• Không có kết quả nào được tìm thấy

Lý luận cơ bản về chăn nuôi lợn thịt

PHẦN II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

1.1. Cơ sở lý luận

1.1.1. Lý luận cơ bản về chăn nuôi lợn thịt

1.1.1.1. Vai trò của ngành chăn nuôi lợn trong nền kinh tế quốc dân

Chăn nuôi lợn có vai trò quan trọng trong hệ thống sản xuất nông nghiệp cùng với lúa nước là hai hợp phần quan trọng và xuất hiện sớm nhất trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Nhìn chung chăn nuôi lợn có một số vai trò nổi bật sau:

- Chăn nuôi lợn tạo ra sản phẩm thịt lợn cho con người, là nguồn cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cho đời sống con người. Các sản phẩm từ thịt lợn đều là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng protein cao và giá trị sinh vật học của protenin cao hơn các thức ăn có nguồn gốc thực vật. Theo kết quả nghiên cứu của Harris và cộng sự (1956) cho biết, cứ 100g thịt lợn nạc có 376 kcal, 22g protein [14]. Vì vậy, thực phẩm từ thịt lợn luôn là các sản phẩm quý trong dinh dưỡng con người. Năm 2012, tổng sản lượng thịt lợn sản xuất trên thế giới đạt 104,36 triệu tấn, tăng 2,33% so với năm 2011. Việt Nam đứng thứ 6 thế giới với 3,1 triệu tấn với mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người là 35,59 kg hơi/người/năm (Tương đương 24,8 kg thịt xẻ/người/năm) [1].

- Chăn nuôi lợn là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến. Hiện nay, thịt lợn là nguyên liệu chính cho các ngành công nghiệp thịt xông khói (bacon), xúc xích, thịt hộp, thịt lợn xay, các món ăn truyền thống của người Việt Nam như giò nạc, giò mỡ,… cũng đều được làm từ thịt lợn.

- Chăn nuôi lợn là nguồn cung cấp phân bón cho cây trồng và thức ăn cho nuôi trồng thủy sản. Trong sản xuất nông nghiệp hướng tới canh tác bền vững không thể không kể đến vai trò của phân bón hữu cơ từ lợn, phân lợn là một nguồn phân hữu cơ tốt, có thể cải tạo và nâng cao độ phì của đất, đặc biệt là đất nông nghiệp. Một con lợn thịt trong một ngày đêm có thể thải 2,5 – 4kg phân. Ngoài ra còn có hàm lượng nước tiểu chứa photpho và nitơ cao [23].

ĐẠI HỌC KINH TẾ HUẾ

- Chăn nuôi lợn có thể giữ vững cân bằng sinh thái giữa cây trồng, vật nuôi và con người. Trong nghiên cứu môi trường nông nghiệp, lợn là loài vật quan trọng và là một thành phần quan trọng không thể thiếu được của hệ sinh thái nông nghiệp.

- Chăn nuôi lợn có thể tạo ra nguồn nguyên liệu cho y học trong công nghệ sinh học, lợn đã được nhân bản gen để phục vụ cho mục đích nâng cao sức khỏe con người.

- Chăn nuôi lợn là ngành sản xuất đem lại lợi nhuận cao do có chu kỳ sản xuất ngắn, giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi cao. Bên cạnh đó chăn nuôi lợn còn tận dụng được các phụ phế phẩm của gia đình, của ngành trồng trọt, ngành công nghiệp thực phẩm để tạo ra sản phẩm có giá thành hạ, góp phần nâng cao đời sống và tăng thu nhập quốc dân.

- Chăn nuôi lợn còn khai thác tối đa sử dụng các nguồn lực như vốn, lao động, đất đai, nhất là nguồn lao động nhàn rỗi trong nông thôn, hạn chế được tính thời vụ trong nông nghiệp.

- Chăn nuôi lợn làm tăng tính an ninh cho các gia đình nông dân trong các hoạt động xã hội và chi tiêu trong gia đình. Đồng thời, thông qua chăn nuôi lợn, người nông dân có thể an tâm đầu tư cho con cái học hành và các hoạt động văn hóa khác như cưới, hỏi, ma chay, đình đám.

Xét về tầm vĩ mô phát triển chăn nuôi lợn góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện và vững chắc. Trên thực tế, các vùng sản xuất nông nghiệp có điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế thuận lợi, nếu chỉ chú ý đến phát triển trồng trọt mà không quan tâm đến chăn nuôi thì tốc độ phát triển nông nghiệp ở địa phương đó sẽ bị mất cân đối trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó sự lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực đất đai, lao động, vốn,... không được sử dụng triệt để. Do vậy, việc phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn càng phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa trong cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo nên sự cân đối và phát triển ngành nông nghiệp toàn diện và vững chắc.

1.1.1.2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật trong chăn nuôi lợn

Trong ngành chăn nuôi nói chung thì chăn nuôi lợn là ngành kinh tế quan trọng và nó có những đặc điểm riêng so với các loại vật nuôi khác.

