, cái đã biến nông thôn Hàn Quốc nghèo nàn lạc hậu, kiệt quệ sau nội chiến trở thành một mô hình thành công đáng học tập trên toàn thế giới chỉ trong khoảng 20 năm (từ 1970 đến 1990).

Muốn nghiên cứu bản chất của nền văn hóa truyền thống Việt Nam, cần hiểu nền tảng tạo nên những yếu tố nội sinh của văn hóa Việt. Giới nghiên cứu thống nhất rằng, nền tảng đó là văn hóa Đông Nam Á. Nền văn hóa Việt Nam về nguồn gốc vốn dĩ thuộc vùng văn hóa Đông Nam Á. Biến số vùng tạo nên những nét khác biệt trong nội dung của văn hóa truyền thống Việt Nam. Trên nền cơ bản là xã hội nông nghiệp, song lại tùy thuộc vào từng vùng văn hóa khác nhau mà văn hóa truyền thống lại mang những nét riêng biệt. Quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa đem tới cho văn hóa nền này những đặc tính bổ sung, đó là văn hóa Đông Á thông qua việc tiếp xúc với nền văn hóa Hán phương Bắc.

Nhìn chung, “văn hóa truyền thống nước ta vẫn là hướng nội, lấy quốc gia, lấy làng xã, họ hàng và gia đình làm trung tâm… đó là đặc điểm của một xã hội nông nghiệp - nông dân” (Phan Đại Doãn, 2010: 237).

2. Các chủ thể bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống

Vốn liếng văn hóa dân tộc căn bản do nhân dân lao động các xóm làng bảo tồn và phát triển. Nền văn nghệ dân gian của người Việt rất giàu có và phát triển dưới dạng các huyền thoại, cổ tích, hay ca dao, tục ngữ... Giới nghiên cứu thống nhất rằng “chủ thể” của việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống phải là chính người dân, là các cộng đồng dân cư (Vũ Khiêu, 2000; Nguyễn Xuân Kính, 2003; Nguyễn Hồng Phong, 2005).

Nhà sử học Phan Đại Doãn khẳng định kế thừa văn hóa phải có cơ chế và đó là điểm then chốt mà bất kỳ chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống cũng phải chú ý.

Theo tinh thần này, giới nghiên cứu xác định rằng cơ chế kế thừa, bảo tồn văn hóa truyền thống được thực hiện thông qua vai trò chủ thể của các quan hệ gia đình, huyết thống, địa vực, nghề nghiệp v.v.2 Trong các chủ thể nói trên thì các gia đình và dòng họ là những đơn vị có đủ tất cả những yêu cầu về kế thừa, bảo tồn và phát huy vai trò của văn hóa truyền thống (Phan Đại Doãn, 2010).

Ngô Đức Thịnh khi phân tích về “chủ thể văn hóa” đã nhấn mạnh tới tình hình là từ ngân sách, cán bộ đến các thiết chế văn hóa đều là của nhà nước, do đó văn hóa chúng ta đang làm thường là mang dấu ấn văn hóa nhà nước. Từ quan điểm này, tác giả đề nghị một phương pháp luận khác trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa: phải coi văn hóa là hoạt động tự thân của nhân dân, nhân dân là chủ thể thực hiện và hưởng thụ các giá trị văn hóa,

2 Giới nghiên cứu sử học nhấn mạnh tới các cơ chế (chủ thể) kế thừa văn hóa như sau: theo huyết thống; kế thừa theo nghề nghiệp; kế thừa theo tổ chức địa vực v.v.

(4)

dưới sự định hướng của nhà nước. Nếu chấp nhận quan điểm này thì từ con người làm văn hóa, thiết chế văn hóa, cơ chế hoạt động phải như thế nào? Nếu trước kia hoạt động văn hóa chủ yếu là từ trên xuống, thì bây giờ lại phải từ dưới lên hay kết hợp cả hai chiều cạnh này, trong đó nhân dân vẫn là chủ thể của mọi hoạt động văn hóa (Ngô Đức Thịnh, 2006).

