• Không có kết quả nào được tìm thấy

Chương 1: LÝ LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI

1.3. Chính sách tài chính đối với doanh nghiệp có vốn FDI tại một số quốc gia trên thế

1.3.4. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam:

Qua kinh nghiệm của một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc với sự thành công trong việc sử dụng các chính sách tài chính đối với các doanh nghiệp FDI có thể rút ra được những bài học quý giá, là cơ sở để tham khảo, vận dụng vào thực thế ở Việt Nam như sau:

- Chính sách thuế:

+ Thứ nhất, cần có hệ thống thuế suất đồng bộ đơn giản và công bằng giữa các doanh nghiệp nội địa và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, qua đó tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp đồng thời cải thiện điểm số về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Bài học đó được rút ra từ Chính phủ láng giềng Trung Quốc. Với một quyết định đúng đắn của Chính phủ trong thời kỳ đầu của công cuộc cải cách pháp luật thuế của nước này chính là áp dụng chính sách thuế thống nhất với mọi thành phần kinh tế bao gồm cả các doanh nghiệp nội địa lẫn những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, xóa bỏ dần các ưu đãi miễn giảm thuế và chuyển sang hình thức tài trợ cho các trường hợp đặc biệt cần thiết bằng chi ngân sách. Bước đi này đã góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp và nâng tầm quốc gia trên bảng đánh giá môi trường kinh doanh quốc tế.

+ Thứ hai, việc xây dựng các chính sách tài chính riêng cho các đặc khu cần được tiến hành đồng bộ tránh xảy ra những cuộc chiến ưu đãi thuế giữa các đặc khu gây ra những tổn thất lớn lên ngân sách nhà nước.

Không thể phủ nhận những lợi ích từ việc thành lập các đặc khu kinh tế với các ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp FDI, chính nhờ chính sách thành lập đặc khu kinh tế này đã đưa Thâm Quyến từ một làng chài ven biển trở thành một trung tâm công nghệ tầm cỡ thế giới và là một trong những trung tâm tài chính năng động nhất toàn cầu. Tuy nhiên, sau đó việc thành lập ồ ạt các đặc khu kinh tế dẫn đến cuộc chiến ưu đãi miễn giảm thuế giữa các đặc khu và sự cạnh tranh không lành mạnh nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI về địa phương của mình, và những hệ lụy về sự xuống cấp trầm trọng môi trường tại các đặc khu này. Qua đó, có thể thấy Việt Nam cần cẩn

trọng hơn trong việc xây dựng các chính sách tài chính đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế cho các đặc khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp…

+ Thứ ba, nên có những cú hích mạnh hơn nữa từ những chính sách ưu đãi thuế nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm xuất khấu của các doanh nghiệp FDI.

Ở Malaysia các doanh nghiệp FDI sản xuất hàng xuất khẩu có tỷ lệ nội địa hóa cao từ 60% trở lên sẽ được giảm trực tiếp thu nhập tính thuế tương ứng với 30% giá trị tăng thêm của giá trị hàng hóa xuất khẩu, con số đó có thể tăng lên 50% nếu doanh nghiệp đó xuất khẩu thành công sang thị trường mới song song với việc áp dụng phương pháp khấu trừ khi tính thuế cho các mặt hàng xuất khẩu vào năm 1986. Nhờ đó Chính phủ Malaysia có thể hướng tới đồng thời cả 2 mục tiêu vừa đẩy mạnh tỷ lệ xuất khẩu vừa nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm xuất khẩu đó.

+ Thứ tư, cần cân nhắc đưa thêm các ưu đãi thuế nhằm mục đích thúc đẩy tái đầu tư từ phía các doanh nghiệp FDI.