- Con giống: trước đây các giống lợn được sử dụng ở nước ta hầu hết là giống lợn nội như: Móng cái, Ỉ, Lang Hồng,… Hiện nay, nhiều giống lợn đã được nhập khẩu để nhân giống và lai giống phục vụ chăn nuôi thương phẩm. Các giống ngoại được sử dụng chủ yếu là Landrace, Yorkshire, Đại Bạch, các giống này cũng thường được sử

ĐẠI HỌC KINH TẾ HUẾ

dụng làm đực giống lai với các giống nội để cho ra con lai F1 hoặc lai với nái F1 để ra con lai ¾ máu ngoại [23].

- Nhu cầu dinh dưỡng và thức ăn cho lợn: năng lượng được coi là thành phần dinh dưỡng quan trọng nhất và chiếm chi phí cao nhất trong tổng chi phí thức ăn cung cấp cho lợn. Protein là thành phần rất quan trọng trong khẩu phần thức ăn cho lợn, nó có vai trò quan trọng, nó là thành phần cần thiết trước tiên cho mọi hoạt động trao đổi chất trong cơ thể, tham gia vào cấu tạo nên các mô trong cơ thể cũng như tạo sản phẩm thịt, tiết sữa, bào thai,… Chất khoáng và vitamin là những thành phần dinh dưỡng chiếm tỷ lệ rất thấp, khoáng 3% trong cơ thể nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của lợn. Ngoài ra, nước cũng là thành phần quan trọng trong nhiều hoạt động bên trong của cơ thể lợn cũng như hỗ trợ khâu cho ăn, vệ sinh [34].

- Chuồng trại và cách chăm sóc đàn lợn:Chuồng trại cho lợn phát triển tốt là phải thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tránh gió lùa; thích hợp với sinh lý, sinh trưởng và sinh sản của từng loại lợn; có tường ngăn vững chắc, nền chuồng không quá nhẵn nhưng cũng không quá nhám để vừa dễ cọ rửa, vừa không làm cho lợn trượt ngã, độ dốc 2%; có hệ thống máng ăn, vòi uống đầy đủ; có hệ thống làm mát bằng vòi phun nước hoặc quạt thông gió về mùa hè, ổ úm với đèn sưởi về mùa đông cho lợn con mới sinh; số lợn trong một ngăn chuồng và diện tích mỗi ô chuồng không nên vượt quá tiêu chuẩn.

- Công tác thú y cũng có vai trò quan trọng trong quá trình chăn nuôi lợn. Do vậy, trong chăn nuôi hiện nay cần thực hiện một số nguyên tắc: vệ sinh hàng ngày và tẩy chuồng sau mỗi lần xuất lợn; tiêm vacxin cho lợn, nhất là những bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu, thương hàn và những bệnh đã và đang xảy ra gần khu vực nuôi; hạn chế cho người ngoài ra vào khu vực chăn nuôi, cách ly và thông báo cho cán bộ thú y khi có dịch.

- Tổ chức sản xuất chăn nuôi lợn theo các phương thức chăn nuôi với quy mô chăn nuôi khác nhau tuỳ theo năng lực của loại hình sản xuất. Phát triển chăn nuôi lợn phải hài hoà giữa quy mô với năng lực chăn nuôi, giữa quy mô với nhu cầu thị trường.

Chọn lựa phương thức chăn nuôi lợn với quy mô chăn nuôi phù hợp sẽ phát huy hiệu quả các tiềm năng, làm cho chăn nuôi lợn phát triển ổn định.

- Sản phẩm trong chăn nuôi lợn là trọng lượng thịt lợn hơi thu được trong một chu kỳ sản xuất, là trọng lượng thịt tăng do kết quả của quá trình chăm sóc nuôi dưỡng.

ĐẠI HỌC KINH TẾ HUẾ

1.1.1.3. Các hình thức tổ chức chăn nuôi lợn

* Theo phương thức chăn nuôi:

+ Phương thức chăn nuôi truyền thống (TT): là phương thức chăn nuôi khá phổ biến nhất là ở những vùng kinh tế khó khăn, ít có điều kiện tiếp thu khoa học kỹ thuật, chủ yếu tập trung vào những hộ có thu nhập thấp, họ ít đầu tư vào chăn nuôi nên yêu cầu chuồng trại đơn giản, nguồn thức ăn chủ yếu tận dụng thức ăn dư thừa hoặc các phế, phụ phẩm của ngành trồng trọt và chế biến thực phẩm là chính, thức ăn công nghiệp chỉ được sử dụng một tỷ lệ rất ít, khoảng dưới 10% để phối trộn với các loại thức ăn sẵn có khác. Các giống lợn được nuôi theo phương thức này là các lợn F1, khả năng tăng trọng thấp, thời gian nuôi dài, tỷ lệ mỡ cao,…

+ Phương thức chăn nuôi bán công nghiệp(BCN):là phương thức chăn nuôi kết hợp giữa kinh nghiệm nuôi tuyền thống với áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, chủ yếu tập trung vào các gia trại. Sử dụng nguồn thức ăn sẵn có như cám gạo, ngô, khoai, sắn, hèm bia,… kết hợp thức ăn công nghiệp đậm đặc với tỷ lệ khoảng 50,%, đồng thời sử dụng thức ăn công nghiệp dạng hỗn hợp khoảng dưới 10% nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho lợn trong từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển.