Là một đơn vị xã hội của văn hóa Việt Nam, làng của người Việt là một môi trường văn hóa (Trần Quốc Vượng, 2012; Nguyễn Xuân Kính, 2003). Cái khung tự nhiên và xã hội đảm bảo cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống chính là các

“xã hội địa phương”. Ở Tây Nguyên đó là “buôn làng”, ở các vùng nông thôn khác (đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long) đó là làng xã, thôn ấp; tại các xã hội vùng núi phía Bắc, đó là thôn bản v.v.. (Ngô Đức Thịnh, 2006; Nguyễn Từ Chi, 1996). Vấn đề đặt ra từ góc độ vùng miền cũng thế: chủ thể văn hóa nơi các không gian văn hóa, các khu vực dân tộc thiểu số chính là những tộc người đang sinh sống ở đó. Chẳng hạn, giới nghiên cứu văn hóa nhận xét rằng chủ thể bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên phải là các dân tộc Tây Nguyên, đó là sự nghiệp của người Tây Nguyên.

Có thể nói đó chính là bản chất dân chủ của sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống nói riêng (Ngô Đức Thịnh, 2006).

Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống có thể thông qua nhiều phương thức (kênh) khác nhau: thúc đẩy các chương trình điều tra cơ bản, kiểm kê các di sản văn hóa truyền thống để có kế hoạch bảo tồn. Tuy nhiên, biện pháp mấu chốt vẫn là nâng cao nhận thức toàn dân về bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, trả lại những giá trị văn hóa cổ truyền cho nhân dân để nhân dân tự bảo tồn và phát huy trong điều kiện kinh tế xã hội hiện đại.

Trong bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thường có hai hình thức khác nhau, đó là bảo tồn tĩnh và bảo tồn động (Ngô Đức Thịnh, 2006; Nguyễn Hồng Phong, 2005). Bảo tồn tĩnh là bảo tồn các hiện tượng văn hóa ở bên dưới hình thức sách vở, bảo tàng, các trưng bày, kho lưu trữ, triển lãm, v.v. Bảo tồn văn hóa dưới hình thức tĩnh phục vụ cho công tác nghiên cứu, cho công tác tuyên truyền; khi cần thiết có thể phục chế, tái tạo nó. Bảo tồn động là hình thức bảo tồn văn hóa trong chính môi trường xã hội mà nó nảy sinh và tồn tại. Thí dụ, sử thi là một hiện tượng văn hóa truyền miệng độc đáo của các tộc người Tây Nguyên, hiện chúng ta đang thực hiện việc điều tra, sưu tầm, biên dịch và xuất bản.

3. Các nguyên tắc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống

Ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu văn hóa truyền thống là ở chỗ xác định các nguyên tắc bảo tồn và phát huy nền văn hóa đó cho sự nghiệp phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới hiện nay. Về mặt lý luận, vấn đề đặt ra là những giá trị và thực tế nào của văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát huy?

Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, với mục tiêu giải phóng đất nước, kháng chiến kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ba tính chất cơ bản của văn hóa dân tộc là: dân tộc, khoa học và đại chúng3. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ II, tháng 7

3 Nội dung này thể hiện lại trong bản Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943) và trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng năm 1951. Khi miền Bắc bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hóa phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức” (Hồ Chí Minh, 2000: 60).

(5)

năm 1948, Trường Chinh đã phân tích sâu sắc toàn bộ các vấn đề văn hóa trên lập trường Mác xít nhằm làm cho các nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng trở thành kim chỉ nam cho không chỉ công tác văn hóa nói chung mà cả trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cho phát triển xã hội.

Một trong những điểm then chốt của công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống là mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. Nhấn mạnh một chiều tới các di sản truyền thống có thể dẫn tới cái gọi là “hệ tư tưởng truyền thống”, là cái trói buộc con người vào quá khứ và không chấp nhận sự tiến bộ. Trong một xã hội tại mỗi thời điểm lịch sử đều có những điều được xã hội hoặc một số nhóm xem là “giá trị”. Hệ các giá trị này tạo ra một môi trường định hướng tư tưởng và hành động của con người, cho các cá nhân và nhóm, qua đó tạo ra hành động chung và liên kết xã hội. Chẳng hạn, khi bàn về sự thành công của các con rồng và con hổ châu Á, người ta thường nhắc đến vai trò của chính sách nhấn mạnh tới “giá trị châu Á”, đến vai trò của nền văn hóa Khổng giáo. Mặt khác, cần thấy một khía cạnh khác là những nước phát triển thành công ấy, trong khi đề cao các giá trị văn hóa truyền thống, họ đều cam kết rất mạnh mẽ hệ giá trị (văn hóa) của xã hội công nghiệp. Đây là hai mặt không thể tách rời của sự tiếp thu, bảo tồn và vận dụng văn hóa truyền thống cho phát triển (Bùi Thế Cường, 2010).

