• Không có kết quả nào được tìm thấy

NHẬN DIỆN HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG RONG Ở HÀ NỘI

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "NHẬN DIỆN HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG RONG Ở HÀ NỘI "

Copied!
13
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

NHẬN DIỆN HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG RONG Ở HÀ NỘI

NGUYỄN TUẤN MINH*

1. Đặt vấn đề

Bán hàng rong trên đường phố là một dạng hoạt động thương mại không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, hiếm có một thủ đô nào người ta bắt gặp hình ảnh hàng rong như ở Hà Nội, đặc biệt hình ảnh những người phụ nữ với những đôi quang gánh rong ruổi khắp các phố phường hay như những tiếng rao bán hàng trong đêm. Hàng rong có từ lâu đời1, nó gần gũi với cuộc sống hàng ngày, thậm chí còn được ví như một nét đặc trưng văn hóa của thủ đô Hà Nội.

Ngày nay, cùng với tiến trình Đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, cuộc sống của người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Thông thường khi nền kinh tế phát triển ở một mức độ nhất định thì những hình thức kinh tế truyền thống, quy mô nhỏ, mang tính tự cung tự cấp như bán hàng rong sẽ giảm dần hoặc thậm chí là mất đi, nhường chỗ cho những hoạt động kinh tế hàng hóa mang tính tổ chức, hiện đại. Tuy nhiên, dường như có một ngoại lệ với trường hợp ở Việt Nam, người bán hàng rong không giảm mà thậm chí còn có xu hướng tăng (Nguyễn Ngọc Tiến, 2014), đặc biệt trong những thành phố lớn như thủ đô Hà Nội. Hàng rong hiện nay, một mặt, tạo ra một mạng lưới cung cấp hàng hóa rất thuận tiện, giá rẻ và do vậy nó đáp ứng được nhu cầu của nhiều tầng lớp dân cư trong xã hội. Mặt khác, nó cũng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh những điểm tích cực, hàng rong cũng đang làm nảy sinh những vấn đề xã hội ở đô thị như lấn chiếm không gian công cộng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, cản trở giao thông, xả rác bừa bãi v.v... Chính quyền thành phố đã ban hành nhiều quy định liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động bán hàng rong nhằm điều tiết và quản lý nó nhưng đã không đem lại hiệu quả (Nguyễn Quang Thiều, 2008). Nhìn dưới góc độ lý luận, hàng rong là một dạng của khu vực kinh tế phi chính thức. Khu vực này chiếm một tỷ lệ lớn và có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam (Lê Đăng Doanh, 1998; Jean-Pierre Cling, 2012). Tuy nhiên, sự hiểu biết về khu vực này còn rất hạn chế, bằng chứng là thiếu những cuộc điều tra, những số liệu thống kê cũng như những công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu về nó.

* NCS, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

1 Sử sách chép, thời Lý ở Thăng Long đã có người gánh hàng đi bán rong ở kinh thành (Nguyễn Ngọc Tiến, 2012).

(2)

Xuất phát từ thực tiễn cũng như lý luận kể trên, việc tìm hiểu về hoạt động bán hàng rong ở đô thị có nhiều ý nghĩa, không chỉ cho chúng ta hiểu rõ hơn về một loại hình thương mại truyền thống mang tính phổ biến ở các đô thị, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam.

2. Nguồn số liệu và phạm vi

Bài viết này dựa trên số liệu của cuộc điều tra chọn mẫu mang tính đại diện “Điều tra về cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực kinh tế phi chính thức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh” vào tháng 10 và tháng 11 năm 2009, do Viện Khoa học Thống kê - Tổng cục Thống Kê (Việt Nam) phối hợp với Cơ quan nghiên cứu Phát triển, Thể chế và Phân tích dài hạn - Viện Nghiên cứu phát triển (Pháp) thực hiện. Cuộc điều tra này là giai đoạn 2 của cuộc điều tra hỗn hợp gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là Điều tra lao động việc làm2, từ cuộc điều tra giai đoạn 1 này, người ta đã bổ sung các câu hỏi để xác định việc làm phi chính thức và các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể không có tư cách pháp nhân là đối tượng cho điều tra giai đoạn 2. Vì đối tượng của cuộc điều tra dựa trên hộ gia đình nên khi không gian nghiên cứu của bài viết này được xác định là Hà Nội thì các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể3 (bao gồm nhóm người bán hàng rong) sẽ là những đối tượng có hộ gia đình ở Hà Nội. Như vậy, bài viết này sẽ không đề cập đến nhóm đối tượng người bán hàng rong là những người di cư có đăng ký tạm trú ngắn hạn hay không đăng ký tạm trú, hoặc những người di cư hàng ngày4 ở Hà Nội.

Căn cứ vào những văn bản pháp quy hiện hành của thành phố Hà Nội và chính phủ Việt Nam, cùng thực tế quan sát của bản thân, tác giả bài viết quan niệm “bán hàng rong”

(buôn bán dạo) là hình thức thương mại lưu động - di chuyển liên tục hoặc di chuyển theo kiểu tiện đâu thì dừng ở đó để mua, bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ; "người bán hàng rong" là cá nhân thực hiện việc bán hàng rong, một cách độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh, không có địa điểm kinh doanh cố định và không gọi là "thương nhân"

như quy định của Luật Thương mại. Theo các khái niệm này, trong cuộc điều tra nói trên ở Hà Nội, có 55 trường hợp trong tổng số 787 trường hợp điều tra là người bán hàng rong. Vì đây là cuộc điều tra chọn mẫu mang tính đại diện nên 55 trường hợp này cũng có thể coi là đại diện cho nhóm những người bán hàng rong có hộ gia đình ở Hà Nội.

