• Không có kết quả nào được tìm thấy

Sự ảnh hưởng kiến trúc phủ đệ lên kiến trúc truyền thống Huế 1. Nghệ thuật tạo cảnh - nhà vườn

Phủ đệ, như đã nói ở trên, là các “cơ ngơi” riêng của các ông hoàng bà chúa tự lập nên bằng chính tiền lương và bổng lộc mà triều đình ban tặng cho họ. Có thể có các quy mô khác nhau, nhưng phần lớn phủ đệ đều có diện tích khá lớn. Vì thế các phủ đệ có điều kiện để phát triển theo những hình dáng, bố cục mang đặc trưng riêng. Tuy nhiên tất cả đều tuân thủ theo những nguyên tắc về phong thủy

nghiêm ngặt mà cái nôi là kinh thành và lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, để từ đó tạo nên một nghệ thuật về tạo cảnh và sân vườn.

Nhìn chung, tổng thể một phủ đệ thường có Nhà Chính, Nhà Phụ, Bình Phong, Bể Cạn, biểu tượng Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ, vườn - cây, lối vào, hàng rào và cổng. Từ đó sức lan tỏa của nghệ thuật này vào kiến trúc truyền thống thật sự rộng khắp và đa dạng.

Tuy nhiên nó vẫn thống nhất và thể hiện được sự chắt lọc khắt khe thể hiện ở ba yếu tố thường được áp dụng rộng rãi ở các nhà ở truyền thống Huế.

Ảnh 4: Mặt bằng tổng thể phủ Đức quận công (Nguồn: Tác giả, 2012) Bình phong: Xét theo phong thủy thì đây là một “tiền án”- là một hệ thống tường ngăn nhẹ, ngắn và thấp được xây bằng xi măng hoặc các vật liệu khác, nằm án ngữ ngay trước cửa chính của ngôi nhà. Nó có mục đích chính là hạn chế các hoạt động trực diện thẳng vào ngôi nhà, có thể là một ánh mắt nhìn hay một cơn gió. Bình phong có nhiều dạng khác nhau, từ đơn giản là một bụi cây cắt tỉa thành hoặc là dạng được xây dựng kiên cố và trang trí một cách tỉ mỉ, công phu.

Bể cạn: Xét theo phong thủy thì đây là yếu tố “minh đường” - là một cái bể nhỏ có diện tích vài mét vuông hoặc là một cái hồ rộng đến vài trăm mét vuông tùy theo từng không gian của quần thể ngôi nhà.

Bể cạn thường nằm sau bình phong và gần với ngôi nhà, nó có tác

dụng tạo yếu tố thanh lọc không khí, giúp cho ngôi nhà được dịu mát hơn. Bên cạnh đó bể cạn còn được chủ nhân nuôi cá cảnh và trồng các cây sống ở nước như sen, súng…

Ảnh 5-6: Bể cạn và bình phong nhà vườn An Hiên - phủ Diên Phúc Trưởng công chúa (Nguồn: Tác giả, 2020)

Hàng rào chè tàu: Trước khi vào các công trình kiến trúc bên trong phủ đệ, hầu như phải đi qua một cái cổng và hàng cây thân thảo lá nhỏ được cắt tỉa gọn gàng mang một màu xanh mướt đặc trưng mà thường được gọi tên là hàng rào cây chè tàu. Chưa có tài liệu nào cho biết xuất xứ cụ thể của loài cây này, nhưng có thể nói chè tàu và hàng rào trồng bằng cây chè tàu như là một phần không thể thiếu của nhà vườn Huế nói chung và nhà rường nói riêng, nó là hiện thân của sự mộc mạc bình dị nhưng rất đỗi nên thơ.

Ngoài ra, yếu tố tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ còn được sử dụng khá rộng rãi. Thông thường, hai yếu tố này được gia chủ sử dụng các yếu tố cây xanh trồng vào hai bên nhà để tạo thành.

