• Không có kết quả nào được tìm thấy

Bạo lực gia đình qua cách tiếp cận xã hội học

Trong khi cách tiếp cận tâm lý học tập trung vào quá trình hình thành và phát triển các hành vi bạo lực của cá nhân thì cách tiếp cận xã hội học tập trung vào việc lý giải hoàn cảnh xã hội trong đó cá nhân có hành vi bạo lực với các thành viên khác trong gia đình. Các nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng hoàn cảnh xã hội là yếu tố khách quan dẫn đến việc cá nhân có hành vi bạo lực đối với các thành viên trong gia đình (Loseke, 2005), Một số lý thuyết về nguồn lực xã hội, kiểm soát xã hội, thiết chế xã hội đã được các nhà xã hội học vận dụng để giải thích nguyên nhân dẫn đến nạn

bạo lực gia đình.

Một trong các lý thuyết được vận dụng nhiều nhất là lý thuyết căng thẳng xã hội (social stress theory). Các nhà xã hội học nhận định rằng cấu trúc của xã hội và gia đình dễ tạo nên những căng thẳng và xung đột trong đời sống cá nhân. Morison & Hinse (2004) cho rằng sự căng thẳng trong cuộc sống có thể khiến cá nhân có hành vi bạo lực đối với người thân trong gia đình. Sự căng thẳng xã hội nảy sinh khi cá nhân không có đủ các nguồn lực về tâm lý, xã hội, kinh tế để đáp ứng sự kỳ vọng của bạn bè, người thân, đồng nghiệp và chính bản thân họ. Ví dụ, không được thăng tiến trong công việc, hạ bậc lương, ly hôn, ngoại tình, chuyển nơi làm việc, thất nghiệp, gặp rắc rối với đồng nghiệp, và thậm chí lạm phát giá cả.

Ngoài ra, cuộc sống gia đình cũng có thể dẫn đến những căng thẳng, ví dụ sinh con, con cái trưởng thành, gia tăng các chi phí nuôi con (Gelles &

Straus, 1988). Brown & Hendricks (1998) đã nhận thấy có mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa căng thẳng trong cuộc sống gia đình, trong công việc và bạo lực gia đình. Cá nhân không chỉ sử dụng bạo lực như là một cách thức đương đầu với sự căng thẳng xã hội mà họ đang phải hứng chịu mà còn xem đó là cách giải quyết những xung đột trong đời sống cá nhân. Lý thuyết căng thẳng xã hội còn cho rằng bất cứ khi nào có sự mất cân bằng về kỳ vọng, cá nhân có thể sử dụng bạo lực để kiểm soát tình hình. Hành vi bạo lực được xem nhưlà cách thức để bù đắp cho vị thế thấp kém hoặc lòng tự trọng bị tổn thương của cá nhân (Browne & Herbert, 1997). Hai tác giả cũng gợi ý rằng cách tiếp cận xã hội học nên chuyển hướng sang tìm hiểu sự tương tác giữa người gây ra bạo lực và người bị bạo lực đặt trong cấu trúc xã hội và gia đình.

Lý thuyết văn hoá (cultural theory) xem xét bạo lực gia đình nhưmột tiểu văn hoá đặt trong bối cảnh văn hoá của xã hội rộng lớn hơn. ởmức độ nào đó, xã hội có khuynh hướng chấp nhận hành vi bạo lực, chẳng hạn người ta coi những hành vi bạo lực trên đường phố là điều bình thường và hiển nhiên trong cuộc sống. Khi con người có xu hướng thoả hiệp các hành vi bạo lực ngoài xã hội thì trong gia đình, họ cũng có xu hướng chấp nhận sử dụng bạo lực với các thành viên khác (Browne & Herbert, 1997).

Sự chấp nhận mặc định đó đã cho phép cá nhân sử dụng hành vi bạo lực để giải quyết các xung đột trong gia đình. Vì thế, tác giả này cho rằng để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình, trước hết xã hội cần phải có thái độ lên án các hành vi bạo lực nói chung và bạo lực gia đình nói riêng.

Browne & Herbert (1997) cho rằng bạo lực ngoài xã hội và bạo lực

trong gia đình phải được xem xét trong mối tương quan chặt chẽ. Bạo lực gia đình là một phần của bạo lực xã hội. Ngoài ra, cần phải nhận thấy rằng bạo lực gia đình có thể bị che giấu và ít bị trừng phạt hơn so với bạo lực ngoài xã hội. Ngoài ra cách tiếp cận xã hội học cũng cho rằng bạo lực gia đình gắn liền với các chuẩn mực xã hội và các đặc trưng văn hoá tồn tại trong mối tương quan quyền lực giữa nam và nữ, trong đó đàn ông sử dụng bạo lực để kiểm soát phụ nữ.

