• Không có kết quả nào được tìm thấy

Bài học kinh nghiệm khi thiết lập và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ

CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ VÀ

1.4 Kinh nghiệm quốc tế về thiết lập và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ trong

1.4.2 Bài học kinh nghiệm khi thiết lập và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ

Qua nghiên cứu kinh nghiệm về xây dựng, vận hành hệ thống KSNB trong các doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - công ty con tại một số nước, có thể rút ra một số bài học sau cho các doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - công ty con ở Việt Nam:

Thứ nhất, về môi trường kiểm soát

Một là, quan điểm, nhận thức và trách nhiệm trong việc thiết lập và vận hành hệ thống KSNB của các nhà quản lý cấp cao trong doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà quản lý cấp cao của công ty mẹ có ý nghĩa quyết định tới chất lượng của hệ thống KSNB. Các nhà quản lý cấp cao tại mỗi TĐKT/tổng công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con cần xác định một triết lý kinh doanh phù hợp, tạo ra bản sắc văn hóa của doanh nghiệp, gắn kết các cá nhân trong doanh nghiệp làm việc với tinh thần trách nhiệm chung cho sự thành công của doanh nghiệp và hướng tới những giá trị mà xã hội tôn vinh. Các TĐKT Nhật Bản đã làm rất tốt điều này, nên cho dù các chính sách, thủ tục kiểm soát có thể còn có những khiếm khuyết thì các sai sót và gian lận cũng ít khi xảy ra. Ngoài ra, nhà nước cần ban hành văn bản pháp lý quy định trách nhiệm của các nhà quản lý cấp cao tại doanh nghiệp trong việc xây dựng và duy trì hệ thống KSNB và phải công bố kết quả đánh giá tính hữu hiệu của hệ thống KSNB như đối với các doanh nghiệp ở Mỹ.

Hai là, bố trí cơ cấu HĐQT hợp lý với những thành viên độc lập bên ngoài không tham gia điều hành để tạo lập một cơ chế kiểm soát khách quan và công bằng,

59

thành lập đầy đủ các ban tư vấn, giúp việc cho HĐQT của công ty mẹ, trong đó nên có các ban kiểm toán và ban quản lý rủi ro, những ban này có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của hệ thống KSNB trong doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động của HĐQT công ty mẹ trong việc định hướng chiến lược, quyết định các vấn đề lớn của tập đoàn, tổng công ty, cũng như chỉ đạo, giám sát ban điều hành sẽ giảm đi rất nhiều nếu chỉ sử dụng các phòng ban chức năng thuộc ban điều hành mà không có bộ máy giúp việc đầy đủ và độc lập.

Ba là, xây dựng chính sách nhân sự phù hợp với từng thời điểm và từng vị trí công việc cụ thể. Các doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - công ty con ở Việt Nam tùy theo điều kiện cụ thể có thể tham khảo chính sách nhân sự mở của các doanh nghiệp Mỹ, tuyển dụng những nhân viên có bằng cấp và chuyên môn làm việc được ngay cho vị trí yêu cầu, giảm thiểu chi phí đào tạo hoặc vận dụng chính sách nhân sự của các doanh nghiệp Nhật Bản, đó là quan tâm tới công tác đào tạo nâng cấp trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên, thực hiện đào tạo chéo trong nội bộ doanh nghiệp, luân chuyển nhân viên qua nhiều vị trí công tác để họ hiểu được quy trình chung và trách nhiệm về kết quả cuối cùng.

Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của ban kiểm soát trong hệ thống KSNB thông qua việc lựa chọn, bổ nhiệm những thành viên ban kiểm soát có trình độ chuyên môn về tài chính, kế toán, am hiểu ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp và đảm bảo tính độc lập với bộ máy quản lý điều hành. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự không hiệu quả trong hoạt động của ban kiểm soát trong các TĐKT, tổng công ty nhà nước ở Trung Quốc là phần lớn các thành viên trong ban kiểm soát kiêm nhiệm vị trí công tác tại các phòng ban chuyên môn của doanh nghiệp.

