• Không có kết quả nào được tìm thấy

Triệu chứng trầm cảm ở phụ nữ mang thai và sau sinh

Chương 4: BÀN LUẬN

4.4. Triệu chứng trầm cảm ở phụ nữ mang thai và sau sinh

Nghiên cứu cho thấy các triệu chứng trầm cảm trong khi mang thai và sau sinh trong nghiên cứu bao gồm:

Các triệu chứng đặc trưng: Trong nghiên cứu của chúng tôi phụ nữ cho biết họ luôn luôn cảm thấy buồn chán, dễ bị mệt mỏi và không quan tâm thích thú với bất kỳ cái gì và không muốn nói chuyện với bất kỳ ai. Triệu chứng này cũng tương tự như nghiên cứu của Nguyễn Thị Huyền về nghiên cứu đặc điểm lâm sàng trầm cảm trên những bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn trầm cảm sau sinh nằm điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I năm 2014 cho thấy phụ nữ có khí sắc trầm và giảm năng lượng, giảm hoạt động chiếm tỷ lệ cao nhất (100%), tiếp đến là mất quan tâm thích thú chiếm 91,4%. Họ luôn trong tình trạng buồn chán và mất hết các sở thích hứng thú mà trước đây vẫn có, luôn trong tình trạng chán nản, bi quan. Mặc dù bệnh nhân vẫn được gia đình quan tâm chăm sóc xong hầu như họ không thể vui vẻ được, nét mặt lúc nào cũng buồn rầu, ủ rũ, họ không quan tâm đến con, không chơi đùa với con, không biết dỗ dành con khi con quấy khóc. Một số bệnh nhân lại lo lắng quan tâm đến con một cách thái quá như lo lắng về sức khỏe của con, lo lắng về cách cho con ăn, cách giữ vệ sinh, cho con ăn cầu kỳ, tỉ mỉ [139]. Kết quả của chúng tôi cũng như kết quả của các tác giả khác đều cho thấy các triệu chứng giảm khí sắc, giảm quan tâm thích thú, giảm năng lượng là triệu chứng chủ đạo trong giai đoạn trầm

cảm. Đây là triệu chứng đặc trưng và tiêu chuẩn quan trọng để chẩn đoán một giai đoạn trầm cảm (ICD- 10 cũng như DSM –IV).

Các triệu chứng phổ biến: Trong nghiên cứu của chúng tôi phụ nữ bị trầm cảm có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, ăn ít ngon miệng, luôn trách mình và tự đổ lỗi cho mình. Ngoài ra họ còn cảm thấy tương lai của mình mờ mịt, tuyệt vọng không thể thay đổi được và luôn cảm thấy mình bất hạnh. Kết quả này cũng tương tự như trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Huyền cho thấy: Tất cả phụ nữ bị trầm cảm đều có biểu hiện rối loạn giấc ngủ như khó vào giấc ngủ, thức giấc sớm, ngủ không sâu giấc hay gặp ác mộng khi ngủ… nhiều bệnh nhân luôn phàn nàn trí nhớ của mình kém, họ tất khó tập trung để làm một việc gì, họ rất khó khăn khi đưa ra một quyết định ngay cả với những vấn đề đơn giản [139].

Các triệu chứng khác bao gồm: Triệu chứng như đau đầu, run tay, hồi hộp, lo lắng, ăn không có cảm giác ngon miệng, Cảm giác buồn rầu đến mức khó ngủ; Cảm thấy công việc ngập đầu. Nhiều phụ nữ cảm thấy bế tắc, mệt mỏi, buồn chán và họ cảm thấy bất hạnh, một số có ý định tự hủy hoại bản thân. Những dấu hiệu này tương tự như trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Huyền về nghiên cứu đặc điểm lâm sàng trầm cảm trên những bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn trầm cảm sau sinh nằm điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I năm 2014 cho thấy: Thời gian xuất hiện của trầm cảm sau sinh có thể một vài ngày hay gặp một vài tuần sau sinh. Người bệnh biểu hiện mệt mỏi, buồn chán, mất quan tâm thích thú, ý tưởng tự ti, tự buộc tội. Các biểu hiện loạn thần: hoang tưởng tự buộc tội 57,1%, hoang tưởng nghi bệnh 14,3%. Phụ nữ bị trầm cảm rất dễ xúc động, dễ khóc, dễ bị kích thích và hay cáu kỉnh chiếm tỷ lệ cao 45- 60%.

