• Không có kết quả nào được tìm thấy

QUỐC LỘ 3 THỜI PHÁP THUỘC (1897 - 1945)

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "QUỐC LỘ 3 THỜI PHÁP THUỘC (1897 - 1945) "

Copied!
6
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

QUỐC LỘ 3 THỜI PHÁP THUỘC (1897 - 1945)

Nguyễn Thị Hòa* Trường Đại học Sư phạm – ĐH Thái Nguyên

TÓM TẮT

Quốc lộ 3 (hay đường 3) bắt đầu từ Hà Nội, chạy qua Thái Nguyên và Bắc Kạn lên Cao Bằng.

Đường 3 có vai trò quan trọng trong hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của khu vực Đông Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Quốc lộ 3 thời thuộc Pháp (1897 - 1945) được gọi là đường thuộc địa số 3 (Route coloniale No3) – Một trong những tuyến đường thuộc địa Pháp mở nhằm phục vụ mục đích cai trị và khai thác thuộc địa Việt Nam. Trên cơ sở tuyến đường từ kinh thành Thăng Long tới châu Quảng Uyên (Cao Bằng) đã có từ các triều đại phong kiến Việt Nam, Pháp mở rộng, nâng cấp chất lượng tuyến đường thành đường thuộc địa. Đường thuộc địa số 3 được Pháp cải tạo, duy tu và xây dựng từ cuối thế kỉ XIX. Từ năm 1912, được sự đầu tư của ngân sách Đông Dương của Pháp, đường thuộc địa số 3 nhanh chóng được mở rộng và trải nhựa. Tuyến đường đảm bảo cho các hoạt động giao thông vận tải trong khu vực chạy qua và kết nối với các tuyến đường khác ở khu vực Đông Bắc, các khu vực khác trên cả nước qua trung tâm Hà Nội có vai trò và tác động hai mặt đối với nước ta và Pháp.

Từ khóa:Quốc lộ 3, đường thuộc địa số 3, Hà Nội – Cao Bằng, Pháp thuộc, 1897-1945

MỞ ĐẦU*

Sau gần 30 năm chiến tranh, với Hiệp ước Pa- tơ-nốt (1884), thực dân Pháp đã buộc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng và thừa nhận nền bảo hộ của chúng ở Việt Nam. Trước sự kháng cự quyết liệt của nhân dân ta, phải đến năm 1897, Pháp mới cơ bản hoàn thành công cuộc bình định nước ta về quân sự. Từ đây, thực dân Pháp nhanh chóng và thực sự bắt tay vào tổ chức việc cai trị, khai thác thuộc địa Đông Dương. Trong mục tiêu xâm lược của thực dân Pháp, Việt Nam không chỉ là một thuộc địa béo bở vào hạng nhất ở Đông Nam Á, mà còn là một bàn đạp để xâm nhập Trung Quốc và thôn tính Đông Dương và tiến xa hơn để thiết lập một vùng thuộc địa rộng lớn trên bán đảo Trung - Ấn. Bởi vậy, sau khi chiếm Bắc Kỳ, thực dân Pháp đã nhanh chóng thực hiện kế hoạch bình định cấp tốc vùng trung du và thượng du Bắc Kỳ, sau khi bình định xong thì lại nhanh chóng thực hiện song song việc khai thác thuộc địa, vơ vét tài nguyên với việc tìm cách tiến sát Trung Quốc.

Để phục vụ cho công cuộc bình định và khai thác thuộc địa của mình, bên cạnh hệ thống giao thông đường sắt, đường thủy, Pháp xây dựng hệ thống đường bộ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, khai thác tài nguyên và

*Tel: 0973 748369, Email: hoakhoasu@dhsptn.edu.vn

việc phục vụ các loại xe tiếp tế lương thực, đạn dược cho quân đội, trại lính nằm phân tán trên toàn lãnh thổ; cơ động di chuyển quân đối phó với các cuộc nổi dậy, kiểm soát an ninh.

