• Không có kết quả nào được tìm thấy

Chương 1: LÝ LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI

1.3. Chính sách tài chính đối với doanh nghiệp có vốn FDI tại một số quốc gia trên thế

1.3.2. Kinh nghiệm ở Malaysia:

Chính phủ Malaysia đã áp dụng những ưu đãi trực tiếp trên thu nhập tính thuế của các doanh nghiệp FDI, cụ thể: nếu một công ty đã đầu tư trước tháng 1 năm 1988 và muốn mở rộng hoạt động của nó thì 25% chi phí vốn cho việc mở rộng đầu tư có thể được khấu trừ khi tính thuế. Còn nếu doanh nghiệp đầu tư vốn mới sau thời điểm tháng 1 năm 1988 và sau đó mở rộng hoạt động, có thể được khấu trừ 40% chi phí vốn cho việc tái đầu tư mở rộng [93, 392-393]

+ Để khuyến khích các công ty tham gia phát triển nguồn nhân lực:

Năm 1989, Malaysia cho phép các công ty thực hiện đào tạo nghề cho công nhân của mình hoặc xây dựng một tòa nhà để đào tạo nghề có thể khấu trừ các chi phí cho đào tạo và xây dựng công trình. Malaysia khuyến khích các công ty tự đào tạo nâng cao trình độ cho công nhân, cán bộ quản lý thông qua việc cho phép nhân hệ số 2 khoản mục chi phí đào tạo trong giá thành sản phẩm.

+ Để tạo điều kiện nâng cấp cơ cấu công nghiệp:

Nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và định hướng đầu tư Malaysia áp dụng hai hình thức ưu đãi thuế chính là: Ưu đãi dành cho doanh nghiệp tiên phong (PS) và trợ cấp thuế đầu tư (ITA). Cụ thể:

Bảng 1.1: Chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp FDI tại Malaysia

Chỉ tiêu PS ITA

Dự án công nghệ cao Miễn 100% thuế TNDN trong 5 năm

Khấu trừ 60% chi phí vốn hợp lệ phát sinh khi tính thuế trong 5 năm từ ngày phát sinh khoản chi phí hợp lệ đầu tiên

Dự án chiến lược Miễn 100% thuế TNDN trong 10 năm

Khấu trừ 100% chi phí vốn hợp lệ phát sinh khi tính thuế trong 5 năm từ ngày phát sinh khoản chi phí hợp lệ đầu tiên

Công ty sản xuất quy mô nhỏ

Miễn 100% thuế TNDN trong 5 năm

Khấu trừ 60% chi phí vốn hợp lệ phát sinh khi tính thuế trong 5 năm từ ngày phát sinh khoản chi phí hợp lệ đầu tiên

Ngành chế tạo máy móc thiết bị

Miễn 100% thuế TNDN trong 10 năm

Khấu trừ 100% chi phí vốn hợp lệ phát sinh khi tính thuế trong 5 năm từ ngày phát sinh khoản chi phí hợp lệ đầu tiên

Cơ quan xét hồ sơ MIDA

Nguồn: MIDA

Năm 1996, Chính phủ Malaysia quyết định trao 15 vị trí tiên phong cho các nhà máy bán dẫn tấm wafer. Năm 1997, Chính phủ quyết định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm cho các công ty trong ngành hàng công nghiệp phụ trợ và cấp 10 năm nếu công ty xuất khẩu hàng hóa công nghiệp phụ trợ.

Ngoài ra, Chính phủ Malaysia khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài liên quan đến môi trường bảo vệ và phát triển cơ sở hạ tầng. Các doanh nghiệp sử dụng các thiết bị thân thiện với môi trường sẽ được khấu trừ khoản chí phí vốn hình thành nên các thiết bị này với tỷ lệ 40% trong năm đầu và 20% các năm sau đó trong thời gian 3 năm.

+Cuối cùng, về phát triển các vùng sâu vùng xa còn khó khăn:

Chính phủ Malaysia đã quyết định cấp vị trí tiên phong cho các dự án đầu tư nước ngoài nằm ở bờ biển phía đông Bán đảo Malay và Đông Malaysia

Theo cách này, Chính phủ Malaysia đã theo đuổi hầu hết các mục tiêu bằng cách cung cấp ưu đãi thuế cho các công ty đáp ứng các điều kiện được Chính phủ đề ra.

