• Không có kết quả nào được tìm thấy

Nhựa Trám (Damar) được trích từ cây Trám, thuộc Chi Canarium, họ Trám (Burseracea). Ở Việt nam, có 8 loài Trám, nhưng chỉ 2 loài có thể khai thác nhựa là Trám trắng (Canarium album) và Trám đen (C. pimela). Loài Trám trắng có nhựa màu trắng hơn, lâu bị đông đặc và năng suất cao hơn Trám đen, nên thực tế chỉ có loài Trám trắng được trích nhựa.

Trám trắng là cây gỗ lớn. Cây trưởng thành cao 20-30m, đường kính trung bình 60- 80cm. Thân thẳng, tròn, vỏ mỏng màu xám trắng. Lá chét hình trái xoan hoặc bầu dục, mặt trên xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn. Hoa đơn tính cùng gốc, mọc thành hoa tự chùm. Quả hạch hình trái xoan, 2 đầu nhọn, dài 2,5-3,5cm, hạt hình thoi, hóa gỗ cứng.

Trám trắng phân bố ở hầu hết các tỉnh phía Bắc Việt Nam, tập trung nhất ở tỉnh Quảng Ninh, Hà Bắc, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Hòa Bình và Thanh Hóa. Cây mọc trong rừng nguyên sinh hoặc thứ sinh mới qua khai thác nhẹ hay trung bình; thường mọc lẫn Lim, Sến, Táu, Cà ổi, Vạng. Đôi khi gặp Trám trắng chiếm ưu thế cùng Sao mặt quỉ hoặc Lim. Độ cao phân bố của Trám trắng từ 150- 750 m trên mặt biển, nơi có lượng mưa 1500- 2000mm, trên các loại đất Feralít phát triển trên phiến thạch sét, phiến thạch mica và sa thạch có tầng đất dày, độ pH từ 4-5. Đất còn tính chất đất rừng. Ven sông suối, chân đồi, nơi ẩm Trám mọc nhanh và có kích thước lớn hơn nơi khô, độ dốc lớn. Trám mọc nhanh, khi non hơi ưa bóng, khi già ưa sáng hoàn toàn, tán cây thường vượt khỏi tán rừng.

Trước đây, người dân quan tâm nhiều đến gỗ trám, ít chú ý đến giá trị của nhựa. Gần đây do giá nhựa và quả tăng, khoảng 15.000 đ/1kg nhựa và 5.000-8.000 đ/1kg quả, nên nhiều nơi giá trị của nhựa và quả Trám được chú ý hơn là gỗ trám.

Muốn lấy nhựa phải chọn cây Trám có thân thẳng, tán rộng, cân đối, không sâu bệnh, đường kính tối thiểu 20-25cm trở lên. Dùng dao mở máng trên gốc cây, cách mặt đất khoảng 40-50cm; miệng máng rộng 5-6cm, sâu vào đến phần gỗ (1-2cm). Để nhựa chảy đều, không bị bết lại, ngừng chảy, khoảng 2-3 ngày người đi trích nhựa lại dùng dao khoét sâu xuống khoảng 2-3 mm. Khoảng 5- 7 ngày, người ta mới đi thu nhựa trám một lần. Cây Trám to, đ-ường kính 40- 50cm có thể mở 2-3 máng. Khi nạo đến sát đất thì mở máng khác. Chỉ sau một thời gian, cây lại sinh ra lớp vỏ mới, bịt kín máng cũ. Sau này tại đây có thể mở tiếp các máng mới. Một cây Trám có đường kính khoảng 30 cm, với 1 máng nhựa có thể thu được 2-3 kg nhựa trong một tháng. Theo kinh nghiệm của dân, cây Trám trích nhựa vẫn ra hoa kết quả bình thường. Nếu tính sơ bộ trồng Trám sau 8-10 năm với mật độ cây còn lại là 50 cây/ha; sau 8-10 năm có thể thu 20-25 kg quả/năm và 10-15 kg nhựa/năm. Tổng giá trị ước tính 3-3,7

triệu tiền quả và 2-3 triệu tiền nhựa. Tổng số là 5-6,7 triệu đồng/năm (Nguyễn Ngọc Bình, 2000). Nếu có điều kiện chăm bón, bảo vệ tốt và trồng với mật độ cao hơn có thể thu hoạch cao hơn nữa.