Việc nghiên cứu quá trình xây dựng và hoạt động trên tuyến đường cũng như vai trò, tác động của nó không chỉ có ý nghĩa làm rõ thêm lịch sử dân tộc thời thuộc Pháp, ý nghĩa giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương đất nước mà còn rút ra được những bài học cho việc phát triển và quản lý giao thông vận tải hiện nay.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Chúng tôi tiếp cận vấn đề trên hai góc độ là tiếp cận tổng thể và tiếp cận vùng; với phương pháp lịch sử, phương pháp logic và các phương pháp khác: Tổng hợp, phân tích, so sánh…

Chúng tôi sử dụng phương pháp lịch sử để thu thập tài liệu, trên cơ sở đó phục dựng lại quá trình xây dựng và khai thác tuyến đường một cách toàn diện, chi tiết cụ thể.

Phương pháp logic được sử dụng để làm rõ bản chất, âm mưu của thực dân Pháp trong việc phát triển hệ thống giao thông nói chung và đường thuộc địa số 3 nói riêng; vai trò và tác động của tuyến đường đó với Pháp và Việt Nam.

Nguồn tài liệu là các công trình nghiên cứu đã

(2)

xuất bản (sách, báo, tạp chí, luận văn, luận án, đề tài), đặc biệt là nguồn tài liệu tiếng Pháp lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

Chủ trương mở đường thuộc địa số 3 của Pháp Mục đích mở đường

Xuất phát từ mục tiêu thực hiện chương trình hoạt động do Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer gửi cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp (22/3/1897) là “…Cung cấp cho Đông Dương các công cụ phát triển kinh tế, các hệ thống đường sắt, đường bộ, đường thủy và cảng để phát huy giá trị của xứ này;..Hoàn thành công cuộc bình định Bắc Kỳ, bảo đảm hòa bình và sự ổn định trên các tuyến biên giới của vùng này;…Mở rộng ảnh hưởng của Pháp, phát triển các lợi ích của Pháp tại Viễn Đông, nhất là tại các quốc gia láng giềng với thuộc địa.” [3, tr.486 - 487], thực dân Pháp đã ưu tiên đầu tư lớn cho giao thông vận tải ngay trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914). Bên cạnh hệ thống giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ được chú trọng. Trong hệ thống giao thông đường bộ Pháp mở, quan trọng nhất là các đường thuộc địa, trong đó có đường thuộc địa số 3.

Đường thuộc địa số 3 nằm trong hệ thống giao thông đường bộ vùng Đông Bắc Việt Nam, thuộc phạm vi các tỉnh Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng. Phong trào đấu tranh của đồng bào nhân dân các tỉnh trung du miền núi Đông Bắc, đặc biệt là trên địa bàn đường 3 đặt ra cho Pháp yêu cầu đưa quân đội dập tắt các cuộc đấu tranh, thiết lập bộ máy cai trị chặt chẽ. Trong khi đó, Pháp gặp khó khăn trong việc di chuyển vì đây là địa bàn rừng núi, đèo cao, đường sá nhỏ hẹp, bị cắt ngang bởi nhiều sông suối. Bởi vậy, Pháp buộc phải chú trọng đầu tư mở đường, cải tạo giao thông vận tải ở đây.

Đường thuộc địa số 3 được ví như một cánh tay của người Pháp cùng với đường thuộc địa số 1, số 2 vươn từ Hà Nội lên phía Bắc Việt Nam kết hợp với đường thuộc địa số 4 (chạy dọc biên giới Việt – Trung) giúp Pháp kiểm soát toàn bộ vùng này và biên giới Đông Bắc Việt Nam.

Cùng với mục tiêu chính trị, quân sự như trên, Pháp mở đường thuộc địa số 3 nhằm khai thác, vơ vét nguồn tài nguyên phong phú của các tỉnh như mỏ kẽm Lang Hít, mỏ than Phấn Mễ, mỏ sắt ở huyện Phổ Yên, Đồng Hỷ, Phú Lương (Thái Nguyên); mỏ thiếc Tĩnh Túc, mỏ vàng ở Bảo Lạc (Cao Bằng); mỏ kẽm Chợ Điền (Bắc Kạn)…

Về kinh phí mở đường

Trước 1912, việc xây dựng đường sá được tiến hành trong các xứ, đáp ứng yêu cầu lợi ích của xứ và do ngân sách các xứ đài thọ.