Các biểu hiện lo âu cũng gặp với 37,1%, nội dung lo lắng chủ yếu tập trung vào đứa con [139]. Theo nghiên cứu định tính của Godoy và cộng sự năm 2014 trên 12 phụ nữ sống ở Toronto, Canada cho biết những dấu hiệu trầm cảm mà phụ nữ trải qua bao gồm: cảm giác buồn bã và chán nản; khóc nhiều và không muốn nói chuyện với bất cứ ai [140].

Nghiên cứu của Klainin và cộng sự năm 2009 được thực hiện tại 40 quốc gia trên thế giới cho thấy phụ nữ phương Tây có thể công khai triệu chứng trầm cảm của họ với nhân viên y tế hoặc người thân trong gia đình hoặc bạn bè, còn phụ nữ ở châu Á có xu hướng thể hiện những vấn đề về cảm xúc của mình thông qua triệu chứng thực thể. Phụ nữ Trung Quốc bày tỏ sự mệt mỏi và cảm giác nặng nề, khó chịu, cảm giác bị chèn ép. Phụ nữ Hàn Quốc đã trải nghiệm rối loạn sau sinh biểu hiện triệu chứng mệt mỏi và đau nhức cơ bắp, đau khớp, ớn lạnh, tê liệt, rối loạn giấc ngủ, chóng mặt, và lo lắng, đau đầu, mờ mắt, đánh trống ngực, khó chịu ở ngực, bụng [84]. Chính vì các biểu hiện sớm của trầm cảm sau sinh thường là những biểu hiện không đặc hiệu, và rất dễ nhầm với các triệu chứng sau sinh bình thường. Nên người bệnh thường bị bỏ sót và không được phát hiện sớm ở giai đoạn này.

Kết quả nghiên cứu định lượng và định tính của chúng tôi phát hiện ra 1,4% phụ nữ mang thai và 1,0% phụ nữ sau sinh có cảm nghĩ không muốn sống nữa. Các hình thức muốn hủy hoại bản thân bao gồm: Có ý định cắt động mạch cổ tay và uống thuốc ngủ tự sát. Tự sát là một cấp cứu trong lâm sàng tâm thần học, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tự sát như do trầm cảm, do các Stress tâm lý, do hoang tưởng và ảo giác chi phối. Trong đó trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự sát. Trong rối loạn trầm cảm, bệnh nhân bi quan chán nản, nhìn tương lai ảm đạm, cho mình là người có phẩm chất xấu,

mắc nhiều tội lỗi, không đáng sống... Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tự sát ở bệnh nhân rối loạn trầm cảm [139]. Tự sát gây nên những hậu quả nặng nề cho cho người bệnh, là nỗi băn khoăn lo lắng của gia đình và các thầy thuốc tâm thần. Trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Huyền một số bệnh nhân có ý tưởng và hành vi tự sát chiếm tỷ lệ tương đối cao chiếm 57,1% và trong số những bệnh nhân này có tới 17,1% đã thực hiện hành vi tự sát nhưng bất thành như nhảy xuống giếng, xuống ao, lấy dao đâm vào bụng, ngực, cho tay vào ổ điện [139]. Trong nghiên cứu định tính của Godoy và cộng sự năm 2014 ở ở Toronto, Canada cho biết có 4 phụ nữ có ý định tự tử [140]. Trong nghiên cứu của Diana Pham và cộng sự năm 2018 cũng phát hiện ra 4 phụ nữ có ý định tự tử chiếm tỷ lệ 4,5%. Nghiên cứu cũng cho rằng, mặc dù những phụ nữ này chưa để xảy ra thương tích hay tử vong, tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề quan trọng đối với các ban ngành đoàn thể, các cấp chính quyền, tổ chức cộng đồng và nhân viên y tế các cấp quan tâm nhằm phát hiện, ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng đối với phụ nữ bị trầm cảm [113].