• Không có kết quả nào được tìm thấy

THỰC TRẠNG HỆ THỐNG CHỈ TIÊU GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG TÀI

Có thể nói thuật ngữ giám sát hoạt động tài chính ở Việt Nam là rất mới và cũng chỉ bắt đầu ở hai khu vực: tài chính vĩ mô (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) và chủ yếu là giám sát hoạt động tài chính dựa trên việc phân tích các chỉ tiêu tài chính.

Trước tình hình đổi mới, Đảng và Chính phủ đã giao cho BQP triển khai công tác xây dựng một số công trình trọng điểm an ninh quốc phòng. Bên cạnh những công việc mang tính chính trị, công ích, Quân ủy trung ương và BQP cũng đã xây dựng được những mô hình công ty, tổng công ty xây dựng vừa thực hiện mục tiêu chính trị, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu cao, vừa thực hiện mục tiêu kinh tế.

Các mục tiêu giám sát hoạt động tài chính đối với những công ty xây dựng thuộc BQP chủ yếu là giám sát vốn của nhà nước dựa vào các quy định hiện có và kinh nghiệm của lãnh đạo, kết hợp với các quy định của nhà nước.

Giám sát hoạt động tài chính của các công ty xây dựng thuộc BQP thực

chất là giám sát của chủ sở hữu Nhà nước ở đây là BQP đối với các hoạt động tài chính của công ty. Giám sát hoạt động tài chính của công ty là giám sát đầu vào và đầu ra của các hoạt động tài chính cũng như mức độ rủi ro đối với hoạt động tài chính của công ty. Đầu vào của hoạt động tài chính là hoạt động tạo lập vốn và huy động vốn. Đầu ra của hoạt động tài chính là hoạt động sử dụng, đầu tư vốn và phân phối lợi nhuận sau thuế.

Hiện nay cũng giống như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước khác, giám sát hoạt động tài chính của các công ty xây dựng thuộc BQP nhằm nắm bắt kịp thời tình hình và hiệu quả hoạt động, sự tuân thủ các quy định của Nhà nước và của chính các công ty để: (i) kịp thời đề xuất các biện pháp nhằm khắc phục tồn tại, vi phạm, rủi ro trong hoạt động kinh doanh; (ii) đưa ra các quyết định quản lý, điều hành, các biện pháp xử lý hoặc kiến nghị với chủ sở hữu; (iii) đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của các công ty xây dựng nhằm sử dụng vốn có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại các công ty xây dựng thuộc BQP; (iv) có các hình thức khen thưởng hoặc xử lý kịp thời đối với người được cử quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các công ty này.

2.2.1. Thực trạng về chỉ tiêu giám sát hoàn thành kế hoạch Hàng năm, các công ty xây dựng thuộc BQP có lập kế hoạch:

- Doanh thu và thu nhập khác: chỉ tiêu này dùng để phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bản chất của hiệu quả kinh doanh là tỷ số giữa kết quả thu về như doanh thu, lợi nhuận… so với các yếu tố bỏ ra như tài sản, vốn chủ sở hữu…, thay vì chỉ đơn thuần so sánh giữa thực hiện với kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, hiện nay để đánh giá hoạt động sử dụng vốn thì các công ty xây dựng chỉ đơn thuần so sánh giữa doanh thu thực hiện với kế hoạch đặt ra và với kỳ báo cáo.

- Chỉ tiêu lợi nhuận thực hiện: cũng giống như chỉ tiêu doanh thu và thu nhập khác, các công ty xây dựng thuộc BQP hiện nay cũng chỉ đơn thuần so sánh giữa lợi nhuận thực hiện với kế hoạch đặt ra và với các năm trước.

2.2.2. Hệ thống chỉ tiêu giám sát huy động và sử dụng vốn

Hiện nay Nhà nước cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước nói chung và các doanh nghiệp xây dựng thuộc BQP nói riêng được tự chủ động, linh hoạt trong quá trình huy động vốn nhưng không được phép làm thay đổi hình thức sở hữu. Các công ty xây dựng thuộc BQP có thể huy động vốn để kinh doanh dưới hình thức phát hành trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu công ty; vay vốn các tổ chức ngân hàng, tín dụng và các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài công ty; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật. Việc huy động vốn để kinh doanh thực hiện theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm hoàn trả, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn huy động, không được làm thay đổi hình thức sở hữu công ty. Ngoài ra, các doanh nghiệp xây dựng thuộc BQP còn được khuyến khích nâng cao khả năng tích tụ vốn, đầu tư từ chính kết quả hoạt động của mình.