Theo Sắc lệnh ngày 23/12/1907 của Toàn quyền Đông Dương, đường bộ chia thành quốc lộ, tỉnh lộ và đường hẹp/đường mòn.

Trong đó, đường số 3 được xếp hạng đường quốc lộ, thuộc quản lý của xứ Bắc Kỳ và được xây dựng, bảo dưỡng bằng ngân sách xứ Bắc Kỳ.

Từ năm 1912, Toàn quyền Đông Dương A.

Sarraut đã đề xuất chủ trương phát triển hệ thống giao thông đường bộ nối liền các xứ của Liên bang. Đường số 3 là đường thuộc địa, ngân sách duy tu, bảo trì đường là lấy từ ngân sách chung của Liên bang. Tuy nhiên, sự chi trả được thực hiện theo nguyên tắc:

Ngân sách Đông Dương đài thọ chi phí hình thành những trục chính của hệ thống đường bộ, sau đó các tỉnh, nơi có tuyến đường đi qua sẽ đài thọ những chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng.

Về quy trình cấp kinh phí, qua nghiên cứu các Hồ sơ lưu trữ ở Trung tâm lưu trữ quốc gia I chúng tôi thấy quy trình như sau: Hàng năm các tỉnh, xứ phải xây dựng bản kế hoạch xây dựng mới, duy tu, bảo trì đường sá chi tiết, trong đó có đề xuất mức kinh phí và nguồn cung cấp trình lên Khu Công chính Bắc Kỳ, Nha Công chính Đông Dương sau đó là được Thống sứ Bắc Kỳ, cuối cùng là Toàn quyền Đông Dương phê duyệt thì khoản tiền đó được đưa vào sự toán ngân sách năm của xứ, dự toán ngân sách năm của Liên bang và theo đó thực hiện. Các công trình, đoạn đường được đầu tư được tạo thành các gói thầu và kêu gọi đấu thầu.

Theo báo cáo ngày 31/1/1912 của Kỹ sư trưởng phân khu công chính thượng du Bắc

(3)

Kỳ gửi thống sứ Bắc Kỳ về đoạn đường từ Đông Anh tới Thái Nguyên và tới Bắc Kạn (Kỹ sư trưởng công chính Bắc Kỳ đồng ý ngày 3/2/1912), số chi phí của các năm 1909, 1910 và 1911 dành cho việc trải đường và bảo trì tuyến đường Đông Anh – Hà Nội là tới mức 36160 đồng. Tuyến đường từ Thái Nguyên tới Chợ Mới và tới Bắc Kạn được mở bởi các nhà quân sự (Đạo quan binh số 2), từ 1896 tới 1899, bằng nguồn trợ cấp trích ra từ nguồn vốn vay 80 triệu. Trong 3 năm 1909 – 1911, các khoản chi phí được thực hiện trên các nguồn của ngân sách Xứ đã tăng lên, tổng chi phí khoảng 700.000 franc [5].

Về cơ quan thực hiện, quản lý và nhân công Đường thuộc địa số 3 nằm trong phạm vi quản hạt của Khu Công chính Bắc Kỳ. Khu công chính có nhiệm vụ thiết kế, thi công, cải tạo và bảo quản đường thuộc địa, thuộc xứ, thuộc tỉnh và thực hiện, quản lý việc lưu thông phương tiện vận tải theo thể lệ chung.

Từ năm 1897, Khu Công chính Bắc Kỳ đã tiến hành khảo sát con đường độc đạo phía Đông Bắc, nối liền Thăng Long với châu Quảng Uyên, từ đó thiết kế lộ trình cải tạo, duy tu và xây mới các hạng mục cho tuyến đường. Khu công chính Bắc Kỳ giao trách nhiệm phụ trách xây dựng đường thuộc địa số 3 cho kĩ sư trưởng người Pháp là Henri David. Henri David trực tiếp chỉ đạo Phân khu công chính thượng du Bắc Kỳ thực hiện.