3. Kết quả phân tích

Bài viết tập trung mô tả những kết quả định lượng thu được từ cuộc khảo sát nhằm nhận diện về những người bán hàng rong, cũng như một số hoạt động của họ tại thủ đô Hà Nội hơn là đi sâu vào lý giải và bình luận.

3.1. Đặc điểm nhân khẩu - xã hội của người bán hàng rong a. Giới tính, tuổi và số năm đi học

2 Đây là một cuộc điều tra hộ gia đình, tập trung vào các điều kiện lao động và tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam.

3 Đó là các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, không có tư cách pháp nhân và những người tự làm (Tổng cục Thống kê, 2009). Ví dụ: tiệm sửa xe nhỏ, thợ cắt tóc độc lập, lái xe ôm, quán nước chè, thợ may, bán hàng rong, v.v.

4 Những người ở nơi khác vào Hà Nội bán hàng rong theo kiểu sáng đi tối về.

(3)

Đa phần người bán hàng rong là nữ (72,7%). Điều này cũng nhất quán với nhiều nhận định của các tác giả khi nghiên cứu trực tiếp hoặc gián tiếp về người bán hàng rong (Trần Thị Minh Đức và Bùi Thị Hồng Thái, 2010; Rolf Jensen và Donald M. Peppard JR, 2001; Regina Abrami, 1997). Có thể coi đây là đặc trưng giới của hoạt động bán hàng rong ở Hà Nội.

Trong cuộc điều tra này, người bán hàng rong ít tuổi nhất là 20 tuổi và cao tuổi nhất là 61 tuổi. Phần lớn người bán hàng rong trong độ tuổi từ 30 đến 49 tuổi (76,4%), có thể gọi là độ tuổi "sung sức" trong lao động; độ tuổi lao động trẻ - dưới 30 chiếm tỉ lệ (14,5%); còn lại một tỉ lệ nhỏ là từ 50 tuổi trở lên (9,1%). Về trình độ học vấn, người bán hàng rong thuộc nhóm có số năm đi học hoàn thành từ 6 - 9 năm chiếm số lượng đông nhất (69,1%), tiếp đến là từ 10 năm trở lên (18,2%) và từ 5 năm trở xuống (12,7%). Như vậy, có thể thấy trình độ học vấn của người bán hàng rong phổ biến ở mức trung học cơ sở.

b. Dân tộc, nơi thường trú và thời gian định cư

Tại thời điểm năm 2009, Hà Nội có 33 dân tộc thiểu số với khoảng 58.600 người, chiếm 0,9% dân số (Võ Lâm, 2009). Tuy nhiên, trong cuộc điều tra này, không có người bán hàng rong nào là người dân tộc thiểu số. Tất cả người bán hàng rong đều là người dân tộc Kinh.

Gần như toàn bộ người bán hàng rong là người có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội (KT1-KT2) chiếm tỉ lệ 96,4%, còn lại một số rất ít là người ở tỉnh khác tạm trú dài hạn ở Hà Nội (KT3), với tỉ lệ 3,6%. Đa phần những người bán hàng rong có thời gian định cư ở Hà Nội từ 10 năm trở lên (89,1%); một tỉ lệ rất nhỏ người bán hàng rong định cư ở Hà Nội dưới 10 năm và đây là những người chuyển từ vùng nông thôn khác đến định cư ở Hà Nội (9,1%). Như vậy, nhóm người bán hàng rong trong nghiên cứu này hầu hết đều là những người định cư lâu năm ở Hà Nội.

c. Hộ nghèo và thâm niên bán hàng rong

Những người bán hàng rong thường được nhìn nhận đó là những người buôn bán nhỏ, thu nhập thấp, những người nghèo. Tuy nhiên, gần như toàn bộ người bán hàng rong trong nghiên cứu này (98,2%) không thuộc danh sách các hộ nghèo của địa phương.

Biểu đồ 1: Thâm niên làm việc của người bán hàng rong

(4)

Người bán hàng rong có thâm niên làm việc ít nhất là 9 tháng và cao nhất là 29 năm. Nhìn vào biểu đồ 1 chúng ta thấy, chiếm tỉ lệ cao nhất (47,3%) là nhóm người bán hàng rong có số năm làm việc hơn 6 năm. Như vậy, hàng rong có vẻ như là một công việc ổn định hơn là một công việc chỉ mang tính chất tạm thời hay mùa vụ.