Hiện nay, nhựa Trám chủ yếu được dùng làm hương. Hai tỉnh dùng nhiều nhựa trám nhất là Thái Bình và Hải Dương. Ngoài ra nhựa trám có thể dùng làm trong công nghiệp xà phòng, mỹ phẩm, sơn tổng hợp. Trong 100 kg nhựa có thể lấy được 18-20 kg tinh dầu và 50-60 kg colophan.

Thành phần cấu tạo hóa học của nhựa Trám: Terpinen, Phellandren, Dipenten, rượu polyterpenic, Elemol. Colophan Trám là thế phẩm của colophan Thông. Sơn chế tạo với colophan trám có những tính năng tốt hơn sơn chế tạo với colophan thông. Yêu cầu chất lượng của colophan trám như sau:

- Tạp chất không tan trong cloroform: 0,5 - 1,0 % - Tro và bọt nước: 0%

- Nhiệt độ chảy mềm: 80-90 o C

- Mầu sắc: Vàng, vàng xám, không có mầu đen than trong 1cm3 colophan.

- Khối lượng riêng d20o:0,860 - 0,910 g/cm3 - Chỉ số chiết quang: 1,470 - 1,480

- Độ quay cực: - 45 đến – 65

Nhựa khi mới chích rất loãng, sau đặc dần do tinh dầu bay hơi và nhựa bị ôxy hóa, Tốc độ keo hóa phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường và thời gian bảo quản. Chất lượng nhựa còn phụ thuộc vào kĩ thuật chích và được phân thành 3 loại:

- Loại 1: Mặt nhựa còn ướt, mầu sắc tự nhiên, tạp chất 5-10% trọng lượng - Loại 2: Mặt nhựa dẻo, mầu sắc tự nhiên, tạp chất 11- 20%

- Loại 3: Mặt khô, tạp chất > 20%.

Trám là một cây dễ trồng. Trong khoảng 10 năm qua, ở Miền Bắc Việt nam, đã tiến hành trồng nhiều Trám trắng. Trám sinh trưởng tốt, cây 2 năm tuổi có đường kính gốc trung bình đạt: 1,79 cm và chiều cao vút ngọn đạt 3,1 m, chiều cao dưới cành đạt 2,17 m. Cần có một chương trình lớn để phát triển trồng Trám trắng ở các tỉnh phía Bắc vì ngoài giá trị làm gỗ lớn cho công nghiệp dán lạng, Trám còn cho quả để xuất khẩu và cho nhựa. Nhựa Trám sau này có thể phát triển mạnh để thay thế dần nhựa Thông, dùng trong các công nghiệp giấy và sơn.

Quả Trám dùng làm thực phẩm (luộc, muối hoặc ăn sống) hoặc dược liệu. Hạt dùng để ép dầu. Tập quán trồng Trám lấy quả đã có từ lâu đời, đến nay ở nhiều vùng tập quán này còn tồn tại, như Phong Châu, Cổ Loa, Diễn Châu.

Trám đen (Canarium pimela) cũng là cây cho quả thực phẩm. Cây gỗ lớn, cao tới 25-30 m, đường kính tới 90 cm. Thân thẳng, cụm hoa hình chuỳ, ra hoa tháng 4-5, quả chín tháng 10-12. Trám đen phân bố trong rừng nguyên sinh và thứ sinh ở hầu hết các tỉnh có rừng Miền Bắc ở độ cao 500 trở xuống. Trám đen ưa sáng, mọc nhanh. Gỗ mềm có thể dùng làm đồ mộc thông thường, bóc lạng. Quả dùng làm thực phẩm, nhân bánh, ô mai..., hạt ép dầu. Thành phần hoá học của nhân quả Trám đen: 77% nước, 2,5% protid, 10% lipid, 3,6% glucid, 4,9%

xenluloza, 2% tro, 140 mg canxi/100g, 30 mg Phot pho,14 mg vitamin C/100g quả tươi.

Một số loài cây dược liệu LSNG.

Dược liệu dưới tán rừng rất phong phú, Viện Dược liệu đã xác nhận 3200 loài thực vật bậc cao và bậc thấp được dùng làm thuốc. Nhiều vùng có số loài dùng làm thuốc và trữ lượng lớn, như :

- Gia Lai và Kontum: 921 loài . - Phú Yên, Khánh hòa: 782 loài .

