• Không có kết quả nào được tìm thấy

Rào cản đối với điều trị lao tiềm ẩn

Trong tài liệu GIẢI PHÁP CAN THIỆP (Trang 111-115)

CHƯƠNG 3: 55KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.3. Mục tiêu cụ thể 3

3.3.2. Rào cản đối với điều trị lao tiềm ẩn

Từ kết quả nghiên cứu, sau khi được chỉ định điều trị lao tiềm ẩn, 88,5% (485) người tiếp xúc đồng ý bắt đầu điều trị, 11,5% (63) người tiếp xúc từ chối điều trị. Đối với nhóm người tiếp xúc đã đồng ý điều trị (Bảng 3.14), 85,8% (416) người hoàn thành điều trị, và 12,6% (61) người bỏ trị. Nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm các nguồn thông tin để cố gắng tìm hiểu các rào cản dẫn đến quyết định không điều trị hoặc không hoàn thành điều trị của người tiếp xúc. Nhóm nghiên cứu chưa có cơ hội thực hiện phỏng vấn sâu đối với nhóm người tiếp xúc từ chối điều trị, do những người này thường từ chối được phỏng vấn; tuy nhiên, đã thu thập những thông tin liên quan từ nhân viên y tế và người bệnh chỉ điểm, và đã thực hiện 06 phỏng vấn sâu đối với những người đang điều trị, đã hoàn thành điều trị hoặc bỏ trị.

Đối với những người không đồng ý điều trị hoặc không hoàn thành điều trị lao tiềm ẩn, từ những thông tin được phỏng vấn, có thể nhận thấy có các rào cản chính sau:

3.3.2.1. Không tin tưởng hiệu quả điều trị lao tiềm ẩn

Nguy cơ phát triển bệnh lao phụ thuộc một số yếu tố, trong đó quan trọng nhất là tình trạng miễn dịch của cơ thể. 5-10% người nhiễm lao sẽ phát triển thành bệnh lao trong suốt cuộc đời của họ, và điều trị lao tiềm ẩn có thể ngăn ngừa 60-90% nguy cơ phát triển bệnh lao (WHO). Tuy nhiên, do chưa có nhận thức đúng và đầy đủ về điều trị lao tiềm ẩn, một số người tiếp xúc nghi ngờ hiệu quả của điều trị lao tiềm ẩn trong việc ngăn ngừa nguy cơ phát triển thành bệnh lao, nên không chấp nhận điều trị.

“Có mấy người có hỏi hoài là điều trị có khẳng định là ngừa được bệnh lao không, chị cũng trả lời miết là có hiệu quả, nhưng họ hỏi có chắc chắc được 100% không thì chị không trả lời được. Người ta bảo giờ đang khoẻ mạnh thế này làm sao phải uống thuốc, sàng lọc ra bệnh lao mới điều trị chứ bảo nhiễm lao rồi bắt uống bao nhiêu thuốc vào người thì không chịu…” (trích Phỏng vấn sâu nhân viên y tế trung tâm y tế quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng).

“Bố mẹ thường xót con ấy chị, nên mấy bé nhỏ là bố mẹ ít khi cho điều trị lắm, mặc dù em tư vấn nhiều lần rồi đấy, nhưng họ cứ bảo chẳng biết hiệu quả ở đâu, chứ nhìn thấy trước là uống bao nhiêu thuốc rồi, họ còn bảo con họ uống dự phòng viêm phổi rồi vẫn cứ bị lại đấy thôi, nên không tin tưởng những thuốc dự phòng…” (trích Phỏng vấn sâu nhân viên y tế trung tâm y tế thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam).

3.3.2.2. Thời gian điều trị lao tiềm ẩn

Thời gian điều trị kéo dài (9 tháng sử dụng thuốc Isoniazid hàng ngày đối với người lớn và 6 tháng sử dụng thuốc Isoniazid hàng ngày đối với trẻ em) của phác đồ điều trị lao tiềm ẩn mà Chương trình chống lao áp dụng ở

giai đoạn triển khai nghiên cứu là một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng một số người tiếp xúc không đồng ý điều trị hoặc bỏ trị.

“Em đã bỏ trị sau khi uống 3 tháng. Nguyên nhân là do phải uống lâu quá, hay quên quá… Bạn cùng phòng trọ của em thì uống được 1 tháng thì bỏ, nên em cũng mất động lực…” (trích Phỏng vấn sâu người tiếp xúc, nam, 21 tuổi, bạn cùng phòng trọ với người bệnh chỉ điểm, phường Liên Chiểu, Đà Nẵng).