Các nhà nghiên cứu lưu ý tới nguy cơ đứt gãy giữa truyền thống và hiện đại trong quá trình bảo tồn và duy trì bản sắc văn hóa (Ngô Đức Thịnh, 2006). Đó là trường hợp sự đổi mới văn hóa truyền thống diễn ra một cách không bình thường, không có kế thừa và phát triển, không có tiếp thu và loại bỏ, mà chỉ là sự đan xen hỗn loạn giữa cái cũ và cái mới. Quá trình này trên thực tế không tạo nên sự liên kết hữu cơ giữa truyền thống và hiện đại; cái cũ mất đi, cái mới chưa hình thành, tạo nên sự hụt hẫng văn hóa và hệ quả thường là đời sống văn hóa của nhân dân bị suy kiệt và trở nên nghèo nàn. Chính vì thế mà nhiều truyền thống, giá trị và di sản văn hóa quý báu đã và đang bị mất đi nhanh chóng. Về mặt quan hệ xã hội, nhiều chuẩn mực đạo đức và lối sống gắn liền với xã hội cổ truyền trở thành lỗi thời, tuy nhiên các chuẩn mực mới, tiến bộ lại chưa hình thành kịp thời, khiến trong quan hệ xã hội những giá trị đạo đức dễ bị lệch chuẩn và đảo lộn (Ngô Đức Thịnh, 2006). Vấn đề trở nên hết sức nghiêm trọng khi nhìn từ góc độ chọn lọc, xây dựng những giá trị văn hóa nào cho xây dựng một xã hội nông thôn mới hiện nay (Nguyễn Hồng Phong, 2005; Vũ Khiêu, 2000).

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và các giá trị và sắc thái văn hóa đặc trưng cho các dân tộc thiểu số bổ sung, làm phong phú di sản văn hóa truyền thống. Giới nghiên cứu nhấn mạnh việc quán triệt quan điểm trong văn kiện Đảng là “nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Điều này có nghĩa tôn trọng sự đa dạng trong văn hóa truyền thống là nguyên tắc hàng đầu để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Các nhà nghiên cứu thống nhất rằng cần phải làm thay đổi nhận thức của nhân dân các dân tộc thiểu số (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ v.v.) về nền văn hóa truyền thống của mình, khắc phục tư tưởng tự ti, hướng ngoại, không đánh giá đúng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chỉ trên nhận thức đúng về truyền thống văn hóa dân tộc, thì mới có thể bảo vệ và phát huy nó trong xã hội hiện tại, cũng như có cơ sở để tiếp thu các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc khác (Ngô Đức Thịnh, 2006; Nguyễn Hồng Phong, 2005).

(6)

Trong quá trình phát triển của xã hội nông thôn, nhiều nét của nếp sống cũ sẽ mất đi với những cải cách kinh tế và xã hội. Còn nhiều nét khác, vì không mâu thuẫn gì với cuộc sống mới, sẽ được bảo lưu trong một thời gian dài. Có những nét, nhìn vẻ ngoài thì có vẻ như ngược với văn hóa mới, nhưng cũng được bảo tồn, vì gắn quá chặt chẽ với nếp sống dân tộc (Nguyễn Từ Chi, 1996)4. Cũng cần đánh giá đầy đủ tác dụng của văn hóa, chủ yếu là phong tục tập quán đối với mối liên kết làng. Trong suốt quá trình lịch sử lập làng và dựng nước, văn hóa làng có nhiều chuẩn mực tinh vi, chặt chẽ để tạo ra một xã hội có trật tự nghiêm ngặt. Các quan hệ xã hội trong làng thường xoay quanh trục: gia đình - họ hàng - làng xóm. Luật tục và hương ước, sản phẩm văn hóa của làng xã, trở thành công cụ của đời sống tự quản (Phan Đại Doãn, 2010; Nguyễn Từ Chi, 1996).