d. Nguyên nhân tham gia vào hoạt động bán hàng rong

Tìm hiểu về nguyên nhân của việc tham gia vào hoạt động kinh tế phi chính thức là một trong những mục tiêu quan trọng của cuộc điều tra cho nên những câu hỏi liên quan đã xuất hiện hai lần trong bảng hỏi khảo sát5. Trong phần tìm hiểu về “đặc điểm hộ sản xuất kinh doanh”, không tìm được một công việc làm công ăn lương trong một doanh nghiệp (34,5%) và để được kinh doanh độc lập (23,6%) là những lý do được nhiều người bán hàng rong lựa chọn hơn cả (biểu đồ 2). Còn trong phần hỏi về “những khó khăn và triển vọng” của nghề nghiệp thì đa phần người bán hàng rong (72,7%) trả lời nguyên nhân chính khiến họ tham gia vào hoạt động bán hàng rong bởi đó là nghề mà họ biết (biểu đồ 3). Như vậy, trong một chừng mực nào đó có thể hiểu rằng, việc tham gia vào hoạt động bán hàng rong (khu vực kinh tế phi chính thức) có nguyên nhân từ việc các doanh nghiệp (khu vực kinh tế chính thức) không có khả năng tạo đủ việc làm phù hợp với những người lao động này. Bên cạnh đó, đặc điểm đơn giản, dễ thực hiện của nghề bán hàng rong và sự độc lập trong công việc là những yếu tố khuyến khích người ta lựa chọn nghề nghiệp này thay vì những nghề nghiệp khác trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Biểu đồ 2: Lý do tham gia vào nghề bán hàng rong - Trong phần: Đặc điểm của hộ

sản xuất kinh doanh

Đơn vị: %

Biểu đồ 3: Nguyên nhân chính lựa chọn nghề bán hàng rong - Trong phần:

Khó khăn và triển vọng

Đơn vị: %

5 Trong bảng hỏi, tại Mục A. Đặc điểm hộ sản xuất kinh doanh, câu A4d: Tại sao bạn lại thành lập hoặc quyết định quản lý hộ SXKD này? và Mục G. Khó khăn và triển vọng, câu G1: Nguyên nhân chính nào khiến bạn lựa chọn nghề SXKD mà bạn đang làm?

(5)

2. Một số đặc điểm cơ bản của hoạt động bán hàng rong a. Công việc tự tạo, tự đào tạo và tự làm

Không khó để trở thành một người bán hàng rong bởi công việc này không đòi hỏi nhiều vốn, phải qua đào tạo hay các thủ tục hành chính phức tạp. Kết quả khảo sát cho thấy không có người bán hàng rong nào cần phải vay tiền để phục vụ hoạt động kinh doanh, 83,6% người bán hàng rong tự thực hành nghề nghiệp chứ không qua đào tạo, có đến 96,4% người bán hàng rong cho biết họ tự tạo ra nghề nghiệp cho mình chứ không phải do thành viên trong gia đình lập ra hoặc do sự hợp tác cùng người khác. Tất cả người bán hàng rong đều tự làm chủ và thực hiện toàn bộ hoạt động bán hàng rong của mình.

Công việc hàng rong hầu như không liên quan đến các cơ quan nhà nước, phần lớn người bán hàng rong cho rằng họ không có liên hệ gì với các nhân viên nhà nước trong 12 tháng qua khi thực hiện công việc (92,7%).

b. Di chuyển thường xuyên

Những người bán hàng rong là những người bán hoa quả, bán hoa, bán rau, bán gạo, bán xôi, bán bánh mỳ, thợ sửa khóa, đồng nát, v.v… và sự di chuyển thường xuyên của những người này trên đường phố chính là đặc điểm cơ bản để phân biệt họ - hàng rong với các hoạt động “kinh tế vỉa hè” hay “kinh tế đường phố” khác. Có 72,7% người bán hàng rong đi bán dạo khắp nơi - có nghĩa là có mức độ di chuyển liên tục để buôn bán, 16,4% người bán hàng rong có một địa điểm không cố định trên lề đường, hè phố - mức độ di chuyển ít hơn do họ xác định được một số vị trí không gian trên đường phố để buôn bán, 10,9% người bán hàng rong đi bán tại nhà khách hàng - sự di chuyển có mục tiêu cụ thể do họ đã xác định được những khách hàng thường xuyên. Giải thích về địa điểm kinh doanh của mình, dễ dàng kinh doanh hơn là lý do được nhiều người bán hàng rong lựa chọn hơn cả (41,8%), tiếp đến là nghề nghiệp của họ không cần phải có địa điểm (36,4%), không có tiền thuê hay mua địa điểm (16,4 %), không tìm được địa điểm thích hợp để kinh doanh (5,5%). Như vậy, sự di chuyển thường xuyên chính là đặc trưng của hoạt động bán hàng rong nhằm dễ dàng cho việc kinh doanh hơn là buộc phải di chuyển vì thiếu địa điểm cố định để kinh doanh.

c. Số giờ làm việc cao

Theo các quy định của Bộ luật lao động năm 2007 và 2012 thì thời gian làm việc trong một tuần được quy định đối với người lao động là không quá 48h, khuyến khích làm việc 40h/ tuần. Thực tế, theo quy định này thì các cơ quan nhà nước đã áp dụng thời gian làm việc 40h/tuần tức là 160h/tháng, còn các đơn vị khác thì tùy thuộc vào chủ lao động nhưng không quá 48h/tuần, tương ứng với 192h/tháng. Nếu thử so sánh với quy định kể trên thì ta thấy đa phần người bán hàng rong có thời gian làm việc cao. Cụ thể là 47,3% người bán hàng rong có số giờ làm việc từ 193h/tháng trở lên, 23,6% người bán hàng rong có số giờ làm việc từ 161 - 192h/tháng và 29,1% người bán hàng rong có số giờ làm việc từ 160h trở xuống.