Với biến động của lịch sử và sự di cư, mà có nhiều người dân ở từ các vùng khác đến định cư gần các phủ đệ. Và việc học hỏi cũng như “bắt chước” nghệ thuật phong thủy và tạo cảnh sân vườn là điều đã diễn ra tất yếu. Dễ thấy, việc xuất hiện bình phong và bể cạn gần như ở tất cả các ngôi nhà dân sinh và dần trở thành những yếu tố không thể thiếu trong kiến trúc truyền thống Huế. Mặt khác đó cũng chính là sự trân trọng thiên nhiên để góp phần xây dựng nên một đô thị luôn lấy yếu tố cây xanh làm hàng đầu.

Ảnh 7-8: Bình phong, bể cạn và cây chè tàu trong nhà ở dân gian Huế (Nguồn: Tác giả, 2020)

3.2. Nhà rường

Phủ đệ thời Nguyễn thường là một không gian nhà vườn tương đối rộng, trong đó ngôi nhà chính là nhà rường hoặc rội12 làm bằng gỗ, lợp ngói và một hoặc nhiều ngôi nhà phụ giữa một khu vườn rợp bóng cây xanh. Nhà chính là nơi thể hiện các giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể của chủ nhân. Vật liệu xây dựng thường là loại gỗ đắt tiền như gỗ Mít hoặc Kiền,… Các vì kèo, đòn tay, xuyên, trến, liên ba, thanh vọng,… thường được chạm trổ một cách tỉ mỉ và công phu. Địa vị và gia cảnh của từng chủ nhân cũng được khắc họa bằng văn tự hoặc trang trí trên những hoành phi, câu đối,…

Ảnh 9-10: Nhà rường ở làng cổ Phước Tích (Nguồn: Tác giả, 2016) Ban đầu hệ thống nhà rường gần như chỉ được sử dụng thi công cho hệ thống công trình kiến trúc liên quan đến hoàng tộc. Nhưng về sau với sự lan tỏa và hòa nhập của hệ thống phủ đệ vào trong cấu trúc

12 Nhà Rội là nhà có kết cấu gỗ tương tự nhà rường nhưng có một cột cái chính giữa chống lên chỗ giao nhau của hai vì kèo, đỡ cây đòn đông.

chung của đô thị, khiến cho loại kiến trúc này được ứng dụng rộng rãi hơn đối với những gia đình có điều kiện thời bấy giờ, và tồn tại cho đến ngày nay.

Nhà rường, nếu phân loại thì có nhiều dạng khác nhau, nhưng có thể kể đến ba dạng cơ bản, đó là: Nhà năm gian hai chái; nhà ba gian hai chái và nhà một gian hai chái. Ngoài ra còn xuất hiện các dạng nhà mặt phố hai tầng, nhà rội, nhà hạ rội... Trải qua thời gian dài, nhà rường lúc sơ khai thường được nhắc đến như một phần của kiến trúc truyền thống Huế.

Ảnh 11: Bản vẽ sơ đồ cấu trúc bộ khung nhà rường Huế13 Chú thích:

1. Cột hàng nhất 2. Cột hàng hai 3. Cột hàng ba 4. Cột hàng tư 5. Cột đấm nội 6. Cột đấm ngoại 7. Cột quyết nội 8. Cột quyết ngoại 9. Kèo suốt 10. Kèo hàng ba 11. Kèo hàng tư 12. Giao nguyên 13. Kèo đấm 14. Đấm ngoại 15. Kèo quyết

16. Quyết ngoại 17. Trến 18. Trến băng hàng nhì 19. Trến băng hàng ba 20. Bắp chuối 21. Xà hàng nhất 22. Xà hàng nhì 23. Xà hàng ba 24. Xà đấm

25. Xuyên 26. Đòn đông

13 Nguyễn Thị Thúy Vi, Lê Vĩnh An (2021), “Thuật ngữ kiến trúc cổ dùng trong nhà rường Huế”, Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 3.

4. Phủ đệ thời Nguyễn - nơi hình thành, “bảo lưu” tính cách Huế