Về nhân công làm đường, nhân công làm đường thời Pháp thuộc nói chung và làm đường thuộc địa số 3 nói riêng bao gồm có lực lượng tù nhân, lực lượng binh lính, cu li và dân phu.

Lực lượng tù nhân là lao động khổ sai, thường lao động công việc nặng ở những đoạn đường khó khăn nhất, nguy hiểm nhất.

Lực lượng này do Thống sứ Bắc Kỳ quyết định đưa tới và số lượng. Nguồn nhân lực binh lính xây dựng đường thuộc địa số 3 huy động từ binh lính của các tiểu đoàn quân bản xứ. Tính riêng tỉnh Thái Nguyên đã bố trí 3200 ngày quân công trợ cấp để xây dựng đường, tức trung bình khoảng 42 ngày công cho 1 km đường. Về lực lượng cu li, tuyển dụng cu li hết sức khó khăn vì lực lượng lao

động khỏe mạnh đã đi làm công trong các hầm mỏ, nhà máy. Số lao động còn lại là yếu, bị sa thải lại không biết việc. Về dân phu, Pháp đã huy động nhiều sức lao động của nhân dân; giao cho các sở công chính Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng huy động dân phu để thực hiện công tác mở rộng lòng đường và vận chuyển nguyên vật liệu tới vị trí xây dựng.

Hoạt động xây dựng, duy tu, bảo trì đường thuộc địa số 3

Từ cuối thế kỉ XIX, đường thuộc địa số 3 bắt đầu được cải tạo, mở rộng trên cơ sở tuyến đường có từ trước nối liền Thăng Long và châu Quảng Uyên. Theo báo cáo của Kỹ sư công chính Bắc Kỳ gửi Thống sứ về tình trạng khả năng giao thông đường từ Đông Anh – Bắc Kạn: Đoạn đường từ Đông Anh lên Thái Nguyên được xây dựng từ khoảng năm 1892, không hề có vai trò của cơ quan kỹ thuật, trừ 5km cuối cùng gần Thái Nguyên đã được làm năm 1889 bởi chỉ huy công trường hàng tỉnh [5].

Năm 1896 – 1897, Pháp bắt đầu cho lập những cây cầu hơn 3m nhưng là cầu tạm bợ bằng gỗ hoặc tre.

Đến năm 1901, khi cơ quan Công chính tiếp nhận việc làm đường, toàn bộ chiều dài tuyến đường không có đoạn nào được trải đá. Đoạn từ Thái Nguyên tới Chợ Mới và tới Bắc Kạn bề ngang của mặt đường có chỗ nhỏ hơn 2m;

có chỗ bán kính là nhỏ hơn 5m và những chỗ dốc hơn 10%; phần lớn những công trình nhỏ (cầu cống) được đặt trong các chỗ cua với bán kính nhỏ. Năm 1903 và năm 1904, 1 số cây cầu lớn trên sông Cà Lồ, ở Phù Lỗ và trên sông Công tại Đa Phúc được xây dựng. Việc xây dựng những công trình nhỏ (cống, ống) được tiếp tục trong những năm 1904, 1905 và hoàn thành năm 1906. Năm 1907 việc trải đá được bắt đầu từ ga Đông Anh. Trên hành trình thuộc tỉnh Thái Nguyên từ km 40 đến km 66, việc trải đường đã được bắt đầu từ cuối năm 1909 và được tiếp tục vào năm 1910 và 1911. Ttừ năm 1912, khi có chương trình mở đường thuộc địa đầu tư bằng ngân sách Đông Dương thì số lượng, tốc độ, quy mô của các công trình, hạng mục thi công, cải tạo

(4)

đường số 3 tăng nhanh chóng. Thống kê theo các hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, trước năm 1912 có 21 hoạt động xây dựng, sửa chữa/23 năm, trung bình là mỗi năm 0,9 hoạt động; từ năm 1912 trở đi có 39 hoạt động xây dựng, sửa chữa /19 năm, trung bình 2,1 hoạt động/năm.