(6)

d. Chủ động tìm kiếm khách hàng và giá cả thỏa thuận

Khách hàng chính của người bán hàng rong là dân cư (70,9%), còn lại một tỉ lệ nhỏ khách hàng là hộ sản xuất kinh doanh thương mại (21,8%) và hộ sản xuất kinh doanh phi thương mại (7,3%). Chủ động tìm kiếm khách hàng là một đặc điểm cần phải nhắc đến của hoạt động bán hàng rong bởi chính nhờ tính chất lưu động, người bán hàng rong có thể di chuyển khắp nơi để tìm kiếm khách hàng. Chủ động tìm kiếm khách hàng là chiến lược được nhiều người bán hàng rong lựa chọn hơn cả (69,1%) so với các chiến lược khác6 trong việc thu hút khách hàng. Không chỉ đem lại sự thuận tiện trong việc tiếp cận hàng hóa, hình thức thương mại này còn đem lại sự chủ động cho khách hàng trong việc định giá sản phẩm hay dịch vụ. Phần lớn người bán hàng rong cho biết giá sản phẩm, dịch vụ của họ phụ thuộc vào sự thỏa thuận với khách hàng (61,8%). Còn lại chiếm tỉ lệ thấp hơn là hình thức cộng thêm vào tỉ lệ phần trăm cố định trên giá thành của từng loại sản phẩm (20%), hay giá bán tùy thuộc vào giá bán của đối thủ cạnh tranh (5,5%), theo giá chính thức (3,6%), khác (9,1%).

e. Xuất xứ hàng hóa trong nước, không hạch toán7 và khả năng tăng doanh thu thấp Tất cả người bán hàng rong đều kinh doanh các sản phẩm có xuất xứ trong nước.

Nhà cung cấp chính của họ chủ yếu là các hộ sản xuất kinh doanh hoạt động thương mại (65,5%), tiếp đó là dân cư (27,3%) và còn lại một tỉ lệ rất nhỏ là hộ sản xuất kinh doanh hoạt động phi thương mại (5,5%), khu vực nhà nước và một phần thuộc nhà nước (1,8%).

Hoạt động hạch toán không được nhiều người bán hàng rong quan tâm, chú ý. Bằng chứng là đa phần họ không có sổ ghi chép (72,7%), định mức hàng hóa hay dịch vụ của người bán hàng rong phần lớn phụ thuộc theo mức cầu dự tính của họ (56,4%).

Có thể nói rằng khả năng tăng doanh thu của hoạt động bán hàng rong không cao, bởi 69,1% người bán hàng rong cho rằng với đặc điểm của nghề rong (với đặc điểm trang thiết bị hiện có) không thể có thêm doanh thu, 30,9% người bán hàng rong cho rằng có thể tăng thêm doanh thu và mức tăng chủ yếu chỉ trong khoảng 5 - 20% doanh thu hiện tại.

f. Công việc không có bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội Bảo hiểm y tế

Công việc bán hàng rong cũng như các công việc khác trong khu vực kinh tế phi chính thức có đặc điểm là không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc của bảo hiểm xã hội Việt Nam8. Những người bán hàng rong, do vậy, nếu muốn có được bảo hiểm y tế họ phải tham gia theo dạng tự nguyện. Kết quả khảo sát cho thấy, không kể những người bán hàng rong thuộc hộ nghèo và trường hợp người về hưu (7,3%) được hưởng bảo hiểm y tế bắt buộc thì toàn bộ người bán hàng rong đều không tham gia loại bảo hiểm y tế tự nguyện của bảo hiểm xã hội Việt Nam. Nhiều lý do để giải thích việc không tham gia

6 Thông qua các mối quan hệ xã hội như gia đình, hàng xóm, bạn bè (14,5%), đợi khách hàng tìm đến (12,7%), khác (3,6%).

7 Hạch toán được hiểu ở đây là các hoạt động quan sát, ghi chép và tính toán nhằm giúp người bán rong kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của mình.

8 Xem Điều 12 của Luật bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

(7)

loại bảo hiểm y tế tự nguyện này, tuy nhiên tất cả các lý do được đưa ra đều dưới 50%

người bán hàng rong đồng ý (xem bảng 1). Do vậy, cho dù lý do “Chi phí quá cao” có tỉ lệ người đồng ý cao hơn cả (41,2%) so với những lý do khác nhưng khó để có thể kết luận đó là lý do cơ bản nhất khiến người bán hàng rong không tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Đối với bảo hiểm y tế của các công ty bảo hiểm khác cũng không có người bán hàng rong nào tham gia.

Bảng1: Tỉ lệ phần trăm người bán hàng rong cho rằng điều nêu dưới đây là lý do họ chưa có thẻ bảo hiểm y tế

Lý do %

Chi phí quá cao 41,2

Không có tác dụng gì (chi phí chăm sóc y tế qua việc sử dụng thẻ y tế không giảm) 27,5

Một số chăm sóc y tế hoặc điều trị không được bồi hoàn 23,5

Tôi không thuộc đối tượng nên không thể tiếp cận để mua 21,6

Thủ tục quá phức tạp 9,8

Không biết đăng ký mua thế nào 17,6

Tôi khỏe, không gặp vấn đề gì về sức khỏe 21,6

Tôi (hoặc gia đình tôi) có thể chi trả bất kỳ khoản chi phí y tế không mong đợi nào 17,6 Tôi muốn tự mình lựa chọn bác sĩ cũng như bệnh viện để khám chữa bệnh 23,5

Loại hình khác có nhiều lợi ích hơn 0

Lý do khác 2,0

Bảo hiểm hưu trí

Cũng giống như bảo hiểm y tế bắt buộc của bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo hiểm hưu trí cũng không dành cho những cá nhân làm công việc bán hàng rong bởi họ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bắt buộc9, nên người bán hàng rong chỉ có thể tham gia vào loại bảo hiểm hưu trí tự nguyện10. Kết quả khảo sát cho thấy, ngoại trừ trường hợp người bán hàng rong có loại bảo hiểm hưu trí bắt buộc do họ là những người về hưu tham gia vào công việc bán rong (1,8%), thì còn lại tất cả người bán hàng rong đều không tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Giải thích cho lý do không tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện, khác với bảo hiểm y tế tự nguyện, lý do cơ bản ở đây được xác định rõ đó là thiếu thông tin, 59,3% người bán hàng rong cho biết họ “không biết về loại bảo hiểm hưu trí này” (biểu đồ 4).