“Có mấy bé nhỏ tư vấn mãi thì bố mẹ bé mới chịu đăng ký điều trị cho bé, nhưng đến lúc điều trị được một đợt thì bỏ trị luôn, em gọi điện hỏi thì thấy bảo bé khó uống thuốc lắm, hàng ngày cứ phải nghiền viên thuốc ra cho bé uống, mà bé cứ chống, lâu ngày mệt mỏi quá nên thôi…” (trích Phỏng vấn sâu nhân viên y tế trung tâm y tế thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam).

“Cô hiểu bệnh lao chứ, sợ lắm, nên cả nhà mới cùng đi kiểm tra và cùng uống thuốc. Giờ bỏ thuốc cũng sợ bị thành bệnh lao lắm… cô cũng biết nếu cô hoàn thành điều trị thì sau này cô không sợ bị mắc lao nữa… nếu có thuốc nào khác cũng điều trị lao tiềm ẩn, mà thời gian ngăn ngắn hơn thì lại gọi cô, cô đồng ý điều trị lại…” (trích Phỏng vấn sâu người tiếp xúc, nữ, 42 tuổi, con gái người bệnh chỉ điểm, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam).

3.3.2.3. Phản ứng bất lợi của thuốc điều trị lao tiềm ẩn

Phản ứng bất lợi của thuốc điều trị lao tiềm ẩn, mặc dù tỷ lệ xảy ra không nhiều, nhưng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngừng điều trị ở một số người bệnh. Theo kết quả điều trị, chỉ 5 trường hợp dừng điều trị do xảy ra phản ứng bất lợi, chiếm 1% trong tổng số người tiếp xúc điều trị lao tiềm ẩn. Nhóm nghiên cứu đã tiếp cận phỏng vấn 01 người bệnh tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam để tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của phản ứng bất lợi dẫn đến quyết định ngừng điều trị.

“Cô uống thuốc được 1 tháng thì thấy mệt quá, không chịu được. Cô trước sức khỏe tốt, còn đi tập gym, cứ 4h sáng dậy đi tập gym, đến lúc uống

thuốc vào thì lúc nào cũng thấy mệt, đau mỏi xương khớp, cảm giác khó chịu, mệt mỏi, không chịu được. Sau cô đọc thêm trên internet, thấy uống thuốc này nhiều người bị tác dụng phụ như vậy, bản thân cô thấy mệt thật chứ không phải là do tưởng tượng ra, nên cô thôi… Với cả uống thuốc ấy có làm xấu da không cháu? Chứ da cô trước giờ ai cũng khen đẹp hết, mà uống thuốc xong một cái da xấu, xạm hẳn đi, nhìn thấy rõ luôn…Các tác dụng phụ của thuốc ngay từ lúc uống đã xảy ra, rồi lúc cô ngừng uống phải tầm chục ngày sau mới hết tất cả các dấu hiệu đấy. Chứ không phải là dừng uống là hết luôn đâu…” (trích Phỏng vấn sâu người tiếp xúc, nữ, 42 tuổi, con gái người bệnh chỉ điểm, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam).

Bảng 3.24. Tổng hợp các rào cản ảnh hưởng tới sàng lọc, chẩn đoán và điều trị lao tiềm ẩn

Rào cản đối với sàng lọc lao tiềm ẩn Rào cản đối với điều trị lao tiềm ẩn - Rào cản từ phía dịch vụ y tế (kỹ năng truyền

thông/ tư vấn, nhận thức về hiệu quả của điều trị lao tiềm ẩn, sự tham gia còn hạn chế của nhân viên y tế tuyến xã trong quá trình điều tra người tiếp xúc).

- Hạn chế trong nhận thức về lao, lao tiềm ẩn.

- Tình trạng kỳ thị và tự kỳ thị đối với bệnh lao.

- Thói quen trong hành vi tìm kiếm chăm sóc y tế.

- Tiếp cận dịch vụ y tế cung cấp sàng lọc và quản lý lao tiềm ẩn.

- Không tin tưởng hiệu quả điều trị lao tiềm ẩn.

- Thời gian điều trị lao tiềm ẩn.

- Phản ứng bất lợi của thuốc điều trị lao tiềm ẩn.

CHƯƠNG 4

Trong tài liệu GIẢI PHÁP CAN THIỆP (Trang 111-115)