Khác với đường sá ở khu vực đồng bằng, do địa hình miền núi và do tiết kiệm nên chiều rộng nền đường thu hẹp chỉ còn 3,5 - 4m thay vì 5 - 6m như thường lệ; cá biệt ở một số đoạn cua, đèo dốc, độ rộng nền đường giảm xuống còn 3m đến cận 4m. Mặt đường thường là mặt đường rải đá dăm, khối lượng đá dăm rải trung bình từ 400m3 đến 600m3. Về thông số của các cây cầu: Trên đường thuộc địa số 3, cầu làm cho một làn xe chạy, gồm có lòng đường rộng từ 2,5 tới 3m, hai bên đường dành cho người đi bộ rộng từ 50cm tới 75cm.

Hoạt động giao thông vận tải trên đường thuộc địa số 3

Phương tiện giao thông vận tải

Cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, trên cả nước nói chung và trên quốc lộ 3 nói riêng, về cơ bản nhân dân ta vẫn giữ các phương tiện đi lại, vận tải truyền thống từ các triều đại phong kiến, chủ yếu là quang gánh hoặc dùng sức người không, gánh vác, đội, địu, kéo…; sau đó là sử dụng súc vật (trâu, bò, ngựa) để kéo, chuyên chở. Khi đường thuộc địa số 3 ngày càng được xây dựng hoàn thiện, mở rộng, duy tu thường xuyên thì cũng dần xuất hiện các phương tiện như xe đạp, xe tay, xe ba gác, đặc biệt phải kể đến là sự xuất hiện của ôtô.

Dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa Cùng với sự tăng lên về số lượng ôtô và nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân, các công ty vận tải ôtô và các hãng hãng vận tải ô tô công cộng xuất hiện nhanh chóng hoạt động trên tuyến đường số 3. Trong đó gồm các hãng xe chạy định kỳ, một số được chính phủ trợ cấp để chuyển thư báo, hoạt động phục vụ các điểm dân cư quan trọng nhưng nằm xa đường sắt. Chất lượng xe và chất lượng phục vụ ngày càng nâng cao do sự cạnh tranh giữa các hãng vận tải.

Việc vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường thuộc địa số 3 cũng như ở các tuyến đường khác, Pháp chia thành các gói thầu gọi thầu. Trong các hợp đồng giao và nhận thầu, Pháp quy định chi tiết về vận chuyển bắt buộc, vận chuyển không bắt buộc, tuyến và dịch vụ doanh nghiệp phải phục vụ, giờ và thời hạn vận chuyển, giá cả, tiền thưởng/bảo hiểm, các trường hợp bất khả kháng, khoảng cách, bắt buộc đối với nhà thầu về vật chất phục vụ vận chuyển, kiểm tra vật liệu/thiết bị, các trạm nghỉ, dịch vụ thư tín, vận chuyển tiền mặt, Vận chuyển hàng hóa, chỗ ở của nhà thầu, quy định thanh toán các khoản tiền đến hạn và hình phạt khi vi phạm hợp đồng (Xem chi tiết ở Phụ lục). Đặc biệt, để dịch vụ phục vụ hiệu quả cho cả người Pháp và người Việt, Pháp quy định mỗi xe ôtô phải được tháp tùng từ 1 người Âu hoặc một người bản xứ có chữ, biết đọc, biết viết và nói tiếng Pháp và có thể đưa ra việc xuất các thư tín, vật liệu… được giao cho người đó.

Ngoài các xe của công ty, cá nhân trúng thầu các gói dịch vụ, các phương tiện ô tô cá nhân muốn lưu thông kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên tuyến đường phải có đơn đăng kí và được Thống sứ Bắc Kỳ ra quyết định cho phép mới được hoạt động.

Ngày 2/12/1921, Thống sứ Bắc Kỳ quyết định đưa vào lưu hành xe hơi phục vụ vận tải công cộng giữa Thái Nguyên-Đông Anh và Thái Nguyên - Bắc Kạn theo đề nghị của ông Trần Quang Bình ở Thái Nguyên [6]. Ngày 30/8/1921, Thống sứ Vongvillot quyết định đưa vào lưu hành xe hơi phục vụ vận tải công cộng giữa Thái Nguyên – Bắc Kạn và Thái Nguyên – Chợ Chu theo nguyện vọng của ông Đào Trọng Cam sống tại Thái Nguyên [7]…

Trong các quyết định quy định rất rõ về đặc điểm xe, hành trình, tốc độ, số người cùng hành lý và số trọng tải hàng hóa tối đa được chuyên chở.