9 Xem Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội, số 71/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

10 Xem Điều 69 của Luật Bảo hiểm xã hội, số 71/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(8)

Biểu đồ 4: Lý do không tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện

Đơn vị: %

3.3. Hoạt động bán hàng rong và những ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế - xã hội a. Khủng hoảng kinh tế

Thời điểm cuộc điều tra này diễn ra là cuối năm 2009 cũng là thời điểm Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã diễn ra từ năm 2008, thị trường xuất khẩu lớn bị ảnh hưởng, sức mua trong nước giảm, thị trường bất động sản

“đóng băng” v.v... đã khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm. Khủng hoảng kinh tế đã khiến việc làm trong khu vực kinh tế phi chính thức tại Hà Nội gia tăng (Jean-Pierre Cling và cộng sự, 2010), điều này đồng nghĩa với việc mức cạnh tranh trong khu vực này cũng gia tăng. Thật vậy, tỉ lệ người bán hàng rong cho rằng mức cạnh tranh của các đối thủ cạnh tranh chính tăng lên (50,9%) chiếm tỉ lệ cao nhất, tiếp đến là không đổi (41,8%), không có đối thủ cạnh tranh (5,5%) và giảm đi (1,8%).

Mức cạnh tranh tăng lên nhưng nhìn chung, nó lại không làm ảnh hưởng nhiều đến thời gian làm việc, số lượng khách hàng cũng như lợi nhuận của hoạt động bán hàng rong.

Bằng chứng là có đến 80% người bán hàng rong cho rằng so với năm trước, số giờ làm việc mỗi tuần là không đổi, chỉ 10,9% cho rằng số giờ làm việc tăng và 9,1% cho rằng giảm. Số lượng khách hàng trong năm vừa qua không đổi cũng là phương án được nhiều người bán hàng rong lựa chọn hơn cả (43,6%) so với các phương án tăng (27,3%) hoặc giảm (29,1%) số lượng khách hàng. Liên quan đến lợi nhuận, người bán hàng rong cho rằng lợi nhuận tăng hay giảm phụ thuộc vào sản lượng bán ra11, điều này cho thấy hàng rong “ăn về số lượng” hay “lấy công làm lãi” tức là số lượng sẽ quyết định lợi nhuận

11 Giải thích cho việc lợi nhuận từ hoạt động bán hàng rong tăng: 62,5% người bán hàng rong đã cho rằng do sản lượng bán ra tăng, 12,5% người bán hàng rong cho rằng do lãi trên từng sản phẩm tăng và 25%

cho rằng do cả sản lượng và lãi trên từng sản phẩm đều tăng. Tương tự, các lý do khiến lợi nhuận giảm:

45,5% người bán hàng rong cho rằng do lượng bán giảm, 18,2% cho rằng lãi trên từng sản phẩm giảm, 36,4% cho rằng cả sản lượng bán và lãi trên từng sản phẩm đều giảm.

(9)

nhiều hay ít thay vì giá cả. Liệu đây có phải là chiến lược, đặc điểm giúp loại hình thương mại này có thể giữ được sự ổn định hay ứng phó được với những tình huống khó khăn trong khủng hoảng kinh tế? Kết quả khảo sát cho thấy 65,5% người bán hàng rong cho rằng lợi nhuận của họ giữ ở mức ổn định so với 12 tháng trước thời điểm điều tra, 20%

cho rằng lợi nhuận giảm và 14,5% cho rằng lợi nhuận tăng.

b. Quy định cấm bán hàng rong

Theo các quy định của chính phủ Việt Nam thì người bán hàng rong không phải đăng ký kinh doanh nhưng hoạt động thương mại của họ phải tuân thủ theo quy định của chính quyền nơi họ hoạt động, cụ thể trường hợp ở Hà Nội, văn bản có liên quan trực tiếp đến hoạt động bán hàng rong là "Quy định về Quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn Thành phố Hà Nội" trong Quyết định số 46/2009/QĐ-UBND ngày 15 tháng 1 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội (UBND TP HN). Văn bản này áp dụng đối với các hành vi bán hàng rong và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong thành phố Hà Nội đối với hoạt động bán hàng rong trên một số khu vực thuộc địa bàn thành phố Hà Nội. Thời điểm xuất hiện của văn bản này đã nổ ra rất nhiều ý kiến tranh luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng về tính khả thi của nó đối với hoạt động của những người bán hàng rong ở đô thị, đặc biệt là quy định cấm bán hàng ở nhiều tuyến phố và khu vực. Có lẽ chính vì điều đó mà trong cuộc điều tra này người ta đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến quy định trên. Và khá bất ngờ khi kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ người bán hàng rong trả lời không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm bán hàng rong (54,5%) cao hơn tỉ lệ cho rằng có bị ảnh hưởng (45,5%). Có đến 87,3% người bán hàng rong cho rằng, đối với thành phố nói chung, lệnh cấm bán hàng rong này là vì sự tiến bộ. Vậy phải chăng người bán hàng rong ủng hộ quy định này của thành phố và họ có những chiến lược thích ứng tốt với hoàn cảnh mới? Trong số những người bán hàng rong bị ảnh hưởng, đa phần họ không phải dừng hoạt động kinh doanh (84%), cũng như thay đổi hoạt động kinh doanh (84%). Ảnh hưởng lớn nhất đối với người bán hàng rong chính là địa điểm bán hàng, có đến 72% người bán hàng rong đã phải thay đổi địa điểm bán hàng.