Mục tiêu của công tác huy động vốn là không ngừng mở rộng quy mô vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của công ty - một tiền đề cơ bản để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Về công tác giám sát hoạt động huy động vốn. Mặc dù hoạt động huy động vốn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo vốn đầy đủ cho công ty hoạt động, nhưng việc giám sát hoạt động huy động vốn của các công ty xây dựng thuộc BQP vẫn đang bị buông lỏng.

Chỉ tiêu giám sát hoạt động này hiện nay gồm: nợ phải trả quá hạn.

Nợ phải trả quá hạn là các khoản nợ đã quá thời hạn cam kết thanh toán cho các chủ nợ. Việc xác định nợ phải trả quá hạn căn cứ vào thời hạn thanh toán ghi trên khế ước vay nợ, hợp đồng kinh tế hoặc các chứng từ cam kết khác so với số ngày thực tế chậm trả.

Bên cạnh đó, chủ thể sở hữu vốn cũng chưa thực hiện việc kiểm soát cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu đầu tư vốn của các công ty xây dựng trong quá trình hoạt động để đánh giá hiệu quả đầu tư vốn của các công ty xây dựng.

Giám sát hoạt động sử dụng vốn, đầu tư vốn

Hoạt động sử dụng vốn, đầu vốn của các công ty xây dựng chủ yếu là đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính của các công ty. Hiện nay, để đánh giá tình hình sử dụng vốn, các công ty xây dựng thuộc BQP sử dụng hai chỉ tiêu phi tài chính còn lại theo yêu cầu của Nghị định số 61/2013/NĐ-CP bao gồm:

- Tình hình chấp hành các quy định pháp luật hiện hành ; - Tình hình thực hiện sản phẩm công ích.

Đây là những chỉ tiêu phi tài chính, được thiết lập với mục đích đảm bảo doanh nghiệp cân bằng giữa các mục tiêu lợi nhuận và nghĩa vụ xã hội. Chỉ tiêu này giúp đánh giá doanh nghiệp toàn diện hơn, trên cả các khía cạnh về lợi nhuận, hiệu quả tài chính, tuân thủ pháp luật, quy định nhà nước và các nghĩa vụ công ích, phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, để giám sát hoạt động sử dụng vốn, đầu vốn của doanh nghiệp, thì các chỉ tiêu trên chưa phản ánh được hết hoạt động sử dụng vốn của công ty trong thời gian qua như thế nào, có cần phải cảnh báo gì không.

2.2.3. Thực trạng về chỉ tiêu giám sát hiệu quả sử dụng vốn

Để thực hiện giám sát hoạt động sử dụng vốn, các công ty xây dựng thực hiện đánh giá theo các chỉ tiêu như Thông tư số 158/2013/TT-BTC của BTC, bao gồm các chỉ tiêu: tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn chủ sở hữu, trong đó tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn chủ sở hữu (ROE) được tính bằng: Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu bình quân.

Tuy nhiên trên thực tế, để phân tích chỉ số này người ta có thể phát triển thành rất nhiều các chỉ số tài chính khác nhau để tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của việc ROE tăng hoặc giảm trong kỳ.

Ta có thể xem xét các chỉ tiêu ROE của các công ty xây dựng thuộc BQP thông qua bảng sau:

Bảng 2.12: ROE của các công ty xây dựng thuộc Bộ Quốc phòng

Tên công ty NĂM 2012 NĂM 2013 NĂM 2014

Tổng công ty Lũng Lô 29,75% 20,42% 24,04%

Tổng công ty 36 11,10% 12,23% 14,06%

Tổng công ty 789 14,83% 11,84% 14,46%

Tổng công ty 319 9,70% 15,40% 20,47%

CT TNHH MTV Hàng không ACC 28,17% 10,11% 10,43%

Nguồn: Tác giả tự tính toán [2], [3], [4]

Nhìn vào chỉ tiêu ROE, ta thấy tỷ suất sinh lời vốn chủ sở hữu của các công ty xây dựng thuộc BQP đạt được khá cao, nhất là trong điều kiện nền kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên nếu chỉ nhìn vào chỉ tiêu ROE để giám sát hiệu quả sử dụng vốn của công ty xây dựng thì chưa thật đầy đủ, chưa đưa lại điều gì cho chủ sở hữu. Vì chỉ tiêu ROE chịu ảnh hưởng tổng hợp của nhiều yếu tố, không chỉ đơn giản là phụ thuộc vào lợi nhuận sau thuế và vốn chủ sở hữu bình quân.

