• Không có kết quả nào được tìm thấy

Giai đoạn sàng lọc lao tiềm ẩn

Trong tài liệu GIẢI PHÁP CAN THIỆP (Trang 118-121)

CHƯƠNG 4: 102BÀN LUẬN

4.2. Chuỗi đa bậc quản lý lao tiềm ẩn tại Quảng Nam và Đà Nẵng sau khi

4.2.1. Giai đoạn sàng lọc lao tiềm ẩn

Sau can thiệp, tỷ lệ hoàn thành sàng lọc lao tiềm ẩn ở hai tỉnh can thiệp Quảng Nam và Đà Nẵng (65,4%) có thấp hơn khi so sánh với một số nước khác trên thế giới. Kết quả phân tích dịch vụ đa bậc quản lý lao tiềm ẩn từ 58 nghiên cứu trên thế giới đối với 748.572 người trong giai đoạn 1990-2015 cho thấy tỷ lệ hoàn thành sàng lọc lao tiềm ẩn là 71,9% [18], và tỷ lệ này trong nghiên cứu cắt ngang quản lý lao tiềm ẩn trong nhóm tiếp xúc tại cơ sở y tế ban đầu ở Brazil năm 2016 là 79,4% [69]. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã công bố kết quả về chuỗi dịch vụ đa bậc quản lý lao tiềm ẩn chủ yếu tập trung ở những quốc gia có thu nhập cao, cụ thể, 57/65 (87,7%) nhóm nghiên cứu thuộc quốc gia có mức thu nhập cao trong 58 nghiên cứu được tổng quan tài liệu từ giai đoạn 1990-2015, Brazil cũng là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất Nam Mỹ, thứ hai ở Châu Mỹ sau Hoa Kỳ, tương ứng sẽ quan tâm và có nhiều nguồn lực hơn cho y tế, gánh nặng bệnh lao ở những quốc gia có thu nhập cao cũng rất thấp, chỉ <10/100.000 dân, do đó, thuận lợi hơn trong kiểm soát và triển khai các can thiệp đối với bệnh tật [1].

Tỷ lệ người tiếp xúc HGĐ không đồng ý tham gia sàng lọc chiếm 32,9%, trong đó, 2 quận can thiệp ở Đà Nẵng chiếm đến 74,7% cho thấy nhiều khó khăn, cản trở hơn trong việc tiếp cận và thuyết phục người dân ở thành phố lớn tham gia vào các can thiệp nghiên cứu, do họ có thể có những mối quan tâm nhiều hơn bên cạnh sức khoẻ. Tỷ lệ nữ giới không đồng ý sàng lọc lao tiềm ẩn cao hơn nam giới (52,4% so với 47,6%), mặc dù chênh lệch không quá nhiều, cũng gợi ý nữ giới ít có điều kiện tiếp cận các chương trình chăm sóc sức khoẻ hơn, góp phần lý giải một trong các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hiện mắc lao ở nam giới đang cao hơn nữ giới 4,2 lần theo kết quả điều tra dịch tễ lao toàn quốc lần thứ 2 năm 2017.

Đối với tỷ lệ bằng chứng miễn dịch học về tình trạng nhiễm lao, ở địa bàn can thiệp, trong số 1.064 người tiếp xúc tham gia sàng lọc, có 635 người tiếp xúc có kết quả xét nghiệm Mantoux dương tính (59,7%), tỷ lệ dương tính ở Đà Nẵng cao hơn có ý nghĩa thống kê so với Quảng Nam, 62,4% so với 52,9% (p<0,001). Tính riêng trong nhóm thực hiện xét nghiệm Mantoux (1.025 người tiếp xúc), 62% (635) có kết quả Mantoux dương tính. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với kết quả nghiên cứu cắt ngang phân tích và theo dõi dọc nhằm xác định tỷ lệ nhiễm lao tiềm ẩn dựa vào kết quả của xét nghiệm IGRAs ở người nhà tiếp xúc với người bệnh lao phổi có AFB dương tính (+) tại bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bình Định từ năm 2011 đến năm 2013 (IGRAs dương tính chiếm tỷ lệ 36,5%) [59], điểm khác ở hai nghiên cứu này là sử dụng hai phương pháp xét nghiệm khác nhau, mặc dù đã có các bằng chứng chỉ ra không có sự khác biệt về kết quả của xét nghiệm Mantoux và IGRAs trong chẩn đoán lao tiềm ẩn [5], xét nghiệm Mantoux đôi khi vẫn phụ thuộc vào kỹ năng tiêm trong da và tính chủ quan khi đọc kết quả của kỹ thuật viên xét nghiệm.

