• Không có kết quả nào được tìm thấy

Phân tích tình hình giới ở Việt Nam cho thấy tình hình tương tự, bất luận chủ hộ là nam hay là nữ, phụ nữ đều phải làm việc nội trợ gấp hai lần nam giới. Phân công lao động nội trợ có lẽ là một trong những lĩnh vực bất bình đẳng nhất giữa nam và nữ. Vì thế, thậm chí người phụ nữ có nhiều khả năng độc lập kinh tế và quyền ra quyết định nhiều hơn thì họ vẫn có ít thời gian nghỉ ngơi hơn bởi những vai trò truyền thống về giới vẫn chưa thay đổi được bao nhiêu (J. Desai, 1995).

Quá trình đổi mới ở nông thôn Việt Nam bên cạnh việc tạo ra những cơ hội sản xuất và kinh doanh mới đồng thời cũng đặt ra những trở ngại lớn đối với phụ nữ. Một mặt họ có điều kiện sản xuất và kinh doanh năng động hơn ở kinh tế hộ và trên thị trường. Nhưng mặt khác, gánh nặng

chăm sóc gia đình vốn được chia sẽ bởi cộng động trước kia thông qua nhà trẻ, mẫu giáo và các quỹ của Hợp tác xã nay đặt lên vai phụ nữ (Lê Ngọc Văn, 1997). Mặc dù vai trò của họ rất lớn trong đời sống kinh tế của gia đình, nhưng về cơ bản công việc nội trợ gia đình vẫn do những người phụ nữ đảm nhiệm (Nguyễn Linh Khiếu, 2003). Không có sự thay đổi đáng kể trong phân công lao động giữa người vợ và người chồng trong các hoạt động nội trợ như nấu cơm, rửa bát, dọn nhà và giặt giũ. Người vợ vẫn là người làm chính trong các hoạt động này (Vũ Tuấn Huy, 2004). Chăm sóc gia đình trên thực tế không còn là vấn đề của riêng từng phụ nữ mà trở thành vấn đề xã hội. Trách nhiệm chăm sóc trẻ em và công việc nội trợ được coi là một thứ “thuế” đối với thời gian của phụ nữ và có tác động đến thời gian và cơ hội của phụ nữ và trẻ em gái trong các hoạt động khác như học tập, nâng cao kỹ năng, nắm bắt thông tin, tham gia quản lý (Trần Thị Vân Anh, 2001).

Phân tích của Vũ Mạnh Lợi (1990) cho thấy, trong cuộc sống gia đình tương đối riêng tư, sự bất bình đẳng nam nữ - sản phẩm lịch sử của chế độ cũ - vẫn âm ỉ và dai dẳng tồn tại, vẫn được bầu không khí xã hội bao quanh che chở và ngầm ủng hộ. Có lẽ chính vì thế mà điều 10, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 có thêm điều khoản nhấn mạnh “chồng có nghĩa vụ tạo điều kiện cho vợ thực hiện tốt chức năng của người mẹ”. Tuy nhiên, dù đạo luật mới, tiến bộ về hôn nhân và gia đình đã được thiết lập từ nhiều năm nhưng cuộc sống gia đình vẫn đi theo hướng riêng của mình, vẫn tuân theo những tập quán, những khuôn mẫu xử sự, những chuẩn mực đã thâm căn cố đế trong xã hội, được tạo nên từ nhiều đời nay bởi đàn ông và để phục vụ cho đàn ông. Cuối cùng tác giả này kết luận, khác biệt nam nữ thể hiện đặc biệt rõ trong quyền quyết định của người gia trưởng trong phân công lao động, trong quyết định tương lai của con cái (nghề nghiệp, hôn nhân), trong các chi tiêu tài sản của gia đình.

Tác giả Lê Ngọc Văn (1997) cho rằng việc chuyển sang nền kinh tế thị trường và sản xuất dựa trên đơn vị hộ gia đình ở nông thôn đã có một tác động quan trọng đối với đời sống người phụ nữ. Phân công lao động theo giới trong đơn vị sản xuất hộ gia đình ở một mức độ nào đó đã làm giảm vị trí của người phụ nữ trong xã hội so với thời kỳ kinh tế hợp tác xã trước đây. Phụ nữ phải làm quá nhiều việc - cả công việc sản xuất và công việc gia đình, nhất là những hộ do phụ nữ làm chủ hộ. So sánh giữa hai đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, tác giả cho rằng điểm tương đồng trong phân công lao động theo giới trong các gia đình nông dân ở Bắc Bộ và Nam Bộ là đàn ông vẫn có xu hướng duy trì chức năng “kiếm cơm”

truyền thống của họ, trong khi phụ nữ đảm nhận các công việc trong phạm vi gia đình và nuôi con. Vì thế tất cả gánh nặng việc nhà, sản xuất, trách nhiệm lao động đối với làng xã đều đổ lên vai người phụ nữ. Trong một nghiên cứu khác, tác giả này cho rằng vai trò của người vợ và người chồng cũng dần dần tách biệt, sự phân công lao động giữa vợ và chồng thay thế cho sự chia sẻ lao động trước kia. Người chồng tham gia vào các hoạt động kinh tế còn người vợ làm công việc nội trợ và nuôi con. Sự phân công lao động này có thể dẫn đến một hệ quả tất yếu là hoạt động của người phụ nữ chủ yếu bị giới hạn trong phạm vi gia đình. Họ bị gắn chặt với công việc nội trợ, trong khi đó nam giới được chuẩn bị để tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội, có cơ hội để thăng tiến trong nghề nghiệp và thu nhập cao (Lê Ngọc Văn, 2002).