Trong thời gian đầu mới cải tạo, mở đường, hành khách di chuyển rất ít, số lượng xe khách hạn chế. Việc vận chuyển chủ yếu phục vụ các mục đích quân sự, chính trị, đi lại của người Pháp và khai thác khoáng sản là chủ yếu; sau đó có thêm dịch vụ vận chuyển hàng hóa.

(5)

Một vài nhận xét

Đường thuộc địa số 3 được Pháp cải tạo, duy tu và xây dựng từ cuối thế kỉ XIX. Từ năm 1912, được sự đầu tư của ngân sách Đông Dương của Pháp, dưới sự quản lý và tổ chức của Phân khu công chính thượng du Bắc Kỳ (thuộc Khu công chính Bắc Kỳ) đường thuộc địa số 3 nhanh chóng được mở rộng, trải nhựa, trang bị hệ thống và hiện đại. Đường số 3 đảm bảo cho các hoạt động giao thông vận tải trong khu vực chạy qua và kết nối với các tuyến đường khác ở khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, các khu vực khác trên cả nước qua trung tâm Hà Nội có vai trò và tác động quan trọng.

Đối với Pháp, việc xây dựng đường thuộc địa số 3 đoạn qua tỉnh Thái Nguyên là điều kiện thuận lợi và quan trọng giúp thực dân Pháp nhanh chóng chiếm đóng và bình định các tỉnh và khu vực, thiết lập bộ máy cai trị. Nhờ có tuyến đường, Pháp có thể dễ dàng hơn để đàn áp được các cuộc đấu tranh của nhân dân, công nhân. Việc điều chuyển, tăng giảm quân lực cũng trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Việc liên hệ từ Liên bang tới các xứ, các tỉnh trở nên nhanh chóng và thông suốt. Các quan chức người Pháp dựa vào tuyến đường thuộc địa số 3 đã nhiều lần tổ chức việc khảo sát, thanh tra giám sát các quan viên bản xứ hoặc chính những quan viên người Pháp ở các địa phương trên tuyến đường thuộc địa số 3.

Đường thuộc địa số 3 được khai thông giúp cho việc vận chuyển công văn, giấy tờ thuận tiện và nhanh chóng hơn so với trước.

Đường thuộc địa số 3 là công cụ đặc biệt quan trọng đối với việc khai thác thuộc địa của Pháp. Đây là con đường đưa Pháp tới các hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên. Với hệ thống mỏ khoáng sản phân bố rộng rãi trên địa bàn, việc xây dựng đường thuộc địa số 3 làm tăng khả năng, khối lượng khai thác và rút ngắn thời gian vận chuyển để sử dụng, đưa về chính quốc hay bán cho các nước.

Đối với Việt Nam và khu vực đường số 3 Với vai trò tác động gián tiếp và chỉ là một trong các yếu tố tác động, việc giao thông đường 3 thuận lợi cho bình định và cai trị của

Pháp ngược lại là gây khó khăn đối với Việt Nam nói chung và nhân dân các tỉnh đường 3 nói riêng. Hệ thống chính trị bị lệ thuộc hoàn toàn, dù có là trực tiếp cứng nhắc hay linh hoạt thì vẫn chịu sự chi phối của người Âu.

Cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do trở lên khó khăn hơn, phải đổ nhiều xương máu hơn.

Về kinh tế, mặc dù xuất hiện yếu tố kinh tế hiện đại xuất hiện nhưng kinh tế thuộc địa ở Việt Nam què quặt và lạc hậu. Nhìn chung là một nền kinh tế biến dạng, hầu như không có công nghiệp nặng, nông nghiệp thì biến chất về cơ cấu, thiếu lương thực, chủ yếu trồng cây công nghiệp. Việc khai thác tài nguyên mạnh mẽ dẫn đến tình trạng tài nguyên ngày cạn kiệt nhưng lượng hàng hóa hoàn chỉnh không được tạo ra xứng với những giá trị đó.