Theo tinh thần này, giới nghiên cứu dân tộc học và văn hóa học, nhấn mạnh tới khả năng “chính thức hóa tổ chức các “già làng” trong quản lý làng bản hiện nay (Nguyễn Từ Chi, 1996; Ngô Đức Thịnh, 2006). Giới nghiên cứu chính trị học và xã hội học tán đồng khuyến cáo này, nêu ra những đề nghị tương tự nhằm vận dụng Hương ước, một thể chế quản lý văn hóa xã hội nông thôn ở xã hội nông dân tại những vùng châu thổ đất nước (Hoàng Chí Bảo, 2010; Bùi Quang Dũng, 2007). Nét hằng xuyên của văn hóa Việt Nam là

“không chối từ” việc tiếp thu, tiêu hóa và làm chủ những ảnh hưởng văn hóa nước ngoài.

Trên cơ sở một nền văn hóa bản địa vững chắc, sự hấp thụ các yếu tố văn hóa Đông Nam Á, Trung Á, Ấn Độ v.v., có tác dụng trung hòa những ảnh hướng to lớn của văn hóa Trung Quốc, khiến cho văn hóa Việt vẫn phân biệt được với văn hóa Hán, biến những khuôn mẫu vay mượn thành tài sản của mình và phát huy thành nền văn hóa dân tộc.

Đấu tranh văn hóa trước hết là sự đấu tranh thường xuyên chống âm mưu đồng hóa của kẻ thù để bảo tồn nòi giống Việt (Hà Văn Tấn, 1994). Giới nghiên cứu lịch sử và văn hóa học nhận định rằng từ trong các xóm làng cổ, người Việt thời Bắc thuộc vẫn bảo tồn và phát huy vốn liếng văn hóa bản địa, nội sinh, tích lũy được qua hàng nghìn năm trước.

Trong hàng nghìn năm phụ thuộc, nhân dân phải sống trong một cơ cấu văn minh ngoại lai. Mặt khác, người Việt vẫn sống trong một môi trường sinh thái quen thuộc, không ngừng đấu tranh để phát triển sản xuất và văn hóa (Trần Quốc Vượng, 2012).

***

Xã hội nông thôn nước ta đang đi vào quá trình CNH, HĐH và trong quá trình này, vai trò của văn hóa, đặc biệt là các giá trị văn hóa truyền thống, hết sức quan trọng. Văn hóa không chỉ là những giá trị cốt lõi của đời sống tinh thần, mà còn tác động tích cực tới các hoạt động của con người, tác động tới bản thân quá trình CNH, HĐH đất nước, trong đó có khu vực nông thôn.

Quá trình xây dựng xã hội “nông thôn mới” hiện nay, đặt trong khung cảnh CNH, HĐH đất nước, không thể tách rời việc xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa truyền thống và

4 Nhà dân tộc học dẫn ra một ví dụ là tục mo trong đám ma Mường. Người hành lễ (tức là bố mo), phải ngâm qua nhiều đêm những tang ca dài, hàm ý là nhắc lại với cả người sống lẫn người đã khuất, ý nghĩa cổ truyền mà người Mường gán cho cái sống và cái chết. Trong lời mo Mường, cũng như ở tục thờ cúng tổ tiên ở người Việt, không thiếu những tồn đọng của mê tín. Nhưng cái chính toát lên từ lời mo là một tinh thần nhân bản sâu xa: mối gắn bó chặt chẽ giữa người sống và người chết, cả giữa cõi sống và cõi chết, nỗi đau khổ của những người đang sống trước sự ra đi của một người thân yêu.