Nghiên cứu một xã ở Bắc Bộ cho thấy sự phân công lao động trong công việc gia đình chưa có sự thay đổi nhiều so với quá khứ. Và trong những năm đổi mới gánh nặng của việc lao động nội trợ càng trở nên nặng nề hơn. Việc tham gia vào công việc đồng áng làm cho phụ nữ bị tiêu hao nhiều năng lượng và sức khoẻ. Theo truyền thống, họ vẫn phải làm công việc bếp núc, chăm sóc con cái, chăm sóc người già, giặt giũ, chăn nuôi, trong khi nam giới tự cho mình được quyền lựa chọn không phải làm những công việc đó (Nguyễn Thanh Tâm, 1999).

Sử dụng số liệu đề tài cấp Bộ “Biến đổi cơ cấu gia đình và vai trò giới”

được tiến hành tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ với dung lượng mẫu là 500 hộ gia đình, trong đó có 300 hộ gia đình ở nông thôn, Vũ Tuấn Huy và Deborah S. Carr (2000) cho thấy đối với những phụ nữ ở nhóm tuổi cao hơn, số công việc nội trợ họ làm giảm so với những người trẻ hơn. Đối với những hộ gia đình mà cả hai vợ chồng đều làm nông nghiệp, người chồng làm việc gần nhà thì người vợ có xu hướng ít làm công việc gia đình hơn, khả năng người chồng chia sẻ công việc gia đình với người vợ tăng lên.

Những phụ nữ làm việc trong khu vực nhà nước hoặc các nghề nghiệp phi nông mà có chồng làm việc gần nhà cũng là những yếu tố quan trọng góp phần giảm số công việc nội trợ trong gia đình. Nghiên cứu này cũng cho thấy con cái cũng là một nguồn lực làm giảm hoặc tăng công việc gia đình của người phụ nữ. Đặc biệt con gái có vai trò quan trọng hơn so với con trai trong việc giảm công việc gia đình của người phụ nữ. Các tác giả cũng kỳ vọng rằng những gia đình có con dưới 6 tuổi sẽ có tác động đến số công việc nội trợ của phụ nữ. Đáng tiếc kết quả phân tích hồi quy lại không hỗ trợ cho giả thuyết đó. Đối với biến số học vấn cũng tương tự, các tác giả cho rằng học vấn của phụ nữ không có ảnh hưởng trong việc giảm khối

lượng công việc nội trợ của người phụ nữ, bởi vì mối quan hệ giữa chúng không có ý nghĩa thống kê.

Các nghiên cứu nêu trên đã xem xét và coi phân công lao động nội trợ trong gia đình là một trong những biểu hiện của bất bình đẳng giới trong gia đình. Tuy nhiên, các nghiên cứu đó chỉ mới đưa ra bức tranh chung mà chưa tìm hiểu các yếu tố tác động đến sự phân công lao động theo xu hướng truyền thống đó, nếu có thì cũng chỉ đại diện cho đồng bằng Bắc Bộ. Nghiên cứu của chúng tôi sẽ cố gắng đi sâu vào phân tích để làm rõ hơn những yếu tố tác động đến số lượng công việc nội trợ mà người phụ nữ phải gánh vác ở trong gia đình nông thôn miền Trung, qua nghiên cứu tại một xã của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nghiên cứu này sử dụng số liệu từ cuộc khảo sát năm 2006 tại xã Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế với dung lượng mẫu khảo sát là 300 hộ gia đình trong khuôn khổ dự án nghiên cứu liên ngành “Gia đình nông thôn Việt Nam trong chuyển đổi” (VS-RDE-05).

Biến số phụ thuộc của nghiên cứu này được xây dựng trên cơ sở tổng hợp số công việc nội trợ mà người phụ nữ đã đảm nhiệm chính trong thời gian 12 tháng trước thời điểm khảo sát thông qua câu hỏi: Năm vừa qua, trong hộ gia đình ông/bà, ai là người chủ yếu làm các công việc sau? 1) Giữ tiền chi tiêu; 2) Mua thức ăn; 3) Nấu cơm; 4) Rửa bát; 5) Dọn nhà; 6) Giặt giũ. Các phương án trả lời được phân loại nhưsau: Chồng, vợ, cả hai, và người khác. Những trường hợp trả lời “vợ làm là chủ yếu” đối với một trong sáu công việc nêu trên được lựa chọn để xây dựng biến phụ thuộc.

Các biến độc lập được sử dụng trong nghiên cứu này bao gồm: Tuổi, Học vấn, Nghề nghiệp của vợ và chồng; Số nhân khẩu; Số con dưới 6 tuổi và Tình trạng kinh tế gia đình. Tất cả biến độc lập đều là biến phân loại (categorical variable). Các biến độc lập được sử dụng dựa trên thông tin thu thập được từ bảng hỏi như năm sinh, trình độ học vấn, nghề nghiệp của người vợ và người chồng, tình trạng kinh tế gia đình. Ngoài ra, các biến số mới phải được xây dựng thêm nhưsố nhân khẩu, số con trong gia đình dựa trên bảng hộ.

Mặc dù kỹ thuật phân tích nhị biến (bảng hai chiều) cũng làm sáng tỏ khi xem xét các tác động của các yếu tố đối với số công việc nội trợ của phụ nữ nhưng phương pháp này cũng có nhược điểm là các tác động có thể liên quan với nhau, không loại trừ tác động của các yếu tố khác. Để giải quyết vấn đề này, cần phải thực hiện một mô hình hồi quy đa biến (thủ tục OLS) nhằm xác định được quan hệ nhân quả giữa các yếu tố nhân khẩu học, kinh tế xã hội đối với số công việc nội trợ của phụ nữ. Ngoài ra,

nghiên cứu còn sử dụng thông tin định tính nhằm giải thích rõ hơn tác động của một số yếu tố.