So sánh với các nghiên cứu khác trên thế giới, nghiên cứu ở Quảng Nam và Đà Nẵng có kết quả cao hơn đáng kể nghiên cứu thuần tập trong nhóm tiếp xúc hộ gia đình ở Georgia (52,7%) [78], nghiên cứu cắt ngang quản lý lao tiềm ẩn trong nhóm tiếp xúc tại cơ sở y tế ban đầu ở Brazil năm 2016 (48%) [69], tương đương với kết quả của một nghiên cứu cắt ngang để xác định tỷ lệ nhiễm lao tiềm ẩn trong nhóm người tiếp xúc hộ gia đình với người bệnh lao ở Tanzania, cũng sử dụng phương pháp xét nghiệm Mantoux để chẩn đoán (62,5%) [71], và thấp hơn 4% so với tỷ lệ Mantoux dương tính trong nhóm trẻ em dưới 15 tuổi tiếp xúc hộ gia đình với người bệnh lao phổi có độ tuổi từ 16-65 trong một nghiên cứu người tiếp xúc ở Malawi (66%) [72], tuy nhiên, tỷ lệ Mantoux dương tính cao hơn trong nhóm trẻ em tiếp xúc

hộ gia đình với người bệnh lao phổi so với các nhóm tuổi khác không phải là một kết quả đáng ngạc nhiên, do trẻ em vẫn được TCYTTG đánh giá là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc lao cao nhất nếu là người tiếp xúc hộ gia đình với người bệnh lao phổi. Một điểm cần lưu ý là nghiên cứu ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Georgia xác định kết quả Mantoux dương tính khi đường kính ngang của nốt sẩn đo được ≥ 5mm sau khi tiêm 48 giờ trong khi các nghiên cứu ở Brazil, Tanzania và Malawi không chỉ rõ tiêu chuẩn xác định kết quả phản ứng dương tính; nên không thể chắc chắn có cùng với tiêu chuẩn được xác định trong nghiên cứu ở Quảng Nam và Đà Nẵng hay không. Sự khác nhau trong xác định tiêu chuẩn phản ứng dương tính hay âm tính của xét nghiệm Mantoux cũng dẫn đến sự khác biệt rõ rệt trong tỷ lệ phản ứng dương tính của các nghiên cứu. Do đó, chỉ có thể nhận định tỷ lệ Mantoux dương tính trong nhóm tiếp xúc hộ gia đình ở Quảng Nam và Đà Nẵng cao hơn ở Georgia do có sự tương đồng về đối tượng và tiêu chuẩn đánh giá phản ứng dương tính.

Việc triển khai các can thiệp đồng bộ trên địa bàn can thiệp đã tạo nên một bước tiến vượt bậc so với giai đoạn trước khi triển khai can thiệp, chứng minh tác động tích cực của nghiên cứu, cụ thể, số người tiếp xúc tham gia sàng lọc trước can thiệp đạt 12,5%, trong khi tỷ lệ này sau khi triển khai can thiệp đạt trên 65,6%. Tuy nhiên, mặc dù có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi so sánh giai đoạn trước và sau can thiệp, số liệu nghiên cứu cũng đã chỉ ra một kết quả chưa được như mong đợi về tỷ lệ người tiếp xúc không tham gia và hoàn thành giai đoạn sàng lọc lao tiềm ẩn, cụ thể, 34,6% người tiếp xúc hộ gia đình không đến cơ sở y tế để được sàng lọc lao và lao tiềm ẩn, tự bỏ qua cơ hội được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, trong khi đây là một trong những nhóm dễ bị lây truyền bệnh lao cao nhất. Qua quan sát, một số người bệnh chỉ điểm, người tiếp xúc khi đến cơ sở y tế thăm khám, đứng ngay bên cạnh áp phích truyền thông về lao tiềm ẩn, nhưng không hề đọc hay tìm

hiểu thông tin, một số sau khi được phát tờ gấp thông tin, đã vứt ngay sau khi ra khỏi tổ lao ở trung tâm y tế huyện. Điều này cho thấy Chương trình chống lao vẫn cần tìm hiểu thêm cách thức hợp lý để tăng cường cải thiện về chất lượng và hiệu quả của các can thiệp, cụ thể, cần có những nghiên cứu thêm về nội dung và hình thức truyền thông cho người bệnh và cộng đồng, phổ biến thông tin bằng hình thức đa dạng, dễ hiểu và dễ thu hút, để cộng đồng dễ tiếp cận thông tin, hiểu rõ thông điệp được truyền tải, cảm thấy hài lòng và mong muốn tiếp tục được cập nhật thông tin nếu có cơ hội. Bên cạnh đó, đối tượng nhân viên y tế cũng cần có những tác động thêm để hỗ trợ họ được cập nhật kiến thức cũng như các kỹ năng trong triển khai các hoạt động phòng chống lao. Các số liệu báo cáo về hiệu quả của các can thiệp cũng cần được thẩm định qua các đợt giám sát kiểm tra số liệu, đảm bảo số liệu thể hiện được đúng chính xác hiệu quả của các can thiệp, là bằng chứng để đưa ra các đề xuất về chính sách tiếp theo.

Trong tài liệu GIẢI PHÁP CAN THIỆP (Trang 118-121)