+ Phương thức chăn nuôi công nghiệp (CN): chủ yếu tập trung vào các cơ sở chăn nuôi lớn như trang trại và một số gia trại, đây là phương thức chăn nuôi dựa trên cơ sở thâm canh tăng năng suất sản phẩm, sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp dạng hỗn hợp, tỷ lệ sử dụng thức ăn 100%, thức ăn khi mua về không phải qua chế biến mà cho ăn trực tiếp, các giống lợn thường được sử dụng trong phương thức chăn nuôi cho chất lượng sản phẩm thịt tốt như các giống lợn lai F2, ngoại, chuồng trại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, công tác thú y phải thường xuyên đảm bảo.

* Theo quy mô chăn nuôi: Khác với trước đây, mỗi hộ nông dân thường chỉ nuôi 1-2 con lợn với mục đích chủ yếu là tận dụng phế phụ phẩm của ngành trồng trọt và lấy phân bón ruộng. Hiện nay, khi nền kinh tế đã có sự thay đổi, cùng với sự tiến bộ của khoa học – công nghệ, chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã phát triển mạnh. Tùy theo điều kiện của các cơ sở chăn nuôi (vốn, lao động, đất đai, mục đích kinh doanh,...) khác nhau mà quy mô chăn nuôi cũng rất khác nhau.

- Quy mô nhỏ (QMN) là quy mô chăn nuôi thường gắn liền với phương thức chăn nuôi truyền thống của hộ gia đình nông dân. Đó là các hộ có quy mô chăn nuôi

ĐẠI HỌC KINH TẾ HUẾ

lợn nái thường xuyên có dưới 10 con hoặc thường xuyên có dưới 25 con lợn thịt. Đây là hình thức chăn nuôi khá phổ biến và chiếm tỷ lệ cao hiện nay.

- Quy mô lớn (QML) là quy mô chăn nuôi gắn liền với sự đầu tư lớn về chuồng trại, lao động, vốn,... và chủ cơ sở chăn nuôi lợn là những người năng động, số lợn nái thường xuyên có từ 20 con trở lên hoặc số lợn thịt thường xuyên có từ 100 con trở lên (không kể lợn sữa) [35], [36]. Những cơ sở chăn nuôi quy mô lớn này chủ yếu là các trang trại chăn nuôi lợn, đây là hình thức chăn nuôi chưa được phổ biến nhiều nhưng đang được nhà nước khuyến khích phát triển.

- Quy mô vừa (QMV) là cơ sở có quy mô chăn nuôi lợn nái có thường xuyên từ 10 con đến dưới 20 con hoặc số lợn thịt thường xuyên có từ 25 con đến dưới 100 con hoặc chăn nuôi hỗn hợp có số con quy đổi tương ứng được coi là quy mô vừa. Đây là quy mô chăn nuôi gia trại và đang có xu hướng phát triển nhanh trong giai đoạn hiện nay.

* Theo loại hình chăn nuôi

- Chăn nuôi lợn thịt: là những cơ sở chuyên chăn nuôi lợn thịt, sản phẩm của nó là trọng lượng thịt hơi xuất chuồng được đem bán cho lò mổ, công ty chế biến, chủ buôn lợn hơi hoặc các đối tượng khác.

- Chăn nuôi lợn nái: là những cơ cở chuyên chăn nuôi lợn nái sinh sản, sản phẩm của quá trình chăn nuôi là trọng lượng lợn con bán cho người chăn nuôi sử dụng làm giống hoặc bán cho lái buôn, cơ sở chế biến lợn sữa đông lạnh xuất khẩu,... tùy thuộc vào điều kiện chăn nuôi và thị trường tiêu thụ ở từng địa phương.

- Chăn nuôi lợn hỗn hợp: là loại hình chăn nuôi mà trong đó hộ chăn nuôi theo đuổi 2 hướng chăn nuôi trở lên.

Tùy theo từng điều kiện tự nhiên, kinh tế và tập quán sản xuất của mỗi vùng, mỗi địa phương mà hình thức chăn nuôi lợn cụ thể khác nhau. Tuy nhiên phương hướng chung trong phát triển chăn nuôi lợn là chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm dần tỷ trọng phương thức chăn nuôi truyền thống với quy mô nhỏ, manh mún, kỹ thuật lạc hậu, tăng dần tỷ trọng phương thức chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp với quy mô phù hợp.

1.1.2. Lý luận về phát triển chăn nuôi lợn thịt