- Quảng Nam , Đà nẵng: 735 loài .

- Nghĩa Bình: 866 loài . - Đăk Lăk: 777 loài .

- Lâm Đồng 715 loài .

Trong tài liệu này chỉ nêu một số loài cần được chú ý đặc biệt 1.23 Trầm hương

Trầm là nhựa thơm do cây Dó họ Thymeleaceae sinh ra trong những điều kiện đặc biệt. Theo các nhà thực vật học, ở Việt Nam đã thấy 3 loài cho trầm: Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte; A. banaensae Pham và A. baillonii Pierre ex Lecomte. Tuy nhiên, Trầm hương ở Việt Nam chủ yếu là lấy từ A. crassna. Khi nhựa tập trung thành khối tụ lại dưới gốc cây thành sản phẩm có màu đen nâu gọi là Kì nam. Nhựa tồn tại trong thớ gỗ là Trầm hương.

Hiện tại trầm được khai thác trong rừng tự nhiên. Công tác nghiên cứu trồng Dó lấy trầm và kĩ thuật tạo trầm còn đang được tiến hành. Dó trầm được thấy trong rừng tự nhiên mưa ẩm th-ường xanh ở tỉnh Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, nhưng tập trung ở rừng Miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận và cũng thấy có ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, đảo Phú Quốc. Dó Trầm có giá trị kinh tế cao nên bị săn lùng ráo riết, khối lượng khai thác được ngày càng giảm, có thể thấy rõ qua bảng thống kê dưới đây (theo Lương Văn Tiến).

Bảng 29: Khối lượng Trầm khai thác từ 1986-1990

TT Năm khai thác Khối lượng (tấn)

1 1986 78,5

2 1987 81,7

3 1988 45,4

4 1989 36,9

5 1990 20,0

Ngày nay nhiều địa phương đã trồng cây Dó để tạo Trầm như Quảng Nam đã trồng khoảng 800-1000 ha, Kontum, Kiên Giang, Hà Tĩnh,... Diện tích trồng Dó đã lên tới 3000 ha trong toàn quốc (theo Lương Văn Tiến ). Trầm rừng tự nhiên đã được đưa vào danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng, cấm khai thác.

Trầm là một sản phẩm đặc biệt, một thứ nhựa thơm được tạo thành trong thớ gỗ và tập trung vào lõi cây. Khi cây chết nhựa tập trung vào gốc cây thành khối. Khối nhựa cứng gần như thuần nhất mầu nâu đỏ gọi là “kì nam”. Nhựa trầm được dùng trong công nghệ nước hoa làm chất định hương. Trong y học Phương Đông nhựa trầm là một vị thuốc quí có tác dụng đối với nhiều thứ bệnh. Trầm hương, đặc biệt là kì nam, luôn đắt giá trên thị trường thế giới:

200 kg kì nam loại 1-3 trị giá 500.000 USD. (theo Lã Văn Mỡi, tài nguyên thực vật có Tinh dầu ở Việt Nam tập 1). Tinh dầu Trầm là một chất lỏng sánh, nhớt, có mầu vàng hoặc mầu hổ phách, mùi thơm dịu. Trong tinh dầu trầm có agarofuranoid, các sesquiterpenoid của nhóm

chất eudesman, eremophilan, valencan và vetíspiran. Tuy nhiên, cơ chế tạo trầm còn là vấn đề chưa rõ, có ý kiến cho rằng nhựa trầm là một thứ nhựa bệnh lý do cây sinh ra khi bị thương để chống lại tác động của vi sinh vật xâm nhập. Người ta đã phân lập được chủng nấm Aspergillus phoenicus Thom. và Penicillium citrinum Thom trong vết thương của trầm, cho rằng đó là tác nhân gây trầm. Cũng có thể nhựa không phải do cây Dó sinh ra, mà do một chủng nấm phát triển trong giá thể gỗ trầm và tiết ra nhựa. Vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu.

Ngày nay, cây Dó trầm (Aquilaria crassna) đã được trồng ở nhiều nơi, từ Bắc đến Nam, trên nhiều loại đất và điều kiện khí hậu khác nhau. Chưa có nghiên cứu đánh giá về kĩ thuật lâm sinh và, điều quan trọng nhất là chưa thể có kết luận về quá trình tạo trầm .