Năm là, công tác kế hoạch đóng vai trò quan trọng trong hệ thống KSNB, vì vậy cần phải lập kế hoạch đầy đủ cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Kế hoạch có ý nghĩa định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp, nhận diện các rủi ro có thể xảy ra và là cơ sở đo lường, đánh giá hiệu quả hoạt động SXKD của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - công ty con sẽ không hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững nếu nhà quản lý cấp cao chỉ quan tâm đến các kế hoạch ngắn hạn, gắn với nhiệm kỳ công tác như nhiều các DNNN ở Trung Quốc hiện nay.

Sáu là, môi trường kiểm soát bên ngoài có tác động rất lớn đến việc thiết kế và vận hành hệ thống KSNB của các doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - công ty con, đặc biệt là các TĐKT, tổng công ty nhà nước. Đối với các TĐKT, tổng công ty nhà nước sử dụng một lượng lớn tiền vốn, tài sản của nhà nước vào hoạt động SXKD, vì vậy rất cần có sự kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của một cơ quan quản lý cấp trên do nhà nước thành lập với những thẩm quyền đặc biệt.

60

Thứ hai, về hệ thống kế toán: Hệ thống kế toán tại các doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - công ty con được xây dựng trước hết phải tuân thủ các quy định các quy định của hệ thống pháp lý kế toán của mỗi quốc gia và có sự vận dụng linh hoạt phù hợp với điều kiện, đặc điểm và yêu cầu quản lý cụ thể của mỗi doanh nghiệp.

Thứ ba, về thủ tục kiểm soát: Có hai mô hình xây dựng các thủ tục kiểm soát mà các doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - công ty con có thể lựa chọn áp dụng.

Mô hình thứ nhất là các công ty trong tổ hợp doanh nghiệp tự xây dựng các thủ tục kiểm soát và điều hành hoạt động dựa trên cơ sở định hướng chiến lược và khuôn khổ chính sách do công ty mẹ ban hành. Mô hình này được áp dụng phổ biến. Mô hình thứ hai là công ty mẹ áp đặt các chính sách, thủ tục kiểm soát và cấu trúc tổ chức của mình lên toàn bộ các đơn vị trong tổ hợp doanh nghiệp. Các công ty con được coi như các bộ phận hoặc phòng ban của công ty mẹ và được kiểm soát thông qua chính sách, thủ tục kiểm soát của công ty mẹ.

Kết luận chương 1

Trong chương này luận án đã tập trung làm rõ lý luận cơ bản về hệ thống KSNB và hệ thống KSNB trong các doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên các khía cạnh sau:

- Kiểm soát là một chức năng không thể thiếu trong quá trình quản lý doanh nghiệp và có nhiều loại kiểm soát khác nhau tuỳ theo tiêu thức phân loại, trong đó KSNB là một trong các loại kiểm soát.

- Trình bày những vấn đề chung về KSNB và hệ thống KSNB, trong đó làm rõ những sự khác biệt cơ bản giữa khái niệm KSNB và khái niệm hệ thống KSNB, nội dung của các bộ phận cấu thành hệ thống KSNB, và mối quan hệ giữa hệ thống KSNB với quản trị rủi ro doanh nghiệp.

- Khái quát chung về doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - công ty con, từ đó tập trung làm rõ những đặc điểm cơ bản của hệ thống KSNB trong các doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

- Đề cập đến hệ thống KSNB trong các doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - công ty con ở một số quốc gia từ đó rút ra bài học kinh nghiệm vận dụng cho các doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - công ty con ở Việt Nam.

Việc phát triển, cụ thể hóa lý luận về hệ thống KSNB và nghiên cứu, trình bày đặc điểm hệ thống KSNB trong các doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - công ty con cũng như tổng kết kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới là tiền đề để khảo sát, đánh giá các bộ phận cấu thành hệ thống KSNB tại các doanh nghiệp trong Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị.

61