(7)

hiện đại, giữa các nhân tố kinh tế, chính trị và văn hóa. Xây dựng “nông thôn mới” ở nước ta hiện nay là một quá trình bao gồm rất nhiều nhiệm vụ: xây dựng cơ sở hạ tầng cảnh quan nông thôn, nâng cao thu nhập, giải quyết bài toán an sinh xã hội cho nông dân, nâng cao hiệu lực của hệ thống chính trị cơ sở v.v… Từ bối cảnh thực tiễn đó và nhìn từ góc độ vai trò năng động của văn hóa đối với chính trị, kinh tế thì cần đẩy mạnh những nghiên cứu đánh giá thực trạng văn hóa nông thôn hiện nay, phát hiện các vấn đề bức xúc liên quan tới văn hóa nói chung và di sản văn hóa truyền thống trong quá trình HĐH, CNH đất nước.

Tài liệu tham khảo

Bùi Quang Dũng. 2007. Gia đình trong các xã hội nông nghiệp. Tạp chí Xã hội học. Số 3: 103 - 112.

Bùi Thế Cường. 2010. Góp phần tìm hiểu biến đổi xã hội ở Việt Nam hiện nay. Nxb Khoa học xã hội.

Hà Văn Tấn. 1994. Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

Hồ Chí Minh. 2000. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 10. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội.

Hoàng Chí Bảo. 2010. Dân chủ và dân chủ ở cơ sở nông thôn trong tiến trình Đổi mới. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội.

Mai Văn Hai. 2000. Quan hệ dòng họ ở châu thổ sông Hồng. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội Ngô Đức Thịnh. 2000. Văn hóa dân gian các làng ven biển. Nxb Văn hóa dân tộc. Hà Nội.

Ngô Đức Thịnh. 2004. Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam. Nxb Trẻ. Hà Nội.

Ngô Đức Thịnh. 2006. Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

Nguyễn Hồng Phong. 2005. Văn hóa và phát triển. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

Nguyễn Từ Chi. 1996. Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người. Nxb Văn hóa thông tin. Hà Nội Nguyễn Xuân Kính. 2003. Con người, môi trường và văn hóa. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

Park, Jin-Hwan. 2006. The Saemaul Movement, Korea’ approach to rural modernization in 1970s. Korea rural Economic Institute.

Phan Đại Doãn. 2010. Làng xã Việt Nam: một số vấn đề kinh tế, văn hóa và xã hội. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.

Trần Ngọc Thêm. 1999. Cơ sở văn hóa Việt Nam. Nxb Giáo dục. Hà Nội.

Trần Quốc Vượng (chủ biên). 1996. Cơ sở văn hóa Việt Nam. Nxb Giáo dục Việt Nam. Hà Nội.

Trịnh Thị Kim Ngọc. 2009. Con người và văn hóa: Từ lý luận đến thực tiễn phát triển. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

Vũ Khiêu. 2000. Văn hóa Việt Nam: Xã hội và con người. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

Vũ Tuấn Huy. 1994. Những nghiên cứu xã hội học về gia đình Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

Yu, Insun. 1994. Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ 17 - 18. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng tương đối ở mức an toàn, tổng thu từ hoạt động tín dụng liên tục tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu; Về

Khi doanh nghiệp thay đổi nhà lãnh đạo, điều này có thể đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đối mặt với một trong hai tình huống sau: (1) doanh nghiệp

Biểu đồ 2.2 cho thấy 47,6% cán bộ cho rằng, công tác quản lý chương trình gặp khó khăn lớn nhất là công tác huy động vốn, do là một huyện thuần nông nên ngân sách của

Các cơ chế, chính sách của Nhà nước tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện hoạt động huy động vốn đầu tư xây dựng CSHT NTM. Đó là hệ thống cơ chế, chính sách liên quan

Xây dựng nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư góp phần làm cho cuộc sống bình yên, hạnh phúc, bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân

Kết quả nghiên cứu cho thấy kết quả thực hiện tiêu chí số 17 (tiêu chí môi trường) trong xây dựng nông thôn mới tại xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú..

Trên cơ sở đánh giá công tác quản lý đất đai cho ây dựng nông thôn mới tại xã Vinh Hà, các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đất đai phục vụ xây dựng, phát triển nông

Hiện nay, những thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội cho thấy sự lệch chuẩn của gia đình, sự xuống cấp đạo đức, lối sống của dân tộc, trong đó có giá trị truyền