- Chính sách chi ngân sách:

Sau khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực, các ngành kinh tế truyền thống tập trung nhiều nguồn lực tài nguyên, lao động của Malaysia tỏ ra kém lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác trong khu vực. Trong khi đó, những ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao lại chưa đủ điều kiện để cạnh tranh với các nước phát triển và các nước công nghiệp mới. Vì vậy bên cạnh các ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp FDI, Chính phủ Malaysia đã lên kế hoạch chi khoảng 25 tỷ USD cho phát triển kinh tế trong vòng 10 năm.

+ Với đặc điểm, các ngành công nghiệp then chốt chủ yếu tập trung trong các khu công nghệ cao, vì thế để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc thúc đẩy các khu công nghệ cao được xây dựng từ những năm 1988 như Bukit Jalil, Kulim... hoạt động tốt hơn, từ năm 1997, nhiều khu công nghệ cao mới đã được xây dựng.

+ Bên cạnh đó, Malaysia cũng tập trung vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu cũng như các tiêu chuẩn của các ngành công nghiệp hiện đại. Malaysia đã thành lập "Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng" với nguồn vốn ngân sách cấp ban đầu là 5 tỷ RM. Quỹ này có nhiệm vụ trợ giúp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, như nâng cấp mạng lưới đường ray điện từ Putra, Star và ERL; nâng cao năng lực khai

thác đường cao tốc Kuala Lumpur, Cheras - Kajang, Ipah - Lumut ...; nâng cấp hệ thống cảng Kuantan, TangJung Pelepas; xây dựng một số dự án cấp thoát nước và xử lý chất thải ... Chính phủ Malaysia đã chi hơn 4 tỷ RM ngay sau khi xảy ra khủng hoảng để làm đường, cầu cống, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không dân dụng, nâng cấp các sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Penang, Kota Kinabalu, Tawau …

+ Malaysia tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng "Siêu hành lang đa phương tiện - MSC" với dự kiến chi khoảng 30 tỷ USD nhằm đưa Malaysia trở thành trung tâm năng động và hấp dẫn bậc nhất khu vực Đông Nam Á về công nghệ thông tin và viễn thông - ICT, đồng thời đưa Malaysia chuyển sang nền kinh tế tri thức chủ yếu dựa công nghệ điện tử và thông tin vào năm 2020. Về cơ sở hạ tầng tin học, ngay từ năm 1997, Malaysia đã thành lập những cơ sở điện tử hóa hệ thống tiền tệ, xây dựng "Phòng bảo đảm an ninh ngân hàng", đến tháng 03/1999 Malaysia hoàn thành việc xây dựng hệ thống hỗ trợ an toàn giao dịch ngân hàng và được liên thông với mạng của thế giới. Năm 1998, Malaysia phê chuẩn dự án phát triển ―thành phố tri thức‖ Cybejaya (là một phần trong chương trình MSC) với số vốn đầu tư 5 tỷ RM (1,25 tỷ USD). Nhiều TNCs, công ty nước ngoài và công ty trong nước đầu tư vào khu vực MSC (Multimedia Super Corridor - Siêu hành lang đa phương tiện) với các sản phẩm viễn thông, đa phương tiện, các giải pháp hữu ích, dịch vụ và R&D.

+ Để khắc phục mất cân đối đầu tư và phát triển kinh tế giữa các vùng và tạo địa chỉ hấp dẫn thu hút FDI, Malaysia triển khai dự án "Khu vực kinh tế Nam Johor" với vốn đầu tư ban đầu 17,7 tỷ RM (4,8 tỷ USD) trên diện tích 2.217 km2 (rộng gấp 2,5 lần so với Singapore). Số vốn ban đầu này do Chính phủ Malaysia đầu tư 4,3 tỷ RM, cơ quan đầu tư quốc gia Malaysia Khazanath Nassional đầu tư 3,4 tỷ RM, huy động từ khu vực tư nhân 10 tỷ RM, còn lại sẽ thu hút từ nguồn FDI với mục tiêu tổng đầu tư của dự án là 47 tỷ RM (14 tỷ USD). Với kỳ vọng của Chính phủ Malaysia khi dự án đi vào hoạt động sẽ đem lại những thành công như Thâm Quyến của Trung Quốc.