2.2.4. Chỉ tiêu giám sát hoạt động phân phối lợi nhuận sau thuế

Hoạt động phân phối lợi nhuận được giao toàn quyền lại cho doanh nghiệp. Hàng năm, doanh nghiệp báo cáo tình hình phân phối lợi nhuận sau thuế lên Cục Tài chính BQP. Về nguyên tắc, lợi nhuận thực hiện của DNNN sau khi hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước, được phân phối và trích lập các quỹ theo quy định và theo quy định hiện hành của Nhà nước về phân phối kết quả sản xuất kinh doanh của các DNNN thì không có quy định về việc phải trích nộp các khoản thu điều tiết, nhưng thực tế DN XDQP đang thực hiện trích nộp một số khoản thu điều tiết về cơ quan chủ quản và hạch toán ghi giảm số lợi nhuận sau thuế sau đó mới thực hiện phân phối kết quả lợi nhuận. Như vậy, việc phải trích nộp các khoản thu điều tiết đã trực tiếp ảnh hưởng đến tỷ lệ phân phối lợi nhuận để trích lập các quỹ của DN XDQP. Vấn đề này cũng trực tiếp ảnh hưởng đến sự tăng trưởng các Quỹ của doanh nghiệp và gián tiếp ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của các DN XDQP.

Mặc dù hoạt động phân phối lợi nhuận sau thuế hiện nay rất quan trọng nhưng vẫn chưa có bộ chỉ tiêu nào để thực hiện giám sát việc phân phối lợi nhuận sau thuế.

2.2.5. Chỉ tiêu giám sát khả năng trả nợ

Khả năng thanh toán nợ đến hạn: khả năng thanh toán nợ đến hạn của doanh nghiệp là khả năng thanh toán hiện thời được xác định bằng tỷ lệ giữa tài sản ngắn hạn hiện có so với nợ ngắn hạn. Chỉ tiêu này cho biết giá trị tổng tài sản ngắn hạn bao gồm tiền mặt, các khoản phải thu, hàng tồn kho, tiền gửi tiết kiệm và tài sản ngắn hạn khác có đủ để chi trả cho các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp không.

Bảng 2.13: Tình hình khả năng thanh toán nợ đến hạn của 5 công ty Tên công ty 31/12/2011 31/12/2012 31/12/2013 31/12/2014

Tổng công ty Lũng Lô 0,99 1,09 1,04 1,04

Tổng công ty 36 1,20 1,14 1,18 1,13

Tổng công ty 789 1,01 1,07 1,17 1,04

Tổng công ty 319 1,07 1,01 1,06 1,05

CT TNHH MTV Hàng không ACC 1,04 1,1 1,1 1,1

Nguồn: Tác giả tự tính toán theo báo cáo tài chính của các công ty [1], [2], [3], [4]

Nếu chỉ nhìn vào chỉ tiêu này ta thấy, các chỉ tiêu đều lớn hơn 1, thể hiện các công ty đều có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn. Tuy nhiên với đặc thù là công ty xây dựng, hàng tồn kho và các khoản phải thu chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng tài sản ngắn hạn nên nếu chỉ nhìn vào chỉ tiêu này để đánh giá khả năng thanh toán của công ty thì sẽ sai lầm.

Thực tế các công ty xây dựng thuộc BQP hiện nay cũng có đánh giá ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài tác động đến tình hình tài chính của công ty, như: rủi ro kinh tế, rủi ro luật pháp, rủi ro biến động giá, rủi ro lãi suất, rủi ro đặc thù ngành… Tuy nhiên khi giám sát rủi ro tài chính, chủ sở hữu cũng như các công ty không sử dụng các chỉ tiêu tài chính nào nên không có căn cứ cụ thể để đánh giá tình hình rủi ro tài chính cũng như giám sát rủi ro tài chính để cảnh báo cho các doanh nghiệp.

2.2.6. Thực trạng về chỉ tiêu giám sát sử dụng chi phí

Với đặc thù của doanh nghiệp xây dựng, chi phí chiếm phần lớn trong tổng doanh thu của doanh nghiệp. Việc giám sát sử dụng chi phí trong doanh nghiệp là rất quan trọng, nó ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của công ty. Nếu việc sử dụng chi phí lãng phí thì sẽ làm giảm lợi nhuận, còn ngược lại giám sát sử dụng chi phí hợp lý sẽ góp phần làm tăng lợi nhuận của công ty. Tuy nhiên, hiện nay ở các công ty xây dựng thuộc BQP, việc giám sát sử dụng chi phí vẫn chưa được quan tâm nhiều. Các chỉ tiêu giám sát mới chỉ dừng lại ở việc so sánh giữa thực hiện với báo cáo. Đặc trưng của các công ty xây dựng là các công trình thi công có sự khác biệt nhau rất lớn (về quy mô, địa điểm, địa hình…) nên chi phí của từng công trình sẽ có sự khác biệt. Do vậy cần phải có hệ thống chỉ tiêu giám sát phù hợp.

2.3. ĐÁNH GIÁ HỆ THỐNG CHỈ TIÊU GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG TÀI