Về văn hóa và xã hội, thay vì khai sáng, Pháp lại đầu độc, làm ngu dân với rượu, thuốc phiện, tệ nạn và hạn chế trường học, cơ sở y tế, tăng cường xây dựng các nhà tù.

Bên cạnh những tác động tiêu cực, khi xây dựng đường thuộc địa số 3, Pháp cũng đem đến những tác động tích cực. Việc Pháp phát triển hệ thông giao thông vận tải, vô hình chung lại khiến những ngành nghề kinh tế trở nên đa dạng và phát triển hơn so với trước đó.

Giao thông vận tải phát triển làm thúc đẩy nền kinh tế, yếu tố kinh tế hàng hóa xuất hiện.

Pháp mang đến tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất tư bản làm tăng về hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, việc xuất hiện những ngành nghề mới đã làm cho nền kinh tế bước đầu thoát ra khỏi chế độ tự cung tự cấp mà đã mang hơi hướng của nền kinh tế thị trường.

Trong văn hóa – xã hội, người Việt Nam có cơ hội làm việc với tri thức mới, hiện đại và văn minh hơn, cơ hội giao lưu văn hóa với các địa bàn khác trong khu vực. Bên cạnh đó, các giai cấp trong xã hội cũng có sự biến đổi, đặc biệt là sự ra đời của các giai cấp công nhân, tư sản, tiểu tư sản. Giai cấp công nhân mà chủ yếu là công nhân làm đường và công nhân khai mỏ có cơ hội tiếp xúc với những tư tưởng văn hóa tiến bộ, sẵn sàng nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền, giành độc lập, tự do

(6)

như cuộc khởi nghĩa của công nhân mỏ thiếc Lang Hích, mỏ than Phấn Mễ.

KẾT LUẬN

Quốc lộ 3 thời thuộc Pháp (1897 - 1945) được gọi là đường thuộc địa số 3 (Route coloniale No3), bắt đầu từ Bắc cầu Đuống (Hà Nội), chạy qua thị trấn Sóc Sơn, sang Thái Nguyên, qua Bắc Kạn và lên Cao Bằng, kết thúc tại cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng). Trên cơ sở tuyến đường từ kinh thành Thăng Long tới châu Quảng Uyên (Cao Bằng) đã có từ các triều đại phong kiến Việt Nam, Pháp cải tạo, duy tu và xây dựng tuyến đường từ cuối thế kỉ XIX. Kể từ năm 1912, được sự đầu tư của ngân sách Đông Dương của Pháp, dưới sự quản lý và tổ chức của Phân khu công chính thượng du Bắc Kỳ (thuộc Khu công chính Bắc Kỳ) đường thuộc địa số 3 nhanh chóng được mở rộng, trải nhựa, trang bị cơ sở hạ tầng.

Đường thuộc địa số 3 là công cụ đắc lực giúp Pháp chiếm đóng và bình định, thiết lập bộ máy cai trị khu vực miền núi Đông Bắc và khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế thuộc địa. Đặc biệt, tuyến đường giúp Pháp kiểm soát vùng biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc. Đối với nước ta, việc Pháp đặt ách cai trị và khai thác thuộc địa đưa tới những tác động tiêu cực về chính trị, kinh tế. Tuy nhiên,

dù không chủ định nhưng việc Pháp phát triển hệ thông giao thông vận tải, đã có những tác động tới kinh tế - văn hóa đất nước: ngành nghề kinh tế trở nên đa dạng và phát triển hơn so với trước, yếu tố kinh tế hàng hóa xuất hiện; văn hóa các dân tộc vùng miền có sự giao thoa, tiếp nhận yếu tố tích cực của văn hóa phương Tây.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. A.A.Pouyanne (1994), Các công trình giao thông công chính Đông Dương, (bản dịch: Nguyễn Trọng Giai), Nxb Giao thông Vận tải, Hà Nội.