Lý thuyết trao đổi/ kiểm soát xã hội (exchange theory/social control theory) lý giải hành vi bạo lực dựa trên các khái niệm về phần thưởng (rewards)và trừng phạt (punishment) và từ đó giải thích tại sao cá nhân không gây ra hành vi bạo lực. Lý thuyết này cho rằng gia đình là nơi các thành viên trao đổi, chia sẻ tình cảm, tình yêu thương, sự chăm sóc lẫn nhau. Khi các cá nhân được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về tình cảm hoặc vật chất, gia đình là nơi bình yên và phần thưởng cho cá nhân chính là hạnh phúc gia đình. Ngược lại, khi nhu cầu tình cảm, vật chất không được đáp ứng đầy đủ, xung đột gia đình dẫn đến bạo lực lại có cơ hội bùng phát.

Ngoài ra, các cá nhân lại có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau, do đó, họ sợ bị trừng phạt nếu gây ra hành vi bạo lực. Lý thuyết này khẳng định rằng những ai có mối quan hệ xã hội rộng rãi và e ngại sự trừng phạt sẽ có ít khả năng gây ra bạo lực gia đình. Hay nói một cách khác, sự kiểm soát xã hội và sự e ngại bị trừng phạt chính là những yếu tố ngăn ngừa cá nhân có hành vi bạo lực trong gia đình (Loseke, 2005).

Lý thuyết nguồn lực (resource theory) giải thích bản chất của bạo lực gia đình từ góc độ nguồn lực của con người. Goode (1971) cho rằng nếu cá nhân càng sở hữu nhiều nguồn lực thì cá nhân đó càng ít có khả năng gây ra bạo lực gia đình. Do đó, người ta giả định rằng nam giới có thu nhập và vị thế cao trong xã hội ít có xu hướng gây ra bạo lực gia đình hơn so với những người không đạt được những điều tương tự (Loseke, 2005, Gelles & Cornell, 1990). Khi cá nhân càng có nhiều nguồn lực xã hội như sự đảm bảo về kinh tế hay vị thế nhất định trong xã hội, cá nhân đó càng có nhiều quyền lực. Ngược lại, những cá nhân có nguồn lực xã hội hạn chế, ví dụ trình độ học vấn thấp, uy tín xã hội thấp hoặc không có, khả năng tài chính yếu kém thì khi trở thành người chủ gia đình, người đó sẽ dễ có xu hướng gây ra các hành vi bạo lực gia đình. Như vậy, nếu theo cách lý giải của Goode (1971), những cá nhân thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội sẽ ít có xu hướng gây ra bạo lực.

Một số nhà nghiên cứu theo cách tiếp cận xã hội học cũng xem xét thiết

chế gia đình, từ đó đưa ra kết luận rằng thiết chế gia đình là một nhân tố dẫn đến bạo lực gia đình. Các nhà nghiên cứu này cho rằng chính sự suy giảm các chức năng cơ bản của gia đình làm dẫn đến bạo lực gia đình. Ví dụ, khi gia đình không đáp ứng được nhu cầu tình cảm, giao tiếp giữa các thành viên hoặc khi vợ hoặc chồng không có quyền quyết định các công việc chung thì bạo lực gia đình rất dễ xảy ra. Bên cạnh đó, các nhà xã hội học còn nhận thấy rằng gia đình là một thiết chế có tính chất khép kín, bởi người ngoài khó có thể nhận biết những gì xảy ra đằng sau cánh cửa gia đình, và vì thế dễ có nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình. Do vậy, trong xã hội hiện đại, khi tính khép kín của gia đình ngày càng gia tăng, bạo lực gia đình không chỉ càng dễ xảy ra mà còn càng khó bị phát hiện hơn (Brown

& Hendricks, 1998, Loseke, 2005).

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu khi lý giải nguyên nhân của bạo lực gia đình theo cách tiếp cận xã hội học thường có xu hướng trung lập về giới bởi họ cho rằng bạo lực gia đình là vấn đề của cả hai giới. Do vậy, họ xem nhẹ sự thống trị và quyền lực của nam giới đối với nữ giới trong khi đây lại là những vấn đề cơ bản trong cách tiếp cận nữ quyền. Mặc dù các lý thuyết xã hội học tìm kiếm mối liên hệ giữa cá nhân, đời sống gia đình và hoàn cảnh xã hội rộng hơn, nhưng theo các nhà nữ quyền, cách tiếp cận xã hội học chưa trả lời được câu hỏi tại sao nam giới lại sử dụng bạo lực để kiểm soát phụ nữ (Yllo & Bograd, 1988).