+ Malaysia thực hiện cải tổ và mở rộng hệ thống giáo dục và dạy nghề. Trong kế hoạch phục hồi kinh tế quốc gia (National Economic Recovery Plan - NERP), Malaysia đầu tư 13,5 tỷ RM để đào tạo nguồn nhân lực (năm 1999), trong đó dành cho giáo dục tiểu học và trung học 8 tỷ RM; hỗ trợ sinh viên và xây dựng các trung tâm đại học 2,85 tỷ RM; còn lại 1,145 tỷ RM dành cho Bộ Giáo dục, Bộ Phát triển doanh nghiệp, Bộ Phát triển nhân lực và Bộ Thanh niên Thể thao để hỗ trợ đào tạo phát triển

kỹ năng và một số hoạt động khác tại 76 trường dạy nghề và kỹ thuật, 16 viện đào tạo và phát triển kỹ năng, 159 trung tâm đào tạo.

+ Trung tâm Phát triển kỹ năng Penang (PSDC - Penang Skills Development Centre) là mô hình hợp tác giữa Chính phủ, các học viện và các doanh nghiệp. Nhiệm vụ chính của PSDC là cung cấp các chương trình đào tạo lực lượng lao động; thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với các trường đại học trong và ngoài nước; hỗ trợ các sáng kiến về phát triển nguồn nhân lực; chia sẻ sở hữu trí tuệ của PSDC về tính cạnh tranh và kinh nghiệm; hỗ trợ quá trình đào tạo nâng cao nguồn nhân lực. Malaysia thường xuyên cung cấp kinh phí hỗ trợ PSDC như cấp thêm 500 triệu RM để tạo nguồn vay cho sinh viên đào tạo nghề và kỹ thuật; thành lập quỹ 100 triệu RM để đào tạo sinh viên sau khi tốt nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng về kế toán, công nghệ thông tin ...

+ Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp FDI, Malaysia thực hiện công tác quản lý và tiếp nhận FDI theo cơ chế "một cửa". Từ năm 1998, MIDA (Malaysian Investment Development Authority - Tổ chức phát triển công nghiệp Malaysia) là đầu mối duy nhất giúp các nhà đầu tư hoàn tất mọi thủ tục trong việc cấp phép thành lập và đi vào hoạt động. Tại MIDA, tất cả các cơ quan có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Phát triển nguồn nhân lực, Cục Nhập cảnh, Cục Hải quan, Cục Thuế vụ, Cục Môi trường ... có trách nhiệm cử các chuyên gia có năng lực đến làm việc để phối hợp giải quyết công việc nhằm giảm các thủ tục hành chính, tránh sự chồng chéo, rườm rà. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của MIDA rất rộng: Có thể nhanh chóng đưa ra "những khuyến khích trọn gói" đối với các dự án FDI trọng điểm;

phê duyệt tất cả các dự án cấp liên bang, cung cấp các dịch vụ sau đầu tư; đứng ra giải quyết những vướng mắc giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương... Ngoài trụ sở chính ở Kuala Lumpur, MIDA còn có 16 văn phòng ở nước ngoài và chi nhánh ở các bang thuộc Malaysia để cung cấp dịch vụ cũng như hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài.

- Chính sách đất đai:

+ Luật Đất đai của Malaysia cho phép các công ty tư nhân, người nước ngoài hoặc người Malaysia được quyền sở hữu đất. Người nước ngoài được mua đất để đầu tư sau khi được Ủy ban Đầu tư nước ngoài chấp thuận. Nếu không được chấp thuận, doanh nghiệp được thuê đất với thời hạn tối đa từ 60 đến 99 năm.

+ Bên cạnh đó, giá thuê đất dành cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng ở mức khá hấp dẫn trung bình từ 300-1.000 USD/ha/năm, mức giá thuê đất cao nhất cũng chỉ ở mức 15.000USD/ha/năm. Nếu như các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các ngành được Chính phủ khuyến khích giá thuê đất còn được giảm theo quy định

+ Đối với đặc khu kinh tế như Iskandar, Chính phủ Malaysia đã đưa ra những ưu đãi về chính sách tài chính đất đai như hoãn vô thời hạn thuế giá trị gia tăng đối với bất động sản…

Có thể thấy với các chính sách tài chính của Malaysia mang tính ổn định, minh bạch, công bằng đối với cả nhà đầu tư nước ngoài lẫn nhà đầu tư trong nước. Không chỉ vậy mà các nhà hoạch định chính sách tài chính của Malaysia còn rất linh hoạt luôn có những hướng điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tiễn trong nước và quốc tế, nhờ vậy mà Malaysia đã trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghệ cao.