2. Bộ giao thông vận tải (2002), Lịch sử giao thông vận tải Việt Nam, Nxb Giao thông vận tải Hà Nội.

3. Paul Doumer (2016), Xứ Đông Dương (Hồi ký).

Bản dịch tiếng Việt của Lưu Đình Tuân – Hiệu Constant – Lê Đình Chi – Hoàng Long – Vũ Thúy, hiệu đính: Nguyễn Thừa Hỷ, Nxb Thế Giới, Hà Nội

4. A.s de la viabilité de la route de Hanoi à Cao Bang par Thai Nguyen et Bac Kan, KH: RST 6032, TT Lưu trữ Quốc gia I.

5. Programme des grands travaux à exécuter aux routes coloniales du Tonkin en 1915, 1916, 1917 au moyen de subvention par le Budget général, KH:RST 10832, TT Lưu trữ Quốc gia I.

6. Recrutement des coolies pour travaux de la route coloniale N.3 (Bac Kan), KH: RST 12919, TT Lưu trữ Quốc gia I.

SUMMARY

HIGHWAY 3 UNDER THE FRENCH COLONIAL PERIOD (1897 – 1945)

Nguyen Thi Hoa* University of Education - TNU Highway 3 (or Route 3) starts from Ha Noi, runs through Thai Nguyen and Bac Kan, goes to Cao Bang. Road 3 plays an important role in the political, economic, cultural and social activities of the Northeast region in particular and the whole country in general. French Route (1897 - 1945) was known as Route 3 (Route coloniale No3) - one of the French colonial routes opened for the purpose of ruling and colonial exploitation in Vietnam. On the basis of the route from Thang Long Citadel to Quang Uyen (Cao Bang), there were feudal dynasties of Vietnam and France, upgrading the quality of the road into a colonial road. Colonial road No. 3 was renovated, renovated and built in France since the late nineteenth century. Since 1912, with the investment of the Indochinese budget of France, the No. 3 colonial road was rapidly expanded and asphalted.

The route ensures transportation activities in the area running through and connects with other routes in the Northeast, other areas across the country through the center of Hanoi has role and double impact on our country and France.

Keywords:Highway No. 3; No. 3 colonial road; Hanoi - Cao Bang; France; 1897-1945.

Ngày nhận bài: 17/8/2018; Ngày phản biện: 02/10/2018; Ngày duyệt đăng: 12/10/2018

*Tel: 0973 748369, Email: hoakhoasu@dhsptn.edu.vn

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Có thể nói, trong thời buổi kinh tế hiện nay, vấn đề chất lượng trong lĩnh vực dịch vụ luôn được các nhà quản lý quan tâm hàng đầu, bởi vì khách hàng chính là yếu tố quan

Tuy nhiên, việc sử dụng mô hình ñể tính toán sẽ cho biết giá trị cụ thể là với diện tích ñất nhất ñịnh, ñể tối ưu hóa chi phí vận chuyển và xử lý thì công

là chiến lược phát triển được chú trọng nhất của Eagle Media, vì kênh này chi phi thấp, khả năng tiếp cận cao và có thể quảng cáo một cách chi tiết nhất về sản phẩm dịch

- Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng và đánh giá mức độ tác động của các nhân tố đó đến sự hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch

Sau quá trình tiến hành phân tích dữ liệu thứ cấp, dữ liệu sơ cấp thu thập được từ điều tra phỏng vấn trực tiếp khách hàng bằng bảng hỏi, nghiên cứu đã thu

Nghiên cứu đã có những đóng góp tích cức đối với công ty FPT trong việc tìm hiểu các yếu tố dịch vụ Internet cáp quang tác động đến sự hài lòng của khách hàng

Xuất phát từ thực tiễn trên và nhận thấy được tầm quan trọng của họat động Marketing và tìm hiểu thực tế tại Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ HUY THỊNH,

Từ lúc thành lập đến nay, trung tâm bảo hành Samsung chi nhánh Huế đã gặt hái được nhiều thành công trên nhiều mặt, tuy nhiên hoạt động của công ty vẫn còn một số điểm