Bài học đó được rút ra qua sự thành công của Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Malaysia. Ở Trung Quốc, các doanh nghiệp nước ngoài tái đầu tư lợi nhuận thu được từ 5 năm trở lên, sẽ được hoàn lại 40% thuế thu nhập tính trên số lợi nhuận tái đầu tư này. Còn đối với Malaysia Chính phủ áp dụng những ưu đãi trực tiếp trên thu nhập tính thuế của các doanh nghiệp FDI, cụ thể: nếu một công ty đã đầu tư trước tháng 1 năm 1988 và muốn mở rộng hoạt động của nó thì 25% chi phí vốn cho việc mở rộng đầu tư có thể được khấu trừ khi tính thuế. Còn nếu doanh nghiệp đầu tư vốn mới sau thời điểm tháng 1 năm 1988 và sau đó mở rộng hoạt động, có thể được khấu trừ 40% chi phí vốn cho việc tái đầu tư mở rộng.

+ Thứ năm, nên có những chính sách ưu đãi thuế riêng cho các doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao hoặc trong lĩnh vực R&D, nhằm mục tiêu thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đầu tư vào Việt Nam.

Hàn Quốc rất chú trọng việc thu hút các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, cùng với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động R&D. Do đó Chính phủ nước này đã đưa ra những ưu đãi đặc biệt dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Cụ thể:

đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ hoặc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp sẽ được giảm 100% thuế TNDN trong 5 năm đầu và 50% trong 2 năm tiếp theo. Đây là một trong những yếu tố góp phần đưa Hàn Quốc trở thành một

trong những nước có chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức rất cao 0,903 vào năm 2018, đồng thời thu nhập và tài sản của Hàn Quốc đang tiếp tục gia tăng một phần là do sự đầu tư lớn và tăng cường xuất khẩu công nghệ cao sang các nước đang phát triển như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Philippines, Đông Timor, Malaysia, Indonesia và khu vực Trung Đông. Từ kinh nghiệm của Chính phủ Hàn Quốc cũng cho thấy nên có những ưu đãi về miễn giảm thuế để thu hút các doanh nghiệp FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ hay lĩnh vực nghiên cứu phát triển. Từ đó nâng cao trình độ khoa học công nghệ trong nước làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của nên kinh tế trong kỷ nguyên số 4.0 hiện nay.

-Chính sách chi ngân sách:

+Thứ nhất, cần có những chính sách hợp lý đối với việc chi ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ và hiện đại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

Cở sở hạ tầng phát triển và đồng bộ là điều kiện cần để phát triển khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhận ra vai trò quan trọng trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Chính phủ Trung Quốc hay Malaysia đã rất mạnh tay trong việc chi ngân sách tập trung vào nâng cấp và cải tạo cơ sở hạ tầng. Nếu như Trung Quốc bỏ ra hàng trăm tỷ USD để nâng cấp toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống viễn thông và mạng internet đến cả những địa phương vùng sâu vùng xa, thì Malaysia đã thành lập "Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng" với nguồn vốn ngân sách cấp ban đầu là 5 tỷ RM với chức năng hỗ trợ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra Malaysia với dự kiến chi khoảng 30 tỷ USD để xây dựng "Siêu hành lang đa phương tiện - MSC" nhằm đáp ứng nhu cầu về hạ tầng tin học cho các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghệ cao và R&D. Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng cần được ưu tiên và chú trọng qua đó làm tiền đề cho việc thu hút và sử dụng nguồn lực của các doanh nghiệp FDI một cách hiệu quả.

+ Thứ hai, cần tăng cường chi ngân sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vô cùng cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp FDI trong mọi lĩnh vực đặc biệt là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và R&D.

Bên cạnh cơ sở hạ tầng các quốc gia trên cũng rất chú trọng vào đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn lao động của các

doanh nghiệp FDI. Malaysia ngoài việc chi ngân sách để mở rộng hệ thống giáo dục và dạy nghề, Chính phủ còn thành lập Trung tâm Phát triển kỹ năng Penang kết hợp với doanh nghiệp với chức năng bồi dưỡng các kỹ năng làm việc cần thiết cho người lao động qua đó giúp đáp ứng các điều kiện thực tế tại doanh nghiệp mình. Chính phủ Hàn Quốc còn trợ cấp tiền mặt cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, R&D hay công nghiệp hỗ trợ để phục vụ cho công tác đào tạo người lao động đáp ứng nhu cầu công việc. Đây là những kinh nghiệm rất thực tế và hiệu quả để Việt Nam có thể nghiên cứu và áp dụng bởi nếu như nói cơ sở hạ tầng là điều kiện cần thì chất lượng lao động chính là điều kiện đủ để các doanh nghiệp FDI có thể đưa ra quyết định đầu tư, cũng như vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.