3.4. Khó khăn và triển vọng của hoạt động bán hàng rong a. Khó khăn

Khó khăn nhất

Để tìm hiểu về khó khăn của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể nói chung (trong đó có người bán hàng rong), bảng hỏi điều tra đã liệt kê ra nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động nghề nghiệp với các mức độ khó khăn là không, đôi chút, tương đối, đáng kể, rất nghiêm trọng. Tỉ lệ phần trăm người bán hàng rong trả lời rằng “không có khó khăn” liên quan đến các vấn đề như sau: cung ứng hàng hóa (83,6%), trang thiết bị (92,7%), tiếp cận nguồn vốn vay (89,1%), quay vòng tiền mặt (81,8%), chính sách vĩ mô (lạm phát, tỉ giá hối đoái) (87,3%). Những kết quả này không quá bất ngờ vì như chúng ta đã biết, hoạt động bán hàng rong là hoạt động kinh doanh nhỏ, đa dạng về hàng hóa/dịch vụ, không đòi hỏi nhiều vốn, nhiều trang thiết bị cũng như không bị ảnh hưởng nhiều bởi bối cảnh xã hội. Tuy nhiên, lại khá bất ngờ với những tỉ lệ “không có khó khăn” liên quan đến vấn đề không gian

(10)

hay vị trí kinh doanh (69,1%) khi mà tưởng chừng quy định của UBND thành phố Hà Nội cấm bán hàng trên nhiều tuyến phố sẽ gây ra nhiều khó khăn cho người bán hàng rong.

Tương tự, làm việc ở ngoài trời, thời gian làm việc cao, tiếp xúc với nhiều đối tượng, người bán hàng rong có nguy cơ cao phải đối mặt với những vấn đề tội phạm, trộm cắp và mất trật tự, tuy nhiên, 87,3% người bán hàng rong cho rằng họ không có khó khăn liên quan đến những vấn đề này. Hay như 81,8% người bán hàng rong cho rằng họ không có khó khăn liên quan đến vấn đề vận chuyển hàng hóa khi mà thực tế không ít người bán hàng rong luôn phải di chuyển những chặng đường dài, với một khối lượng hàng hóa lớn, phải chạy công an cùng với hàng hóa, v.v. Đối với tiêu thụ sản phẩm, bảng hỏi khảo sát đã chia ra hai vấn đề liên quan là ít khách hàng quan tâm đến sản phẩm và phải cạnh tranh quá nhiều, tỉ lệ người bán hàng rong trả lời không gặp phải những khó khăn này lần lượt là 61,8% và 45,5%, các tỉ lệ này thấp hơn các vấn đề khác ở trên nhưng vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất trong các lựa chọn liên quan đến mức độ khó khăn.

Như vậy, khi xét từng vấn đề có liên quan của hoạt động bán hàng rong một cách riêng rẽ thì nhìn chung người bán hàng rong không gặp phải khó khăn trong công việc.

Tuy nhiên khi so sánh những khó khăn này với nhau để tìm hiểu về khó khăn lớn nhất thì kết quả khảo sát cho chúng ta thấy rằng “khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm” là phương án được nhiều người bán hàng rong lựa chọn hơn cả (38,2%) trong đó bao gồm cả 2 nguyên nhân: do phải cạnh tranh quá nhiều (25,5%) và do ít khách hàng quan tâm đến sản phẩm (12,7%) cao hơn cả tỉ lệ những người bán hàng rong không có bất cứ khó khăn gì (30,9%), còn lại tỉ lệ nhỏ nằm rải rác trong các khó khăn khác (bảng 2).

Bảng 2: Khó khăn lớn nhất trong hoạt động bán hàng rong

Đơn vị: %

Khó khăn %

Những người không có bất cứ khó khăn gì 30,9

Cung ứng nguyên vật liệu (Số lượng hoặc chất lượng) 1,8

Tiêu thụ sản phẩm (ít khách hàng quan tâm đến sản phẩm) 12,7

Tiêu thụ sản phẩm (phải cạnh tranh quá nhiều) 25,5

Tài chính (khó tiếp cận nguồn vay) 1,8

Tài chính (quay vòng tiền mặt) 7,3

Thiếu không gian, vị trí SXKD phù hợp 5,5

Vận chuyển hàng hóa 9,1

Chính sách vĩ vô (lạm phát, tỷ giá hối đoái) 3,6

Khác 1,8

Tổng 100,0

(11)

Như vậy, có thể nói rằng hoạt động bán hàng rong không phải hoàn toàn là thuận lợi mà nó cũng gặp phải khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên cũng cần phải hiểu đó luôn là vấn đề thường trực và là một trong những khâu quan trọng nhất quyết định sự thành bại đối với mọi hoạt động thương mại nói chung.

Mong muốn hỗ trợ để giải quyết khó khăn

Dường như tương ứng với thực tiễn không có nhiều khó khăn trong hoạt động nghề nghiệp nên về cơ bản người bán hàng rong không cần đến nhiều sự hỗ trợ trong công việc. Cụ thể, phần lớn những người bán hàng rong không có bất cứ mong muốn hỗ trợ gì (61,8%). Trong số những người bán hàng rong gặp phải khó khăn trong công việc (một hay nhiều khó khăn) thì không có ai cần sự hỗ trợ về đào tạo kỹ thuật, đào tạo về tổ chức và kế toán, tiếp cận máy móc hiện đại, quảng cáo sản phẩm, một tỉ lệ nhỏ và không quá bán trong số đó cần sự hỗ trợ về cung ứng đầu vào (7,9%), tiếp cận các nguồn vay (26,3%), tiếp cận các thông tin về thị trường (26,3%), tiếp cận các đơn đặt hàng lớn (42,1%), đăng ký kinh doanh (2,6%). Khi so sánh những sự hỗ trợ với nhau để tìm hiểu sự hỗ trợ nào mà người bán hàng rong cần nhất, kết quả cho thấy thấy tiếp cận các đơn đặt hàng lớn là mong muốn có tỉ lệ người bán hàng rong lựa chọn cao hơn cả với tỉ lệ 21,8%

(bảng 3). Kết quả này phù hợp với vấn đề khó khăn nhất của người bán hàng rong hiện nay là tiêu thụ sản phẩm.

Bảng 3: Sự hỗ trợ cần thiết nhất trong hoạt động bán hàng rong

Đơn vị: %

Nội dung %

Những người không có bất cứ mong muốn hỗ trợ gì 61,8

Đào tạo kỹ thuật 0

Đào tạo về tổ chức và kế toán 0

Hỗ trợ cung ứng đầu vào 1,8

Tiếp cận với máy móc hiện đại 1,8

Tiếp cận các nguồn vay 9,1

Tiếp cận các nguồn thông tin về thị trường 1,8

Tiếp cận các đơn đặt hàng lớn 21,8

Đăng ký kinh doanh 0

Quảng cáo cho các sản phẩm mới 1,8

Khác 0

Tổng 100,0

(12)

b. Triển vọng

Với 89,1% người bán hàng rong cho biết công việc của họ mang tính chất thường xuyên, cùng với đặc điểm thâm niên nghề nghiệp như đã trình bày ở trên, càng có thêm cơ sở để nhận định về tính chất ổn định trong công việc bán hàng rong chứ không phải là tạm thời hay mùa vụ. Tuy nhiên, đa phần người bán hàng rong lại không lạc quan về triển vọng nghề nghiệp của họ. Bằng chứng là 80% người bán hàng rong cho rằng nghề nghiệp họ không có tương lai và có đến 94,5% người bán hàng rong không muốn con cái tiếp tục bán hàng rong cho dù chúng muốn. Làm việc hưởng lương và trong môi trường chính thức vẫn là mong muốn của những người bán hàng rong khi mà phần lớn họ có mong muốn con cái làm việc trong doanh nghiệp nhà nước (57,7%), tiếp đến là doanh nghiệp tư nhân (25%), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (15,4%), sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ (1,9%). Một giả định đã được đưa ra trong cuộc điều tra về trường hợp mức cầu giảm đối với hoạt động kinh doanh, kết quả khảo sát đã cho thấy các chiến lược phổ biến nhất người bán hàng rong lựa chọn lần lượt là: tìm một công việc khác (43,6%), giảm lợi nhuận (23,6%); đa dạng hóa các ngành nghề (18,2%).

4. Thay cho lời kết

Người bán hàng rong trong nghiên cứu này đa phần là nữ, định cư lâu năm ở Hà Nội, trình độ học vấn thấp, độ tuổi trung niên và từng có nhiều năm hoạt động bán hàng rong. Họ đến với hàng rong bởi đó là việc họ có thể làm, điều đó cũng có nghĩa là không có lựa chọn nào khác tốt hơn trong hoàn cảnh của họ.

Tuy rằng những người bán hàng rong phải làm việc nhiều thời gian, có những khó khăn nhất định, đặc biệt là việc tiêu thụ sản phẩm do sự cạnh tranh ngày càng nhiều nhưng nhìn chung hoạt động bán hàng rong có nhiều thuận lợi hơn như: người ta dễ dàng có thể tham gia công việc này mà không cần phải qua đào tạo, công việc có tính độc lập và dễ dàng thích ứng với những ảnh hưởng của môi trường xã hội.

Những người bán hàng rong chưa tiếp cận được bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, có hai nguyên nhân chủ yếu cần phải quan tâm là việc thông tin tuyên truyền còn hạn chế và có thể mức đóng phí còn cao đối với họ.

Mặc dù nghề bán hàng rong đã giúp cho nhiều người có việc làm, có thu nhập ổn định trong một thời gian dài, tuy nhiên nó lại bị đánh giá thấp hơn so với những nghề nghiệp khác trong xã hội.

Với phạm vi của một bài viết chủ yếu chỉ dựa trên những dữ liệu định lượng, thống kê mô tả đơn giản, không đi sâu vào lý giải và bình luận, do vậy hẳn sẽ có những vấn đề khiến người đọc còn chưa thỏa mãn, tác giả hy vọng đây sẽ là những gợi mở để bạn đọc tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu về chủ đề có tính cấp thiết này.