+ Thứ ba, cần có những chính sách chi ngân sách phù hợp cho công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp FDI.

Kinh nghiệm chi ngân sách cho hoạt động cải cách thủ tục hành chính của Malaysia và Hàn Quốc đều rất đáng để Việt Nam học hỏi. Tại Malaysia các thủ tục hành chính của hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp FDI sẽ được áp dụng cơ chế một cửa thông qua tổ chức MIDA (Malaysian Investment Development Authority - Tổ chức phát triển công nghiệp Malaysia) là đầu mối duy nhất giúp các nhà đầu tư hoàn tất mọi thủ tục trong việc cấp phép thành lập và đi vào hoạt động. Còn tại Hàn Quốc các doanh nghiệp FDI sẽ được hỗ trợ qua 2 tổ chức là KISC và Ombudsman có chức năng giúp đỡ doanh nghiệp từ quá trình triển khai đầu tư, đến quá trình đi vào hoạt động.

- Chính sách tài chính đất đai:

Chính sách tài chính đất đai cần được điều chỉnh theo hướng công khai minh bạch và mang tính ổn định lâu dài, qua đó giúp các doanh nghiệp FDI có thể ổn định tâm lý đầu tư, cũng như dễ dàng hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình.

Kinh nghiệm về chính sách tài chính đất đai của Trung Quốc và Malaysia đều đem đến hiệu quả cao giúp các doanh nghiệp FDI có thể an tâm và quyết định đầu tư lâu dài đồng thời làm gia tăng nguồn thu cho ngân sách công. Theo đó các doanh nghiệp FDI không chỉ được miễn thuế đất mà tại các đặc khu kinh tế các doanh nghiệp còn được ưu đãi về thời hạn thuê đất lâu dài, đặc biệt giá thuê đất sẽ được ưu đãi giảm

thêm khi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích.

Do vậy khi xây dựng và hoàn thiện các chính sách tài chính đất đai tại Việt Nam nên gắn với lợi ích cũng như mối quan tâm của các doanh nghiệp FDI đó là tính ổn định và lâu dài. Việc xác định giá thuê đất cần sát với giá thị trường, đồng thời lộ trình tăng giá thuê đất cần điều chỉnh phù hợp tạo tâm ý an tâm cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp FDI nói riêng trong thời gian hoạt động đầu tư.

Kết luận chương 1

Với mục tiêu xây dựng khung lý thuyết cho việc nghiên cứu đề tài luận án, trong chương này tác giả đã làm sáng tỏ các vấn đề lý luận liên quan đến đề tài luận án như:

Thứ nhất, lý luận về doanh nghiệp FDI và tác động của doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế của nước nhận đầu tư.

Thứ hai, làm rõ khái niệm chính sách tài chính đối với doanh nghiệp FDI, nội dung của các chính sách tài chính đối với doanh nghiệp FDI. Đồng thời chỉ ra các tác động của chính sách tài chính tới hoạt động SXKD của các doanh nghiệp FDI.

Thứ ba, tìm hiểu kinh nghiệm thực tiễn về sử dụng các chính sách về tài chính để phát triển khu vực doanh nghiệp FDI của một số Quốc gia trên thế giới để rút ra các bài học kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam. Đây là những vấn đề cơ sở lý luận cốt lõi là khung lý thuyết để tác giả làm cơ sở đánh giá, phân tích, tình hình chính sách tài chính đối với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong thời gian vừa qua