(13)

Tài liệu tham khảo

Jean-Pierre Cling, Mireille Razafindrakoto, François Roubaud. 2009. Thị trường lao động, khu vực không chính thức và điều kiện sống hộ gia đình tại Việt Nam. Truy cập từ:

http://www.tamdaoconf.com/tamdao/wp-content/uploads/downloads/2010/08/Tam-Dao-2009- VN-SP4-Cling-Razafindrakoto-Roubaud.pdf, truy cập ngày 22/9/2011.

Jean-Pierre Cling, Stéphane Lagrée, Mireille Razafindrakoto et François Roubaud. 2012. Kinh tế phi chính thức ở các nước đang phát triển. Nxb Tri thức và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Hà Nội.

Lê Đăng Doanh, Nguyễn Minh Tú. 1997. Khu vực kinh tế phi chính thức, Một số kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam trong quá trình chuyển đổi kinh tế. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.

Trần Thị Minh Đức & Bùi Thị Hồng Thái. 2010. Vấn đề người bán hàng rong trên các đường phố Hà Nội.

Truy cập từ:

http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340652&cn_id=42742, truy cập ngày 22/9/2011.

Võ Lâm. 2009. Công tác dân tộc ở Hà Nội: Tập trung nguồn lực, rút ngắn khoảng cách. Truy cập từ:

http://www.baomoi.com/Cong-tac-dan-toc-o-Ha-Noi-Tap-trung-nguon-luc-rut-ngan-khoang- cach/122/3545027.epi, truy cập ngày 25/7/2013.

Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về “Hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh”.

Nguyễn Ngọc Tiến. 2012. Đi dọc Hà Nội. Nxb Thời đại. Hà Nội.

Nguyễn Ngọc Tiến. 2014. Hàng rong ở Hà Nội xưa và nay. Truy cập từ: http://hanoimoi.com.vn/Tin- tuc/Phong-su-Ky-su/674488/hang-rong-o-ha-noi-xua-va-nay, truy cập ngày 4/8/2014.

Nguyễn Quang Thiều. 2008. Cấm bán hàng rong - phép trừ không đơn giản. Truy cập từ:

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/cam-ban-hang-rong-phep-tru-khong-don-gian, truy cập ngày 13/10/2011.

Quyết định số 46/2009/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 15/1/2009 về việc “Ban hành Quy định về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn thành phố Hà Nội"

Regina Abrami, 1997. Kinh tế nông thôn - một số ghi nhận về những mối quan hệ xã hội và nghiên cứu xã hội học về những người lao động và buôn bán rong tại Hà Nội. Tạp chí Xã hội học số 4 (60), 1997, 55-69.

Rolf Jensen và Donald M.Peppard JR. 2001. Người bán hàng rong ở Hà Nội - một cái nhìn về khu vực phi chính thức ở thành phố. Tạp chí Xã hội học số 4 (76), 2001, 36-45.

Rolf Jensen, Donald M. Peppard Jr., Vũ Thị Minh Thắng. 2009. Di cư “tuần hoàn” của phụ nữ ở Việt Nam:

một nghiên cứu về người bán hàng rong tại Hà Nội. Tạp chí Xã hội học số 2 (106), 2009, trang 59-71.

Tổng cục Thống kê, Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp. Ngân hàng thế giới. 2009. Bảng hỏi điều tra và tài liệu hướng dẫn điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực kinh tế phi chính thức năm 2009.

Tổng cục thống kê, Viện Nghiên cứu phát triển Pháp. 2010. Sự năng động của khu vực phi chính thức ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2007 - 2009. Dự án TCTK/IRD-DIAL.

Viện Nghiên cứu rau quả. 2013. Báo cáo kết quả nghiên cứu về hoạt động bán rong rau, quả trên địa bàn Hà Nội.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Đối với các nhà sản xuất kinh doanh, trước khi đưa ra thị trường sản phẩm hay một dịch vụ nào đó thì không thể chỉ đơn thuần nghiên cứu về mặt kĩ

Trong nền kinh tế thị trường ngày nay, dưới áp lực ngày càng tăng của cạnh tranh nên các doanh nghiệp sử dụng mạng lưới bán hàng thực hiện các chức năng khác nhau

Bên cạnh công cụ khuyến mãi, doanh nghiệp có thể sử dụng kết hợp các công cụ khác để tăng hiệu quả bán hàng như tăng cường hoạt động quảng cáo, tham gia vào các

Lợi nhuận là một chỉ tiêu phản ánh hiệu quả hoạt động kinh doanh, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ tồn tại và phát triển khi nó tạo ra lợi

Dù doanh nghiệp có sản xuất ra sản phẩm với chi phí rẻ, chất lượng tốt mà hoạt động của hệ thống bán hàng yếu kém, làm cho hàng hóa hay dịch vụ của doanh nghiệp không

Trường hợp điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư kèm theo cấp Giấy phép kinh doanh, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến chấp thuận của

+ Mục tiêu đối với khách hàng: Hiện nay, trong cơ chế kinh tế thị trường, hàng hóa tràn ngập khắp nơi, môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh gay gắt và

Với sự phân bố và phát triển mạnh mẽ của dân số Hồi giáo trên thế giới, đặc biệt là dân số ở các quốc gia Ả Rập thuộc khu vực Trung Đông - Bắc Phi giàu dầu mỏ, với nhiều quốc gia có